Hàng loạt trạm y tế ở Gia Lai xuống cấp chờ 'thay áo mới'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trần nhà xập xệ, giột nước, tường ẩm mốc, bong tróc… là thực trạng của nhiều trạm y tế ở Gia Lai.

Trạm Y tế xã Dun (huyện Chư Sê) xuống cấp sau 30 năm sử dụng.
Trạm Y tế xã Dun (huyện Chư Sê) xuống cấp sau 30 năm sử dụng.

Nhiều trạm y tế trên địa bàn tỉnh Gia Lai xuống cấp, hư hỏng khiến các y bác sĩ làm việc trong tâm trạng lo lắng, bất an.

Trạm Y tế xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2000.

Trạm được xây trên diện tích 187m2 với các hạng mục, như: Nhà làm việc, khu vệ sinh, cổng, hàng rào, sân bê-tông. Sau nhiều năm sử dụng, đến nay các bức tường bị bong tróc, xuất hiện nhiều vết nứt.

Ông Đinh Văn Tứ, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nghĩa Hưng cho biết, trạm y tế xã phục vụ khoảng 10.000 người dân. Hiện cơ sở vật chất của trạm xuống cấp làm ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe cho bà con.

Tương tự, Trạm Y tế xã Dun (huyện Chư Sê) cũng xuống cấp sau gần 30 năm sử dụng. Hiện các lớp sơn đã bong tróc, trần nhà xập xệ, nền xi măng nứt nẻ. Những ngày nắng thì nóng nực, mưa thì thấm dột, nước từ bên ngoài tràn vào.

Tại huyện Đăk Pơ, 3 trạm y tế Cư An, Hà Tam và thị trấn Đăk Pơ được xây dựng từ 15 - 25 năm nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Tường gạch bao bị nứt, thấm, rêu mốc, nền nhà sụt lún bong tróc, hệ thống cửa bị rỉ sét, hư hỏng, mái lợp tole cũng thấm dột rất nhiều… không đảm bảo cho việc khám, chữa bệnh.

17 năm trước, Trạm Y tế xã Ia Phí (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) được xây dựng với diện tích 130m2. Đến nay, nhiều mảng tường của trạm bị bong tróc, thấm nước gây nấm mốc.

Theo ông Rơ Châm Ker, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ia Phí, cơ sở vật chất tại đơn vị đã xuống cấp, gây ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh.

"Có lúc đang điều trị cho bệnh nhân, trần nhựa bất ngờ rơi xuống, may không ai bị thương. Cơ sở vật chất xuống cấp trong thời gian dài, khiến y, bác sĩ và người dân tới khám chữa bệnh cũng ái ngại, lo sợ", ông Rơ Châm Ker nói.

Trần nhà bong tróc, xập xệ khiến các y, bác sĩ lo lắng, bất an.

Trần nhà bong tróc, xập xệ khiến các y, bác sĩ lo lắng, bất an.

Ông Rơ Châm Laoh, Chủ tịch UBND xã Ia Phí cho biết, do địa bàn cách khá xa Trung tâm Y tế huyện nên nhiều người dân tìm đến đây để khám, chữa bệnh.

Trạm xuống cấp, gây ảnh hưởng tới công tác khám chữa bệnh. Dù đã được tu bổ nhiều lần, nhưng việc tu bổ không đồng bộ, dẫn tới tình trạng xập xệ, chắp vá.

Tường nhà ẩm mốc, giột nước gây ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh.

Tường nhà ẩm mốc, giột nước gây ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh.

Tại huyện biên giới Đức Cơ, hiện có 10 trạm y tế cấp xã và 1 trung tâm y tế huyện. Thế nhưng, có tới 4 trạm y tế ở các xã Ia Pnôn, Ia Dơk, Ia Lang và thị trấn Chư Ty sử dụng từ năm 2009 - 2010, đã xuống cấp nghiêm trọng.

Theo ông Siu Luynh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, tình trạng cơ sở y tế xuống cấp gây khó khăn trong công tác khám, chữa bệnh. Do vậy, nhiều người dân phải chuyển lên tuyến trên, làm tăng thêm gánh nặng kinh phí và thời gian.

Cuối năm 2022, UBND tỉnh Gia Lai đã phê duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp 59 trạm y tế tuyến xã, tổng kinh phí 130 tỷ đồng. Ban Quản lý các Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai đang triển khai các bước để khởi công xây dựng các trạm y tế.

Ban này đã trình UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng và nâng cấp 59 trạm y tế. Dự kiến tháng 6 chính thức khởi công và hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2023.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thường xuyên chấm bài và soạn giáo án điện tử, mắt của cô Nguyễn Thị Mai Hương mờ, yếu và tăng độ.

Cách bảo vệ mắt hiệu quả

GD&TĐ - Khi nhắc đến bệnh nghề nghiệp của giáo viên, nhiều người thường nghĩ đến: Khàn giọng, mất tiếng, viêm thanh quản, giãn tĩnh mạch chân do đứng nhiều.