Qua lâu rồi cái thời son rỗi, cứ mỗi dịp Tết về lại thấy vui phơi phới. Kể từ ngày lấy chồng, mỗi năm Tết về là lòng tôi nặng trĩu với trăm mối lo.
Mà hình như không chỉ tôi, nhìn chị em xung quanh, thấy phần lớn là thấy những gương mặt lo âu, những cái thở dài và lời than thở kiểu: "Ôi, Tết với nhất", "Sợ Tết quá", "Làm sao để kiếm thêm, để có được một cái Tết no đủ đây"….
Bản thân tôi cũng thế, tôi sợ Tết đến mức chỉ nhắc tới thôi đã cảm thấy "nhức răng", mỗi dịp xuân đến Tết về là tôi lại lo sốt vó. Một danh sách dài dằng dặc những người cần biết tết, nào bố mẹ họ hàng hai bên, sếp của vợ, sếp của chồng rồi những mối quan hệ thân tình… Chao ôi là nhiều.
Đối với mức lương của hai vợ chồng công chức như vợ chồng tôi thì những thủ tục này quả là kinh khủng. Chúng tôi không dám biếu giỏ quà, vì với số lượng nhiều như thế nhẹ nhàng ra cũng phải tốn hơn chục triệu. Tôi chỉ dám chọn mỗi nhà một hộp bánh loại trung bình, cho vào chiếc túi đèm đẹp mang biếu, thế mà cũng đi đứt hơn 5 triệu.
Có người khuyên tôi cắt bớt thủ tục biết xén đi, nhưng cắt là cắt thế nào, Tết cổ truyền cơ mà. Lo không chu đáo còn bị trách là khác. Có năm vợ chồng tôi đến chúc Tết nhà người cậu họ còn bị người ta mát mẻ: "Năm nay mùng hai mới thấy mặt hai vợ chồng", vì chúng tôi lỡ cắt mất suất biết Tết nhà cậu vào 27 Tết như hàng năm.
Biếu xén là một nhẽ, vấn đề tiền mừng tuổi cũng khiến tôi rất đau đầu. Hình như xã hội càng phát triển thì những nét văn hóa như lì xì đầu năm càng bị biến chất, méo mó. Lì xì bây giờ không mang tính mừng may mắn như ngày trước mà quan trọng là phong bao có dày không?
Tết năm nào cũng phải chuẩn bị một danh sách dài dằng dặc những thứ cần mua, những người cần biếu. Ảnh minh họa
Trẻ con bây giờ khôn lắm, mừng nhiều thì chúng vui mà mừng ít chúng xị mặt ra. Tôi luôn cẩn thận cho tiền vào phong bao, nhưng thỉnh thoảng có mấy đứa trẻ vừa nhận phong bao đã bóc ra luôn, có đứa còn chê: "Có mỗi 20 nghìn" trước mặt quan khách làm tôi sượng cả mặt. Tất nhiên bố mẹ chúng có mắng vài câu át đi nhưng tôi vẫn cảm thấy câu chuyện nhạt dần.
Cái là tôi ngán ngẩm nhất là cỗ bàn ngày Tết: Ôi chao là lãng phí! Nhà ai cũng bánh chưng, thịt gà, giò chả… Bày ê hề ra nhưng có ăn đâu, cứ làm mâm cơm cúng cụ rồi lại cất đi.
Nhà đông người còn đỡ chứ như nhà tôi ít người, nấu ra rồi để lay lứt từ đầu ngày đến cuối ngày chẳng ai động đến, rồi hôm sau vẫn phải làm mâm cơm khác để cúng.
Chẳng phải ngầu nhiên mà ngày Tết mấy hàng bún riêu, bún ốc lúc nào cũng đắt hàng. Đắt vì thịt vì giò ở nhà ngán quá, chẳng ăn nổi nên phải mò ra ngoài quán ăn bát bún chống ngấy.
Tôi nghĩ chẳng phải nhà tôi mà không thiếu gì các gia đình mà Tết đã hết nhưng giò lụa, bánh chưng vẫn chất đầy tủ, rồi lại phải tìm cách chế biến xào xáo để ăn cho hết cho đỡ phí chứ cũng chẳng còn thấy ngon lành gì.
Rồi Tết nhất đúng là dịp rượu chè, tôi chuyên vướng vào cảnh Tết mặc quần áo đẹp định đi thì khách đến, lại quay vào nhà ngả mâm, tiếp khách lai rai cả buổi, khỏi đi đâu.
Vui xuân, các anh các chú quá chén, tay nhả ga phóng vèo vèo làm tôi sợ chết khiếp. Đặc biệt cảnh những thanh niên quá chén, gây hấn đánh nhau bươu đầu chảy máu không phải là hiếm.
Tết tôi chẳng biết nhà chị em thế nào, có ai được nghỉ ngơi không, chứ tôi còn bận rộn hơn cả ngày thường, dọn dẹp, mua bán, sắm sửa chuẩn bị cái nọ cái kia đến tận khuya tôi mới được đi ngủ.
Chỉ còn có hơn một tuần nữa là Tết, mới nghĩ thôi mà tôi đã thấy đau hết cả đầu. Nói thật lòng là 10 năm nay, tôi chưa bao giờ dám mua cho mình một tấm áo mới tử tế vào dịp Tết, có chăng là chọn đại một chiếc rẻ tiền mà thôi.
Nhìn ngoài kia thấy nhiều chị em xúng xính mà tôi không khỏi cảm thấy ghen tị. Giá mà nhà tôi giàu hơn một chút thì có lẽ tôi đã không phải khổ tâm về Tết thế này.