10 bước đơn giản để tìm được động lực trong công việc

Dưới đây là 10 bước đơn giản và khoa học được các CEO nổi tiếng thế giới áp dụng để có động lực trong công việc do tạp chí Inc đăng tải.

10 bước đơn giản để tìm được động lực trong công việc

1. Tận dụng hiệu ứng Chameleon

Brian Scudamore, nhà sáng lập kiêm CEO các dịch vụ 1-800-GOT-JUNK?, You Move Me, và Wow 1 Day Painting, cho biết, khi không thể tập trung, ông thường tìm một chiếc bàn trống trong văn phòng và ngồi cạnh nhân viên đang tập trung làm việc mà ông không thân thiết. Phương pháp này giúp ông tập trung bởi 3 lý do sau:

Giúp bạn bắt chước sự tập trung của người khác: Hiệu ứng chameleon được nghiên cứu kỹ càng đã chỉ ra rằng chúng ta thường bắt chước một cách vô thức điệu bộ, tác phong, biểu hiện mặt và các hành vi khác từ những người xung quanh.

Làm trỗi dậy ước muốn trở thành hình mẫu lý tưởng: Chúng ta thường cố gắng để làm hài lòng những người mà mình không thân hơn là những người thân cận bên ta. Với tư cách là người lãnh đạo trong một tổ chức, Brian cảm thấy mình càng phải giữ tinh thần tập trung khi đang ngồi cạnh một người không thân quen.

Giúp bạn thoát khỏi môi trường gây uể oải tinh thần: Giáo sư tâm lý và khoa học thần kinh Wendy Wood và James B.Duke đã thực hiện một nghiên cứu. Kết quả cho thấy rất nhiều hành vi mà ta vẫn lặp đi lặp lại là do ảnh hưởng của môi trường hàng ngày. Vì vậy, thay đổi vị trí làm việc sẽ kéo theo những thay đổi trong hành vi của bạn.

Ảnh: Getty
Ảnh: Getty Images.

2. Biến người thân cận thành những đối tác có trách nhiệm

Động lực để làm đẹp hình ảnh của mình trước những người xung quanh là vấn đề cốt lõi cấu thành mỗi con người. Hãy luôn cố gắng hướng nguồn động lực vô tận này vào những việc quan trọng mình phải hoàn thành. Để làm được điều này, hãy tìm cho mình những đối tác có trách nhiệm, sau đó đưa ra một kế hoạch hợp tác giúp cả hai tiến bộ, có thưởng, có phạt.

Hãy thử tưởng tượng mối quan hệ của bạn và những người thân cận (kế toán, luật sư, nhân viên… ) sẽ thay đổi thế nào nếu bạn và họ trở thành những đối tác có trách nhiệm.

3. Viết cam kết ngay khi biết mình sắp trì hoãn công việc

Theo Rohit Anabheri, nhà sáng lập Circa Ventures, mỗi chúng ta luôn ý thức được thứ mà mình định trì hoãn. Dấu hiệu rõ ràng nhất là việc bạn cảm thấy miễn cưỡng khi nghĩ đến chuyện phải hoàn thành nhiệm vụ đó trong tương lai. Bất cứ khi nào cảm giác ấy ùa đến, Rohit thường viết một bản cam kết ngay lập tức, thay vì ngồi chờ đợi. Cam kết có nghĩa là ông sẽ chỉ ra một cách cụ thể:

Sẽ làm gì: Thay vì viết “làm XYZ”, hãy viết “làm XYZ trong 1 tiếng”, hoặc “hoàn thành ABC”. Phải rất rõ ràng về mặt thời gian.

Sẽ làm khi nào và ở đâu: Thay vì hy vọng sẽ có đủ thời gian, hãy chủ động sắp xếp nhiệm vụ đó vào lịch làm việc của mình. Kiểu kế hoạch này trong giới học thuật được gọi tên là kế hoạch “nếu- thì”. Trong bản tóm tắt 94 nghiên cứu về cùng đề tài, Peter Gollwitzer và Paschal Sheeran đã chỉ ra rằng, kế hoạch “nếu-thì” giúp tăng tỷ lệ thành công một cách đáng kinh ngạc.

4. Tìm lại nguồn cảm hứng dồi dào nhất của mình

Khi cảm thấy uể oải, hãy dừng lại 5 phút để nhìn lại mục đích của mình và tưởng tượng ra điều làm mình thấy phấn chấn nhất trong mục tiêu ấy. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đặt ra mục đích sẽ khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn khi làm việc, nhờ đó mà hiệu quả công việc sẽ cao hơn.

Làm những thứ mình thích, bạn sẽ tự động cảm thấy mình tràn đầy sức sống, đặc biệt hữu ích khi mọi thứ trở nên khó khăn hơn. Chính nguồn sức sống ấy là thứ làm nên sự khác biệt giữa nhà lãnh đạo tài ba và những cán bộ hạng xoàng.

Ảnh: Blogspot
Ảnh: Blogspot.

5. Dành thời gian suy nghĩ ở những nơi kích thích sự sáng tạo

Ryan Simonetti, đồng sáng lập Convene cho biết mỗi tuần ông dành ra 90 phút để đối diện với chính mình. Đó là lúc ông suy nghĩ về cuộc đời và công việc kinh doanh, đồng thời nghiên cứu những nhiệm vụ khó nhằn ông chỉ muốn né tránh. Tổ chức những buổi họp 1 - 1 với các thành viên trong đội là cách tốt nhất để rèn luyện tư cách lãnh đạo. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Tương tự như thói quen vừa đi bộ vừa “họp” của Steve Jobs nhằm tạo cơ hội cho những ý tưởng sáng tạo ra đời, Ryan thường tìm đến một nơi quen thuộc giúp mình dễ tập trung và sáng tạo.

Mỗi lần, ông đều tự đặt cho mình 2 câu hỏi: Thứ nhất, để đạt được mục tiêu, điều quan trọng nhất mà tôi cần hoàn thành trong tuần này là gì? Thứ hai, tại sao nó lại quan trọng?

Những câu trả lời rất thuyết phục cho hai câu hỏi trên giúp Ryan cảm thấy mình hứng khởi và sẵn sàng cho tuần mới.

6. Đi bộ 15 phút mỗi ngày giúp đầu óc minh mẫn

Mỗi ngày, hãy dành 15 phút đi bộ để “khai thông” đầu óc. Những bước đi sẽ giúp bạn tỉnh táo trả lời các câu hỏi “tại sao”, nghĩ về những mục tiêu lớn, cũng như tập trung suy nghĩ các vấn không khẩn cấp nhưng đặc biệt quan trọng.

Nguyên nhân khiến tinh thần mệt mỏi không phải là sự kiệt quệ của vùng não điều khiển khả năng tập trung, mà do vùng não giúp ngăn chặn các tác nhân gây xao nhãng đã quá mệt.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng đi dạo, đặc biệt là ở những nơi gần gũi với thiên nhiên, sẽ giúp khôi phục khả năng ngăn chặn tác nhân gây xao nhãng của não bộ bởi khi đó đầu óc ta được thư thái.

7. Tập thể dục trước khi đưa ra những quyết định khó khăn

Kay Koplovitz, nhà sáng lập USA Network và Syfy cho biết, khi phải đưa ra những quyết định khó khăn, ông thường đi tập gym khoảng 30 phút để tăng nhịp tim và tiếp thêm năng lượng. Thói quen này đặc biệt hiệu quả khi phải đối mặt những vấn đề đòi hỏi sự tỉnh táo tuyệt đối.

Một nghiên cứu năm 2006 đã chỉ ra rằng chế độ tập luyện đều đặn có thể ảnh hưởng tích cực đến sức mạnh ý chí.

8. Biến ý chí thành giá trị cốt lõi của bản thân

Ảnh: Desktime
Ảnh: Desktime.

Cameron Herold, tác giả cuốn Double Double, tin rằng bí quyết tạo động lực hiệu quả nhất là biến ý chí mãnh liệt thành giá trị cốt lõi của bản thân. Nghiên cứu chỉ ra rằng, một khi bạn tạo dựng thành công hình ảnh cá nhân với những giá trị cốt lõi và thể hiện ý chí theo-đến-cùng với mọi người xung quanh, bạn sẽ luôn có động lực để hành động sao cho nó thống nhất với “cái chất” của mình. Để làm được điều này, bạn nên:

Thể hiện giá trị cốt lõi của mình trước mọi người: Một khi dám tuyên bố chắc nịch trước các cổ đông về tầm quan trọng của việc theo-đến-cùng, bạn sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc nỗ lực để chứng minh mình là người nói được và làm được.

Luôn làm đến cùng dù là những nhiệm vụ nhỏ nhất: BJ Fogg, nhà nghiên cứu về thói quen đến từ Đại học Stanford đã chỉ ra rằng, mọi hành động, cử chỉ đều góp phần xây dựng lên “đặc tính” của bạn. Kể cả những hành động rất nhỏ. Thành công chỉ đến nếu ta nỗ lực thực hiện những cam kết mà mình đưa ra.

9. Suy nghĩ từ nhiều góc độ

Benji Rabhan, nhà sáng lập AppointmentCore cho biết, mỗi khi nhận một nhiệm vụ khó nhằn, hoặc không có hứng thú, ông sẽ dành ra 2-5 phút để tự trả lời những câu hỏi dưới đây:

Nhiệm vụ này có ý nghĩa gì với mục tiêu chung cũng như mục tiêu cá nhân mình?

Ảnh hưởng của nó tới khách hàng, cũng như các nhiệm vụ liện quan?

Viễn cảnh tồi tệ nhất nếu mình không hoàn thành nhiệm vụ?

Bằng cách này bạn sẽ ý thức được những ảnh hưởng, cả tích cực lẫn tiêu cực, mà hành động của mình sẽ gây ra đối với việc kinh doanh của công ty.

10. Bắt đầu ngày mới bằng việc giải quyết nhiệm vụ khó khăn nhất

Jason Duff, nhà sáng lập, CEO của COMSTOR Outdoor cho biết, trái ngược với những phương pháp quản lý thời gian quen thuộc, ông thường dành một tiếng đầu tiên trong ngày để giải quyết những nhiệm vụ tốn nhiều năng lượng nhất, chứ không phải nhiệm vụ quan trọng nhất.

Ông làm vậy mỗi sáng bởi đó là thời điểm sức mạnh ý chí đang ở mức độ cao nhất. Với mỗi nhiệm vụ, ông sẽ phải lựa chọn, hoặc là ủy thác cho người khác, xóa bỏ, hoặc là tự mình thực hiện. Sau đó, ông mới tiếp tục với những nhiệm vụ quan trọng nhất trong ngày.

Theo Zing

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.