Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn nếu cha mẹ áp dụng theo “bí quyết".
Tiến sĩ Neha Sanwalka - Giám đốc Công ty nghiên cứu dinh dưỡng và sinh học NutriCanvas (Ấn Độ) đã chia sẻ những mẹo đơn giản để trẻ có thói quen ăn uống lành mạnh. Ngoài ra, cha mẹ cũng sẽ khiến trẻ hạn chế thức ăn nhanh không tốt cho sức khỏe.
1. Giáo dục từ sớm
Bước đầu tiên cha mẹ cần là dạy trẻ kiến thức về đồ ăn vặt ngay từ nhỏ. Những thói quen và kiến thức được thấm nhuần từ thời thơ ấu sẽ kéo dài suốt đời. Bất cứ khi nào giới thiệu một loại thực phẩm mới trong chế độ ăn của trẻ, phụ huynh hãy cho con biết vì sao món ăn đó tốt. Khi quan sát một người nào đó dùng thực phẩm không lành mạnh, cha mẹ cũng cần giải thích cho con hiểu.
Tiến sĩ Sanwalka gợi ý, phụ huynh có thể giải thích rằng, cà rốt tốt cho mắt, sữa có canxi. Trong khi đó, mì ăn liền có nhiều calo, nhưng ít giá trị dinh dưỡng.
2. Tập trung vào điều tích cực
Tâm lý và môi trường được coi là những yếu tố tác động mạnh mẽ đến thói quen ăn uống. Mô hình tích cực được chứng minh là hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn trẻ tiêu thụ đồ ăn nhanh. Điều này có nghĩa là, thay vì tập trung vào tác dụng phụ của đồ ăn vặt, cha mẹ nên chú trọng tới lợi ích của việc ăn uống lành mạnh.
3. Trở thành hình mẫu tốt
“Trẻ em học được tốt nhất bằng cách quan sát. Để khuyến khích con ăn uống lành mạnh, cha mẹ cũng cần làm như vậy và hạn chế đồ ăn vặt. Nếu con thấy cha mẹ ăn đồ lành mạnh, chắc chắn trẻ sẽ có động lực làm như vậy”, Tiến sĩ Sanwalka chia sẻ.
Bên cạnh đó, phụ huynh được khuyến khích thảo luận với ông bà và người thân. Nhờ đó, lên kế hoạch hạn chế thực phẩm không lành mạnh, tăng cường ăn rau và trái cây.
4. Tạo môi trường gia đình thuận lợi
Ở Ấn Độ, không chỉ cha mẹ là người ảnh hưởng đến cách ăn uống của trẻ. Ông bà, cô và chú đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định thức ăn của một đứa trẻ. Những người này thường cho phép trẻ ăn socola, khoai tây chiên và kem.
Vì vậy, phụ huynh cần thảo luận để giúp trẻ hạn chế thực phẩm không lành mạnh và tiêu thụ nhiều rau, trái cây. Việc đặt ra các quy tắc về thực phẩm dành cho gia đình cũng là điều cần thiết.
5. Không dùng đồ ăn vặt làm phần thưởng
Nhiều khi, cha mẹ có xu hướng sử dụng socola hoặc khoai tây chiên hay đồ ăn nhẹ nhiều calo khác như phần thưởng cho trẻ. Thông qua những thực phẩm này, trẻ được yêu cầu hoàn thành bài tập về nhà hoặc làm việc nhà.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Sanwalka, nếu dùng đồ ăn vặt để trao đổi, trẻ sẽ hiểu rằng, chúng hoàn toàn có thể ăn những thứ này.
6. Chuẩn bị bữa trưa cho trẻ
Nếu cha mẹ cho con tiền tiêu vặt để mua bữa trưa hoặc đồ ăn nhẹ từ căng tin trường, nhiều khả năng trẻ sẽ chọn đồ ăn không tốt cho sức khỏe, chứa nhiều chất béo.
Vì vậy, thay vì cho tiền, phụ huynh nên chuẩn bị cho con một hộp cơm lành mạnh và bổ dưỡng. Đối với bữa phụ, trẻ có thể ăn trái cây hoặc hỗn hợp các loại hạt.
7. Chỉ mua thực phẩm lành mạnh
Theo bà Sanwalka, phụ huynh nên cho con tham gia vào quá trình mua sắm hàng tạp hóa, đọc nhãn thực phẩm. Sau đó, cha mẹ chỉ mua các loại thực phẩm lành mạnh.
Đọc nhãn thực phẩm với con khi mua hàng và kiểm tra danh sách thành phần là điều quan trọng. Nếu có hơn 5 - 6 thành phần được liệt kê trên nhãn, rất có thể thực phẩm đã được chế biến sẵn. Kinh nghiệm mua sắm này sẽ khiến trẻ tự tin hơn trong việc lựa chọn thực phẩm.
8. Cung cấp nước
Cơn khát thường bị nhầm lẫn với cảm giác đói và thèm ăn. Nếu con đòi một loại thức ăn cụ thể nhưng phụ huynh biết rằng, trẻ có thể không đói, hãy khuyến khích con uống một cốc nước. Uống nước trước bữa ăn 30 phút cũng sẽ làm giảm cảm giác thèm ăn.
9. Lập kế hoạch ăn giàu protein
Protein trong thực phẩm giúp mọi người cảm thấy no hơn, giảm sự thèm ăn. Đặc biệt, trẻ sẽ ít thèm đồ ăn vặt sau khi sử dụng thực phẩm có nhiều protein. Thực phẩm giàu protein bao gồm sữa, trứng, rau mầm, đậu nành, đậu lăng, thịt gia cầm, cá và thịt.
10. Không “tuyệt giao” với đồ ăn nhanh
Hầu như các phụ huynh không thể yêu cầu con hoàn toàn tránh xa đồ ăn vặt. Theo Tiến sĩ Sanwalka, thay vì đặt ra quy tắc “Không” tuyệt đối, phụ huynh hãy dành ra một ngày trong tuần để trẻ có thể ăn một trong những món yêu thích.
Cha mẹ có thể bắt đầu bữa ăn với một phần súp hoặc salad. Sau đó, hãy giảm khẩu phần món ăn vặt yêu thích của trẻ nếu cha mẹ muốn.
11. Phá vỡ sự đơn điệu
Nếu cha mẹ chuẩn bị cùng một loại thức ăn hằng ngày, trẻ sẽ dễ cảm thấy nhàm chán và thèm ăn vặt. Do đó, hãy thường xuyên thêm một số thực phẩm mới vào chế độ ăn của trẻ. Phụ huynh càng cung cấp cho con nhiều món, khả năng trẻ thèm ăn vặt càng thấp.
12. Sắp xếp thức ăn tối ưu
Khi đói, chúng ta có xu hướng lấy bất cứ thứ gì được cất trong tủ lạnh hoặc tủ đựng thức ăn. Vì vậy, các phụ huynh được khuyến cáo lưu trữ các loại thực phẩm lành mạnh như hạt rang, hỗn hợp hạt... Ngay cả trong tủ lạnh, hãy để trước trái cây và salad để trẻ ăn khi đói.
13. Dạy trẻ cách quản lý căng thẳng
Với sự gia tăng của các kỳ thi, trẻ em được cho là ngày càng căng thẳng. Trẻ em có xu hướng tìm đến socola, bánh ngọt hoặc khoai tây chiên khi căng thẳng. Vì vậy, cha mẹ cần dạy con kỹ năng quản lý căng thẳng như tập yoga hoặc thiền. Như vậy, trẻ sẽ không ăn uống thoải mái để giải tỏa căng thẳng.
14. Đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Sleep, những người thiếu ngủ có khả năng hay ăn vặt. Tiến sĩ Sanwalka nhấn mạnh, cha mẹ nên đảm bảo trẻ ngủ ít nhất 7 - 8 tiếng mỗi ngày. Điều này cũng sẽ giúp con điều chỉnh sự thèm ăn.