Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết đi trên tàu Soyuz là phi hành gia Mỹ Barry "Butch" Wilmore và 2 phi hành gia Alexander Samokutyaev, Elena Serova của Nga. 3 người sẽ ở trên ISS cho tới tháng 11 năm sau và sẽ cùng các đồng nghiệp triển khai nhiều nghiên cứu đặc biệt.
Thí nghiệm sinh đôi
Trong tháng 3 năm tới, phi hành gia Scott Kelly của NASA sẽ bắt đầu việc ở lại ISS trong vòng 1 năm trời. Cùng thời điểm, người anh trai sinh đôi của ông là Mark Kelly, cựu phi hành gia NASA, sẽ tham gia nhiệm vụ trên Trái đất.
Trước, trong và sau thời điểm nhiệm vụ diễn ra, anh em nhà Kelly sẽ được đo đạc vô cùng cẩn thận. Các nhà khoa học muốn biết cuộc sống trong không gian đã gây tác động như thế nào tới cơ thể của Scott. Họ sẽ so sánh các thông số của Scott với thông số của Mark.
Thí nghiệm này làm người ta nhớ tới câu chuyện “nghịch lý cặp song sinh”, được nhà vật lý Paul Langevin tạo ra dựa trên giả thuyết của Einstein về không gian và thời gian. Theo câu chuyện này, một hành khách vũ trụ di chuyển với tốc độ gần bằng vận tốc ánh sáng sẽ già chậm hơn nhiều so với anh em sinh đôi của người này vẫn ở lại trên Trái đất.
Máy in 3 chiều
Các phi hành gia trên ISS sẽ bắt đầu thử nghiệm một mẫu máy in 3 chiều có thể hoạt động tại môi trường không trọng lượng. Nhiệm vụ ban đầu chỉ là kiểm tra xem chiếc máy có hoạt động bình thường hay không. Tuy nhiên đích đến cuối cùng sẽ là sử dụng chiếc máy để in ra các linh kiện thay thế dùng trên ISS.
Chiếc máy đã được NASA đưa lên ISS trong chuyến bay của tàu vũ trụ vận tải thương mại Dragon. Máy do NASA đặt công ty Made in Space (MiS) chế tạo đặc biệt và có thể hoạt động trong điều kiện không có trọng lực. Nó “in” ra các đồ vật thông qua việc phủ từng lớp vật liệu nóng chồng lên nhau. Chiếc máy này dùng “mực” được làm từ nhựa ABS, được nung nóng chảy ở nhiệt độ từ 225 đến 250 độ C.
Chuột và máy X-quang chuột
Hiện có 20 con chuột đang được nuôi trên khu nghiên cứu chuột của ISS. Những con chuột đều 4 tháng tuổi và là giống cái, để ngăn cản tình trạng chúng sinh sôi nảy nở quá mức.
Chuột đã từng được đưa lên vũ trụ, nhưng chưa từng ở lại trong một khoảng thời gian dài như những con chuột kể trên. Các phi hành gia sẽ xem xét kỹ tác động của tình trạng không trọng lượng lên xương chuột, thông qua việc sử dụng một chiếc máy chụp X-quang dành riêng cho những con vật này.
Được biết chuột thường có xu hướng bám chặt lấy các bức tường khi mới được đưa lên môi trường không trọng lượng. Các phi hành gia sẽ theo dõi xem hành vi của những con chuột có thay đổi không sau thời gian dài ở trong vũ trụ.
Sự thay đổi hành vi của ruồi dấm
Có 30 con ruồi giấm sẽ được nuôi trên ISS trong vòng 1 tháng. Không giống những con chuột, chúng sẽ được tự do nhân giống và các nhà khoa học kỳ vọng từ 30 con này sẽ sinh ra hàng ngàn con. Khi trở lại Trái đất, lũ ruồi sẽ được nghiên cứu để xem có sự thay đổi về gene hoặc hành vi hay không.
Rô-bốt phi hành gia
Rô-bốt này mang tên Robonaut, “có một đôi tay và thân hình giống con người”. Rô bốt có thể mô phỏng các chuyển động của một phi hành gia nhờ một đôi găng tay đặc biệt mà người này đeo. Phi hành gia cũng sẽ đeo một đôi kính đặc biệt, giúp anh ta biết được rô bốt đang nhìn gì.
Robonaut đang được thử nghiệm, phát triển trên ISS. Người ta hy vọng rô-bốt có thể thực hiện các nhiệm vụ phức tạp ở trong và ngoài ISS.
Cá ngựa vằn có khả năng tự phục hồi
Cá ngựa vằn được nuôi tại một bể thủy sinh, trong môi trường không trọng lượng trên ISS, để kiểm tra xem cơ của chúng có bị yếu đi không. Cá ngựa vằn được chọn làm vật thí nghiệm vì khả năng tự phục hồi các phần cơ thể bị thương tổn hoặc suy giảm chức năng.
Cùng tham gia thử nghiệm này với cá ngựa vằn còn có khoảng một chục con ốc sên. Người ta cũng sẽ kiểm tra xem môi trường không trọng lượng đã gây tác động lớn thế nào tới những con ốc này.
Thí nghiệm khả năng thấm mồ hôi của vải
Đây là lần đầu tiên có một thí nghiệm liên quan tới quần áo, vải vóc diễn ra trên ISS. Các nhà nghiên cứu nói rằng tình trạng không trọng lượng đã tác động tới sự di chuyển của mồ hôi qua các lớp vải, dẫn tới sự thay đổi đặc tính thấm mồ hôi của vải. Phi hành gia người Đức Alexander Gerst hiện đang thử nghiệm nhiều loại vải khác nhau để xem loại nào thấm mồ hôi tốt nhất.
Điều khiển rô-bốt từ vũ trụ
Phi hành gia Gert cũng sẽ thử nghiệm một cần điều khiển đặc biệt, sẽ cho phép các phi hành gia điều khiển từ xa rô-bốt ở dưới Trái đất. Chuyện sẽ giống như họ đang chơi trò chơi điện tử vậy.
Nghiên cứu sự phát triển của nấm chân
Loại nấm đã gây ra tình trạng nấm chân đã được đưa lên ISS. Các nhà khoa học muốn nghiên cứu xem các tế bào của loại nấm này phân chia ra sao.
Ngồi ở Trái đất tham gia hoạt động trên ISS
Năm tới đây, ISS sẽ triển khai một thí nghiệm về thực tế ảo. Cụ thể, trạm sẽ cài đặt một phần mềm, cho phép người dân dưới Trái đất thấy được các phi hành gia đang quan sát và làm những gì trong hoạt động thường nhật trên ISS.