Huế là nơi có may mắn còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa quý báu của Việt Nam, trong đó, quần thể kiến trúc cố đô Huế với nhiều cung điện, lầu gác, đình tạ, hệ thống thành lũy, pháo đài phòng thủ... mang đặc trưng kiến trúc cung đình Nguyễn đầu thế kỷ XIX là niềm tự hào không chỉ của nhân dân Thừa Thiên Huế mà còn của nhân dân cả nước.
Tính toàn vẹn của quy hoạch đô thị và thiết kế xây dựng đã đưa cố đô Huế trở thành một mẫu mực hiếm có về quy hoạch đô thị vào cuối thời kỳ phong kiến ở Đông Á. Những giá trị nổi bật toàn cầu của quần thể di tích cố đô Huế đã được cả thế giới công nhận. Trải qua thời gian, dưới những điều kiện khắc nghiệt của thời tiết và chiến tranh khốc liệt, nhiều công trình kiến trúc triều Nguyễn đã bị phá hủy nặng nề.
Với sự giúp đỡ to lớn của cộng đồng quốc tế và những nỗ lực vượt bậc của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là của nhân dân Thừa Thiên - Huế, quần thể Di tích Cố đô Huế đã dần dần được hồi sinh, góp phần khẳng định và tôn vinh những giá trị văn hóa độc đáo của Việt Nam trên toàn thế giới.
Triển lãm “Sự hồi sinh của Di sản Huế” sẽ giúp mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, nhìn lại chặng đường hồi sinh của di sản Huế, vươn lên từ đổ nát, tro tàn để tiếp tục tỏa sáng trong thời đại mới.
Cũng trong sáng 26/3, Trung tâm BTDTCĐ Huế đưa vào hoạt động cụm di tíchThái Bình lâu - vườn Thiệu Phương. Đây là một di tích có giá trị quan trọng về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật thuộc quần thể di tích Cố đô Huế, là dấu mốc trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa Huế.
Thái Bình lâu được xây dựng từ năm 1887 dưới thời vua Đồng Khánh, là nơi dành cho nhà vua nghỉ ngơi, đọc sách, vãn cảnh. Dưới tác động của thời gian, và khí hậu khắc nghiệt của miền Trung, di tích này đã bị xuống cấp trầm trọng.