15 nhà khoa học đoạt giải Nobel cùng truyền đam mê cho thế hệ trẻ

Nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel quy tụ về Israel ngày 16/8 để hun đúc tình yêu khoa học cho hơn 400 học sinh, sinh viên, thế hệ nhà khoa học trẻ tương lai, đến từ khắp nơi trên thế giới.

15 nhà khoa học đoạt giải Nobel cùng truyền đam mê cho thế hệ trẻ
israel-7380-1439785502.jpg

Roger Kornberg, nhà khoa học đoạt giải Nobel Hóa học năm 2006, tại lễ khai mạc WSCI ngày 16/8.

Hội nghị Khoa học Thế giới Israel (WSCI), được tổ chức từ 16 đến 20/8 tại Jerusalem, được xem là hội nghị khoa học lớn nhất thế giới. Roger Kornberg, nhà khoa học đoạt giải Nobel Hóa học năm 2006, đã nảy ra ý tưởng về một hội nghị, nơi các bạn trẻ đam mê khoa học có thể trao đổi với các nhà khoa học kỳ cựu và với nhau sau khi dự một trại khoa học châu Á tại Đài Loan hai năm trước. Ông đã đưa ý tưởng này đến với Israel, nơi ứng dụng khoa học và công nghệ luôn được đặt lên hàng đầu.

"Hội nghị khoa học này có hai mục đích, một mặt đưa các nhà khoa học kỳ cựu và các nhà khoa học trẻ tương lai đến với nhau, một mặt cũng đưa họ đến với Israel, một nơi tuyệt vời về ứng dụng khoa học công nghệ", giáo sư Kornberg cho biết tại lễ khai mạc WSCI tại Đại học Hebrew, Jerusalem. Ông chia sẻ mong muốn lớn nhất của ông là các nhà khoa học lớn tuổi, trong đó có ông và 14 đồng nghiệp đoạt giải Nobel khác, có thể "truyền ngọn lửa đam mê khoa học" cho thế hệ trẻ.

Các nhà khoa học đoạt giải Nobel sẽ có những bài giảng, thuyết trình ngắn về các công trình nghiên cứu của họ. Ngoài ra, những bạn trẻ tham dự được chia thành các nhóm nhỏ, thảo luận với nhau về một chủ đề khoa học cùng quan tâm. Họ cũng được tham quan các công ty khoa học và công nghệ hàng đầu ở Israel.

Các bạn trẻ tham dự sự kiện đến từ 70 quốc gia trên thế giới đều đạt thành tích xuất sắc trong các học tập và nghiên cứu khoa học. Milov Vladimir, sinh viên học dược ở Bulgaria, cho biết từng đoạt 5 giải thưởng quốc tế về hóa và sinh học khi còn là học sinh. "Tham dự sự kiện này là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi", Vladimir cho biết.

Trao đổi với VnExpress, giáo sư Meonachen Ben Sasson, hiệu trưởng Đại học Hebrew, nơi tổ chức WSCI, cho rằng một trong những "bí kíp" để trường của ông có nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel và lọt vào bảng xếp hạng top 100 trường đại học trên thế giới, là việc khuyến khích sinh viên ra nước ngoài học tập, nghiên cứu. "Hãy cử họ ra nước ngoài, để học hỏi và mở mang tầm nhìn", ông nói. Ông cũng cho rằng chính phủ đóng vai trò quan trọng để các nhà khoa học trở về đóng góp, xây dựng cho đất nước.

"Hãy trả lương xứng đáng cho họ, để họ có thể tập trung làm khoa học", Ariel Warshel, người đoạt giải Nobel Hóa học năm 2013, chia sẻ. Song ông cũng cho biết thêm "làm khoa học không phải để làm giàu". Bản thân ông hài lòng với việc "có một công việc trong ngành khoa học và được nhận lương từ đó".

"Tôi biết rằng giáo sư Ngô Bảo Châu, người đoạt giải Fields danh giá, đã học trung học tại Việt Nam. Vì vậy, các bạn trẻ Việt Nam hãy bắt đầu bằng việc học những môn khoa học cơ bản, như toán học và vật lý, bởi tiếp sau đó sẽ có rất nhiều điều thú vị", Warshel khẳng định.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ