1. Công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông là giúp học sinh phát triển khả năng của bản thân, hình thành tính cách và thói quen; phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần; trở thành người học tích cực, tự tin, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời; có những phẩm chất tốt đẹp và các năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động cần cù, có tri thức và sáng tạo.
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là sản phẩm kế thừa các ưu điểm của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, vận dụng kinh nghiệm và tiếp cận các xu thế quốc tế theo nguyên tắc học tập một cách sáng tạo và có hệ thống, không rập khuôn máy móc, đáp ứng yêu cầu vừa hiện đại, hội nhập quốc tế; vừa có bản sắc dân tộc và phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
2. Đổi mới kỳ thi THPT quốc gia 2015
Năm 2015, ngành Giáo dục và Đào tạo đã đánh dấu mốc quan trọng với việc tổ chức thành công Kỳ thi THPTQG đầu tiên an toàn, nghiêm túc, nhận sự đồng thuận của toàn xã hội và tác động tích cực đến giáo dục phổ thông.
Kỳ thi đã thực hiện đồng thời hai mục tiêu cơ bản là: Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT và làm cơ sở cho việc xét tuyển sinh đại học, cao đẳng theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29 của Đảng .
Từ nhiều kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học, thí sinh chỉ phải tham dự duy nhất Kỳ thi THPT Quốc gia; từ vài cụm thi ở thành phố lớn, hàng chục cụm thi được tổ chức ở nhiều tỉnh thành đã giảm được áp lực cho thí sinh và toàn xã hội, góp phần thực hiện phân luồng, hướng nghiệp, khắc phục tâm lý thi cử nặng nề;
Kỳ thi tác động tích cực đến việc đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra đánh giá nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các trường phổ thông; tạo tiền đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Cơ hội vào đại học của học sinh cũng tăng lên khi biết kết quả thi mới đăng ký xét tuyển vào trường cao đẳng, đại học phù hợp; nâng cao tính cạnh tranh giữa các trường, góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao.
3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam hoàn thành nhiệm kỳ Chủ tịch SEAMEO với nhiều thành công
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Bộ trưởng GD Thái Lan - Người nhậm chức Chủ tịch Hội đồng SEAMEO lần thứ 48 (2015-2017). |
Sau hơn 2 năm (26 tháng) nhận nhiệm vụ, nhìn lại nhiệm kỳ Chủ tịch dài nhất lịch sử SEAMEO (tính đến thời điểm hiện tại), dấu ấn đậm nét được các thành viên trong SEAMEO đánh giá cao chính là sự hợp tác, phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo của khu vực Đông Nam Á.
Kết quả có ý nghĩa nhất tại nhiệm kỳ này là Hội đồng SEAMEO đã đề ra 7 lĩnh vực ưu tiên mà SEAMEO tâp trung thực hiện trong chương trình nghị sự giáo dục sau 2015.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cũng là Chủ tịch Hội đồng SEAMEO đầu tiên đến thăm nước thành viên Đông Timo, việc này có ý nghĩa rất lớn thúc đẩy thành viên non trẻ nhất này tham gia tích cực, chủ động hơn trong hợp tác SEAMEO.
Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng SEAMEO cũng không ngừng động viên, kêu gọi, và chỉ dẫn cho các nước thành viên chưa có trung tâm SEAMEO đặt tại nước mình sớm thành lập trung tâm.
Theo đó, năm 2015 CHDCND Lào đã xây dựng đề án thành lập trung tâm SEAMEO tại nước mình và đang tiến hành các bước cuối cùng để trình Hội đồng SEAMEO phê duyệt.
4. Tự chủ và phân tầng xếp hạng đại học
Thực hiện Nghị quyết 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với trường công lập giai đoạn 2014-2017, cho phép 12 trường đại học được thí điểm thực hiện tự chủ trên tất cả các mặt hoạt động.
Trần học phí của các trường này được quy định cao hơn mức trần học phí của các trường chưa tự chủ (quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021).
Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2015/NĐ-CP ngày 08/9/2015 quy định tiêu chuẩn phân tầng và khung xếp hạng cơ sở giáo dục đại học.
Theo đó, cơ sở giáo dục đại học được phân thành 3 tầng gồm: cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu; cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng và cơ sở giáo dục đại học định hướng thực hành.
Nghị định quy định rõ các tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học gồm: Quy mô, ngành nghề và các trình độ đào tạo; cơ cấu các hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ; chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học; kết quả kiểm định chất lượng giáo dục.
Nghị định là cơ sở pháp lý nhằm sắp xếp lại hệ thống giáo dục đại học phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, làm cơ sở cho các trường đại học định hướng rõ ràng mục tiêu phát triển, công khai chất lượng và uy tín của các trường để người học, xã hội biết và lựa chọn.
5. Xây dựng Phòng Truyền thống Giáo dục Việt Nam, hướng tới xây dựng Bảo tàng Giáo dục Việt Nam
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm gian trưng bày của Bộ GD&ĐT trong triển lãm 70 năm thành tựu kinh tế - xã hội năm 2015 |
Ngày 19/11/2015, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã ra Quyết định xây dựng Phòng Truyền thống Giáo dục Việt Nam.
Theo đó, Phòng Truyền thống Giáo dục Việt Nam là nơi lưu giữ và trưng bày các hiện vật, hình ảnh, tài liệu, đánh dấu các mốc lịch sử của ngành Giáo dục Việt Nam, hướng tới xây dựng Bảo tàng Giáo dục Việt Nam.
Sự ra đời của Phòng Truyền thống Giáo dục Việt Nam sẽ góp phần giáo dục các thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, truyền thống của ngành Giáo dục nước nhà.
Đồng thời, đây sẽ là nơi giới thiệu một cách toàn diện nhất với bạn bè, quan khách quốc tế về quá trình hình thành và phát triển của nền giáo dục Việt Nam.
6. Các chính sách cho nhà giáo tiếp tục được hoàn thiện
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng và ban hành các văn bản quy định về tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và xếp lương viên chức giáo dục:
Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập;
Thông tư liên tịch số 20, 21,22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 14/9/2015 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở và giáo viên trung học phổ thông;
Thông tư liên tịch số 28/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 06/11/2015 hướng dẫn thực hiện bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập.
7. Khởi động thử nghiệm phát sóng Kênh truyền hình giáo dục quốc gia VTV7
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cùng Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh bấm nút khởi động thử nghiệm phát sóng kênh Truyền hình Giáo dục Quốc gia - VTV7 |
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cùng Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh đã bấm nút khởi động thử nghiệm phát sóng kênh Truyền hình Giáo dục Quốc gia - VTV7 đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/2015). Kênh truyền hình Giáo dục được phát sóng chính thức vào tháng 1/2016.
Đây là kênh truyền hình chuyên biệt về giáo dục, để hỗ trợ các học sinh trên khắp mọi miền Tổ quốc có thể học tất cả các môn học qua sóng truyền hình.
Kênh truyền hình VTV7 nhằm mục tiêu phát huy tiềm năng trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo sự nghiệp giáo dục, đào tạo; đa dạng hóa và đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục đào tạo; tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người nghèo được thụ hưởng thành quả giáo dục ở mức độ ngày càng cao.
Kênh Truyền hình Giáo dục Quốc gia VTV7 góp phần quan trọng vào việc thực hiện các chủ trương, giải pháp về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, xây dựng xã hội học tập và thúc đẩy học tập suốt đời.
8. Việt Nam tiếp tục đạt thành tích cao tại các cuộc thi học sinh giỏi quốc tế
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các học sinh đoạt HCV Olympic quốc tế |
Năm 2015 được đánh giá là năm có kết quả cao nhất về thành tích thi Olympic khu vực và quốc tế so với các năm trước đây chúng ta tham dự.
Việt Nam có 7 đoàn học sinh tham dự (gồm đoàn Vật lí và Tin học tham dự Olympic khu vực châu Á, 5 đoàn tham dự Olympic quốc tế là Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Tin học) đoạt 12 Huy chương Vàng (chiếm 32,43%), 16 Huy chương Bạc, 6 Huy chương Đồng và 3 Bằng Khen.
Kết quả Olympic khu vực và quốc tế năm 2015 đã góp phần thiết thực thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
9. Việt Nam đứng thứ 12 giáo dục toàn cầu về năng lực Khoa học, Toán và đọc hiểu
Khả năng toán học của học sinh Việt Nam vượt trội so với học sinh nhiều nước |
Tháng 5/2015, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố bảng xếp hạng chất lượng giáo dục toàn cầu trên cơ sở tiêu chí đánh giá dựa vào kết quả kiểm tra năng lực Toán, đọc hiểu và Khoa học ở học sinh. Kết quả Việt Nam xếp thứ 12, đứng trên nhiều nước phát triển.
Theo BBC, bảng xếp hạng này được tính toán dựa trên kết quả đánh giá các năng lực về Toán, đọc hiểu và Khoa học của học sinh 15 tuổi ở 76 quốc gia.
Thang điểm so sánh được tính toán theo Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của OECD, xu hướng nghiên cứu quốc tế về toán học và khoa học (TIMMS) của Mỹ và TERCE, nghiên cứu thành tích học tập của học sinh quốc gia khu vực Mỹ Latin.
10. Chung tay xây dựng thư viện, thường xuyên đọc nhiều sách hay
Năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai mô hình Thư viện cộng đồng trong trường phổ thông và Phát triển văn hóa đọc gắn liền với đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
Mô hình này đã tăng cường tổ chức hoạt động học dựa trên sự tìm tòi, nghiên cứu của học sinh thông qua các hoạt động trải nghiệm và tư duy khoa học.
Cũng năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tuần lễ quốc gia hưởng ứng học tập suốt đời với chủ đề “Chung tay xây dựng thư viện, thường xuyên đọc nhiều sách hay” đã huy động được các ngành, các cấp tham gia và hưởng ứng của toàn xã hội. Các địa phương đã huy động được số lượng sách đóng góp cho thư viện trường học.
Việc mở rộng phát triển văn hóa đọc cho mọi người góp phần nâng cao hiệu quả đối với học tập thường xuyên, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và học, phát huy năng lực của học sinh đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.