Yêu người nên chẳng phụ nghề

Yêu người nên chẳng phụ nghề

(GD&TĐ) - Nhiều người vẫn quan niệm, đã về hưu thì chỉ có nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già sau nhiều năm cống hiến cho xã hội. Về cơ bản điều đó là đúng. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều nhà giáo có uy tín, có trình độ chuyên môn và phương pháp giáo dục tốt sau khi về hưu vẫn tiếp tục bận rộn với sự nghiệp trồng người.

Gừng càng già càng cay

Xây dựng và giữ gìn danh tiếng là đòi hỏi với mỗi giáo viên Ảnh: Lê Văn
Xây dựng và giữ gìn danh tiếng là đòi hỏi với mỗi giáo viên                  Ảnh: Lê Văn
 

4 - 5 năm nay, cái tên bà giáo D ở phố Khâm Thiên đã trở nên quen thuộc với nhiều bậc phụ huynh có con đang học lớp 1, 2 tại quận Đống Đa (Hà Nội).

Qua câu chuyện với các bậc phụ huynh có con đang theo học cô D được biết, ngay từ khi đang công tác tại trường tiểu học K.L cô đã được ghi nhận là một giáo viên giỏi cả kiến thức chuyên môn lẫn khả năng sư phạm. Chính vì vậy, dù cô đã nghỉ hưu, nhiều phụ huynh vẫn tự tìm đến nhờ cô kèm thêm cho con cháu.

Hầu hết những học sinh đang nhờ cô D bồi dưỡng thêm tại nhà đều có học lực “đuối” hơn các bạn trên lớp, nhiều học sinh vô cùng hiếu động, bướng bỉnh nghịch ngợm, và lười học… Thế nhưng bằng kinh nghiệm hàng chục năm đứng lớp cùng vốn kiến thức vững vàng, sau vài tháng “qua tay” cô D “huấn luyện” học sinh không chỉ tiến bộ về học lực mà còn trở nên tực giác, thích học. Kể cả những học sinh “cá biệt” cũng chuyển biến rõ rệt.

Các phụ huynh và hàng xóm cô D cho biết, phụ huynh tìm đến xin cô kèm cặp con cháu khá đông. Thế nhưng cứ ai đến trước (bất kể quen hay không quen) cô chỉ nhận đúng 10 cháu hoặc đông nhất là 12 cháu/lớp và mỗi tháng cô chỉ dạy hai nhóm. Cô nói, để đảm bảo mỗi buổi kèm học trò có chất lượng, hiệu quả, cô phải biết từng điểm yếu, mạnh của trò và tìm ra phương pháp kèm cặp phù hợp. Với các cháu lớp 1, 2 lượng kiến thức truyền tải chưa nhiều, điều quan trọng là phải kiên nhẫn để rèn phương pháp, giúp các cháu thích học từ đó sẽ tự giác học.

Với 2 tiếng dạy học cô D không chỉ có nhiệm vụ phát hiện “lỗ hổng” của từng trò để “lấp” mà còn luôn đảm bảo cho trẻ được tự làm bài rồi chấm điểm, để lại lời phê nhận xét góp ý tỉ mỉ vào bài để bố mẹ biết cùng phối hợp giáo dục thêm. Cô tuyệt đối không dạy trước kiến thức so với chương trình trên lớp để tránh sự chủ quan của học trò mà chỉ bằng phương pháp sư phạm, kinh nghiệm, kiến thức cùng đồng hành giúp học trò thêm vững vàng kiến thực, tự tin với học tập. Các biện pháp giáo dục đối với học sinh của cô đảm bảo tính chuyên môn cao nhưng cũng luôn tạo không khí vui vẻ, chơi mà học để tăng thêm hứng khởi cho trò…

Cũng cùng trường hợp về hưu nhưng không nghỉ  như cô D là thầy giáo Lê P (nguyên giáo viên dạy Lý của trường THPT Thăng Long, Hà Nội). Cũng bắt đầu từ việc một vài phụ huynh nhờ kèm cặp thêm cho con em có học lực yếu, thầy P không chỉ vực dậy kiến thức cơ bản cho trò, giúp các em tự tin vào bản thân và ham mê học tập. Thầy P tự hào rằng, hầu hết những học trò thầy kèm cặp từ yếu kém môn Lý nhưng phần lớn đã đỗ vào đại học với điểm số tương đối cao.

Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều học sinh có học lực từ trung bình, yếu đến khá giỏi đều xin học. Trong khi các lò luyện với đầy đủ “chiêu trò” để câu học sinh đến học thì thầy P lại phải từ chối khá nhiều. Thế nhưng với những học sinh khó khăn mà ham học thầy lại sẵn sàng giúp đỡ và miễn học phí hoàn toàn.

“Giúp được một học trò tiến bộ trong học tập và đạt kết quả tốt trong kỳ thi đại học là niềm vui lớn nhất của người thầy chứ không nên đặt nặng vấn đề kinh tế”. Hơn thế, “Với người giáo viên xây dựng được danh tiếng cũng như sự tôn vinh đánh giá cao của học trò của phụ huynh với mình mới là điều đáng trân trọng”. – Thầy P. tâm sự.

Có thể thấy, hiện nay đã và đang có rất nhiều thầy cô giáo về hưu nhưng với danh tiếng của mình đã tạo dựng được thì họ vẫn được phụ huynh và học sinh tin tưởng, tìm đến gửi gắm. Bản thân những nhà giáo này với tình yêu người, yêu nghề nên vẫn tiếp tục đóng góp tri thức, kinh nghiệm cho xã hội.

Chính vì vậy, trong xã hội ngày càng xuất hiện nhiều hơn những tấm gương nhà giáo về hưu hàng ngày vẫn miệt mài với sự nghiệp trồng người qua việc giảng dạy miễn phí cho các lớp học tình thương, lớp học cho trẻ em nghèo, lớp xóa mù chữ cho bà con dân tộc vùng núi, vùng sâu xa… Nỗ lực cống hiến, tâm huyết của họ đã và đang góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng một xã hội học tập của đất nước.

Đằng sau danh tiếng

Tận tụy với học trò Ảnh: Thiên Thanh
Tận tụy với học trò  Ảnh: Thiên Thanh
 

Cô D nói: Với 2 nhóm trẻ/ 2 lớp/ tuần, cô cũng đã mất đứt 4 buổi cho chúng. Như vậy nếu nhận thêm lớp thì chắc chắn cô không thể có thời gian soạn bài, suy nghĩ tìm ra cách giảng dạy nào phù hợp nhất với học trò. Cô cũng nói: Có “danh tiếng” đã khó, việc giữ gìn nó cũng là cả vấn đề. Đối với giáo viên về hưu, bên cạnh sự tận tụy hết lòng với trò thì cũng không thể bỏ qua việc tự bồi dưỡng kiến thức để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người học nói riêng và nâng cao chất lượng giáo dục nói chung.

Chính vì vậy, cô vẫn dành thời gian lên thư viện đọc sách vở bồi dưỡng nghiệp vụ hay lên mạng để tìm đọc những nỗi niềm, tâm sự, nhu cầu của phụ huynh ra sao với người giáo viên và đặc biệt cô thường xuyên phải cập nhật các đề bài hay của các đồng nghiệp khác ở các trường để bổ sung thêm vào bài giảng của mình. Không những thế, cô còn trực tiếp liên lạc với các đồng nghiệp trẻ đang giảng dạy tại trường để trao đổi học hỏi thêm những yêu cầu mới trong giảng dạy.

Còn thầy P, lại nhận định: “Học trò ngày càng thông minh hơn, đòi hỏi cao hơn…”. Nếu giáo viên không trau dồi cập nhật thường xuyên kiến thức thì khó khăn trong việc theo kịp sự thay đổi kiến thức chương trình mà như vậy, mỗi bài giảng sẽ không thể sáng tạo, thăng hoa, mang đến sự hứng thú cho học trò.

Thầy P cũng cho biết, một số trung tâm luyện thi đã ngỏ ý mời thầy tham gia 2 - 3 buổi/tuần. Thế nhưng thầy đều từ chối bởi danh tiếng của một nhà giáo còn được nhìn nhận bằng sự khiêm nhường, bằng tư cách đạo đức cũng như cách ứng xử với học trò, với xã hội. Hơn thế, thầy không muốn ai đó “mượn danh” của mình để lôi kéo, thu lợi từ học trò.

Việc xây dựng và giữ gìn danh tiếng của mỗi giáo viên đã và đang là yêu cầu, đòi hỏi và được xã hội quan tâm. Loại trừ một số ít những giáo viên không có thực tài, cố tình tạo dựng danh tiếng bằng nhiều cách để làm điều phản giáo dục thì hầu hết đội ngũ giáo viên hiện nay đã ý thức hơn điều này.

Xây dựng được danh tiếng cho bản thân sẽ là động lực để người giáo viên không ngừng nâng cao tri thức, sáng tạo, lòng tận tụy với nghề… Từ đó tạo ra những sản phẩm giáo dục tốt nhất cho xã hội - đó là những thế hệ học trò vừa giỏi tri thức vừa có phẩm chất đạo đức.

Hiện nay, có rất nhiều thầy cô giáo đã về hưu nhưng với danh tiếng đã tạo dựng được, họ vẫn được phụ huynh và học sinh tin tưởng, tìm đến gửi gắm. Những nhà giáo này, với tình yêu người, yêu nghề, vẫn tiếp tục đóng góp tri thức, kinh nghiệm cho xã hội.

Hà Linh Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.