Ngành Tâm lý học từ lâu đã đặt nặng về sự đóng góp của các nhà nghiên cứu nam giới như Sigmund Freud, B.F. Skinner, John B. Watson,… cùng với những nhà tư tưởng nam khác. Thật không may, những đóng góp quan trọng của các nhà nữ tâm lý học thường bị bỏ qua không hề được đề cập đến trong sách giáo khoa.
Trong quá trình nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển của tâm lý học, có nhiều người đã nhầm lẫn rằng lĩnh vực này chỉ dành riêng cho đàn ông. Nhưng trong thực tế, phụ nữ đã đóng góp vào sự phát triển của ngành tâm lý từ những ngày đầu tiên. Ước tính cho thấy ngay từ thế kỷ đầu thế kỉ 20, cứ khoảng 10 nhà tâm lý học tại Hoa Kỳ thì có 1 người là một người phụ nữ.
Những người phụ nữ đi tiên phong trong ngành tâm lý học phải đối mặt với rất nhiều trở ngại và khó khăn, đặc biệt là do vấn đế phân biệt giới tính. Nhiều người phụ nữ đã không được phép nghiên cứu và học tập bình đẳng với đàn ông. Những bằng cấp mà họ đạt được cũng ít được công nhận và những công trình nghiên cứu của họ cũng rất khó xuất bản.
Sau đây là 10 người phụ nữ hàng đầu đã có công rất lớn trong việc định hình và phát triển ngành tâm lý học hiện nay.
1. Mary Whiton Calkins
Thời trẻ, Mary Whiton Calkins theo học tại Đại học Harvard. Tuy vậy, cô không bao giờ được hiệu trưởng chấp thuận trở thành một sinh viên Havard chính thức vì cô là phụ nữ. Cô cùng học với một số nhà tư tưởng lỗi lạc nhất đương thời, bao gồm William James, Hugo Munsterberg và hoàn thành tất cả các yêu cầu để được cấp bằng tiến sĩ. Mặc dù vậy, Harvard đã từ chối cấp bằng cho cô.
Bất kể vô vàn khó khăn, Calkins vững bước trở thành nữ chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội tâm lý học Hoa Kỳ. Trong suốt sự nghiệp của mình, cô đã viết hơn một trăm bài nghiên cứu chuyên môn về các chủ đề tâm lý, phát triển các kỹ thuật hội chẩn kết hợp và rất nổi tiếng trong lĩnh vực tự tâm lý (self-psychology).
2. Anna Freud
Khi nghĩ về lĩnh vực tâm lý học, có lẽ hầu hết mọi người đều sẽ nghĩ đến thiên tài Sigmund Freud đầu tiên. Tuy nhiên, người đàn ông danh tiếng này có một người con gái tên là Anna cũng đã trở thành một nhà tâm lý học xuất sắc nối tiếp sự nghiệp của bố mình. Anna Freud không những mở rộng những ý tưởng lớn của bố cô mà còn phát triển lĩnh vực nghiên cứu tâm lý trẻ em và thậm chí còn gây ảnh hưởng lớn đến các nhà tư tưởng khác cùng thời như Erik Erikson.
3. Mary Ainsworth
Mary Ainsworth là một nhà nghiên cứu đã góp công rất lớn vào lĩnh vực tâm lý học phát triển. Công trình của cô đã giúp kiểm tra tình trạng ổn định về mặt tinh thần ở trẻ em. Cô cũng đã có những bước đi tiên phong trong việc sử dụng một kỹ thuật đánh giá tâm lý thần kinh có tên là "Trạng thái lạ" (Strange Situation).
Công trình của Ainsworth đã ảnh hưởng lớn đến sự hiểu biết của chúng ta về tình mẫu tử và tầm quan trọng của dạng tình cảm này đối với hành vi và cuộc sống tương lai của trẻ.
4. Leta Stetter Hollingworth
Leta Stetter Hollingworth là một trong những người đi tiên phong trong khoa nghiên cứu tâm lý học tại Hoa Kỳ. Cô học cùng với Edward Thorndike và tự thực hiện một công trình khoa học nghiên cứu về trí thông minh của những trẻ em bộc lộ năng khiếu từ nhỏ. Bên cạnh đó, cô cũng góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu tâm lý của phụ nữ.
Các quan điểm hiện hành tại thời điểm đó cho rằng phụ nữ có trí tuệ kém cỏi hơn nam giới và đặc biệt giảm dần sự thông minh khi có kinh nguyệt. Nghiên cứu của Hollingworth đã thách thức những nhà tư tưởng nam giới khác và chứng minh được phụ nữ cũng thông minh như đàn ông cũng như kinh nguyệt không có mối liên hệ với trí thông minh.
Nếu không có những trở ngại về mặt phân biệt giới tính, có lẽ cô đã gặt hái thêm rất nhiều thành tựu khác nữa. Cô qua đời ở tuổi 53, khi sự nghiệp và công trình nghiên cứu vẫn còn đang dang dở.
5. Karen Horney
Karen Horney là một nhà tâm lý học cổ điển cách tân từ tư tưởng của nhà bác học Freud. Bà chuyên nghiên cứu về lĩnh vực tâm lý phụ nữ. Khi Sigmund Freud đưa ra giả thuyết nổi tiếng cho rằng phụ nữ có thể xuất hiện cảm giác "ghen tị dương vật" (penis envy) - tức một trạng thái mà người phụ nữ mong muốn được làm đàn ông để hiểu được cảm giác chủ động, Horney đã phản ứng lại bằng cách cho rằng đàn ông cũng trải nghiệm cảm giác tâm lý "ghen tị tử cung" (womb envy) vì đàn ông không thể tự mình làm chủ được quyền sinh con.
Tuyên bố thẳng thắn của cô đã thu hút sự chú ý lớn của công luận. Bên cạnh đó, cô cũng nổi tiếng với những công trình khác về lĩnh vực khoa học thần kinh, đặc biệt là về giả thuyết mỗi người đều đóng vai trò và chịu trách nhiệm nhất định cho tình trạng sức khỏe tinh thần của bản thân.
6. Melanie Klein
Cô là một nhà tâm lý bậc thầy trong việc sử dụng phương pháp tâm lý trị liệu cho trẻ em. Bằng việc cho các em chơi đùa và sử dụng một số loại đồ chơi và công cụ đặc thù, cô có thể giúp các em thể hiện cảm xúc và học hỏi kinh nghiệm mới theo cách rất tự nhiên. Hiện nay, phương pháp của Melanie Klein vẫn còn được sử dụng rất rộng rãi.
Thông qua việc quan sát và nghiên cứu những đứa con thân yêu của mình Melanie Klein đã nhận thấy rằng trẻ em thường sử dụng hoạt động chơi đùa như là một trong những phương tiện giao tiếp chính với các trẻ khác.
Phương pháp trị liệu của Klein tập trung vào việc nghiên cứu cảm xúc trong vô thức của trẻ cũng như là sự lo lắng hoặc trải nghiệm bằng các hoạt động chơi đùa thường ngày. Thông qua đó, các bác sĩ tâm lý có thể kiểm tra được tình trạng phát triển của bản ngã và siêu ngã (superego) của các em.
7. Mamie Phipps Clark
Clark là người phụ nữ da đen đầu tiên lấy được bằng cử nhân của trường Đại học danh giá Columbia. Mặc dù gặp rất nhiều định kiến và trở ngại vì màu da và giới tính của mình, như Clark đã trở thành một nhà tâm lý học có ảnh hưởng lớn. Công trình nổi tiếng của bà có tên là Clark Doll Test về vấn đề bản sắc dân tộc và lòng tự trọng đã giúp mở đường cho rất nhiều nghiên cứu trong tương lai về lĩnh vực dân tộc thiểu số.
8. Christine Ladd-Franklin
So với những nhà nữ tâm lý học khác, Christine Ladd-Franklin có vẻ may mắn hơn khá nhiều trong con đường sự nghiệp vì có cả mẹ và dì là những người đi đầu trong việc ủng hộ phong trào nữ quyền đương thời. Điều này không những giúp mang lại động lực cho cô vượt qua những khó khăn vì sự phân biệt giới tính mà còn khiến cho cô trở thành một người ủng hộ nữ quyền rất mạnh mẽ tại các học viện và trường đại học.
Ladd-Franklin là một người phụ nữ đa tài. Cô nghiên cứu rất nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả tâm lý học, logic, toán học, vật lý và thiên văn học. Thậm chí cô còn lập nên một nhóm nghiên cứu tâm lý toàn là nữ và không cho phép sự gia nhập của Edward Titchener, người đàn ông quyền lực nhất thời đó trong ngành tâm lý.
9. Margaret Floy Washburn
Margaret Floy Washburn là người phụ nữ đầu tiên được trao bằng tiến sĩ Tâm lý học. Cô thực hiện quá trình nghiên cứu sau đại học của mình với người đàn ông quyền lực Edward Titchener và trở thành nghiên cứu sinh đầu tiên là nữ giới của ông. Cũng giống như nhiều nhà nữ khoa học khác, công việc của cô trong ngành tâm lý học đã diễn ra chủ yếu trong thời gian phụ nữ thường không được cho phép gia nhập vào giới trí thức vì giới tính của họ. Mặc dù vậy, cô vẫn trở thành một nhà nghiên cứu, nhà văn, và giảng viên được nhiều người tôn trọng.
Trong lĩnh vực tâm lý, Washburn chủ yếu nghiên cứu chính trong lĩnh vực nhận thức động vật và các quá trình sinh lý cơ bản. Cô đã có một ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của tâm lý học khi nêu lên lý thuyết cho rằng chuyển động của cơ thể có ảnh hưởng tới suy nghĩ của một người.
10. Eleanor Maccoby
Cái tên Eleanor Maccoby khá quen thuộc với những ai đã từng nghiên cứu về tâm lý học phát triển. Công trình tiên phong của cô trong việc tìm hiểu sự khác biệt trong tâm lý giữa nam và nữ đã đóng một vai trò quan trọng trong sự hiểu biết hiện nay của chúng ta về những lĩnh vực như xã hội, ảnh hưởng sinh học về sự khác biệt giới tính cũng như vai trò giới. Bà là người phụ nữ đầu tiên trở thành Chủ tịch bộ phận tâm lý học tại trường Đại học Stanford và đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý trong ngành tâm lý học.