(GD&TĐ)- Tiến độ giải ngân Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012 của Tỉnh Yên Bái đạt gần 99%. Đáng lưu ý là địa phương này đã phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư đồng vốn, hoàn thành nhanh nhất các công trình đúng danh mục đầu tư để đưa vào sử dụng đạt 100%.
Ngày 22/6, đoàn kiểm tra liên bộ, GD-ĐT, Tài chính tiếp tục có buổi kiểm tra thực tế tình hình thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012 và công tác chuẩn bị danh mục đầu tư giai đoạn 2012-2015 tại tỉnh Yên Bái.
Trường MN Hoa Mai (TP.Yên Bái) khang trang, đạt chuẩn quốc gia có sự góp mặt của 4 phòng học được xây dựng bằng vốn thuộc Đề án giai đoạn 2008-2012. Ảnh, gdtd.vn |
Giám đốc Sở GD-ĐT Yên Bái, phó Ban Thường trực Ban chỉ đạo Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và phòng ở công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012 tỉnh Yên Bái, ông Trần Xuân Hưng cho biết, từ năm 2008 đến năm 2011 tỉnh đã thực hiện được 895/1.765 phòng học, đạt 50,7% kế hoạch và 733/3.055 phòng ở công vụ (POCV) đạt 24%.
Tính bình quân trong quá trình đầu tư từ năm 2008 đến năm 2011 xuất đầu tư bình quân của một phòng học cấp MN là 480 triệu đồng/phòng, TH là 250 triệu đồng/phòng, THCS và Phổ thông CS là 255 triệu đồng/phòng; bình quân chung là các cấp là 312 triệu đồng/phòng. Đối với POCV xuất đầu tư chung của cấp MN là 165 triệu đồng/phòng, TH là 170 triệu đồng/phòng, THCS và Phổ thông CS là 180 triệu đồng/phòng và THPT, trung tâm GDTX là 195 triệu đồng/phòng, tính chung xuất đầu tư POCV ở đây là 180 triệu đồng/phòng.
Qua kiểm đếm, hiện nay trên toàn tỉnh Yên Bái còn 407 phòng học xuống cấp và 516 phòng học nhờ, mượn (trong đó, chủ yếu là MN học nhờ các trường Tiểu học và hội trường thôn, bản), số phòng học phát sinh do tăng quy mô 193 phòng học.
Tổng danh mục đề nghị đầu tư trong giai đoạn 2012-2015 của Yên Bái là 1.986 phòng học và 2.322 POCV. Trong đó, còn lại trong kế hoạch giai đoạn 2008-2012 có tổng số 870 phòng học và 2.322 POCV chưa thực hiện tại đây được Ban chỉ đạo tiếp tục đề nghị đầu tư trong giai đoạn tiếp theo 2012-2015. Và Theo tinh thần của công văn số 1089 của Bộ GD-ĐT về chuẩn bị danh mục đầu tư Đề án giai đoạn 2012-2015, qua kiểm đếm, số phòng chức năng còn thiếu tại Yên Bái là 8.582 được đề nghị đầu tư.
Hiện trạng học nhờ, tạm của trường Mầm non Vũ Linh huyện Yên Bình, Yên Bái. Ảnh, gdtd.vn |
Theo đó, tổng nhu cầu về vốn được được dự ước là 7.231,245 triệu đồng. Trong đó phòng học và nhà ở công vụ dự ước 1.609,055 triệu đồng, các phòng chức năng 5.622,190 triệu đồng
CSVC cũ nát và đang xuống cấp nghiêm trọng
Thực tế kiểm tra tại huyện Yên Bình cho thấy, CSVC của các CSGD ở đây đang rất cần tiếp tục được đầu tư xây dựng để việc dạy và học của cô, trò nơi đây bớt khó khăn hơn. Trong đó không ít các trường nằm trong danh mục đầu tư của Đề án giai đoạn 2008-2012, tuy nhiên phải dừng khởi công theo chủ trương cân đối nguồn vốn đối phó với tình trạng trượt giá đơn giá xây dựng trong thời gian qua và nhất là gần đây, trong năm 2011, tỉnh Yên Bái đã dừng khởi công mới các công trình trong danh mục đầu tư của Đề án để tiết giảm đầu tư theo tinh thần Nghị quyết số 11 của Chính phủ.
Trường THCS Yên Bình huyện Yên Bình là một đơn cử. Hiệu trưởng nhà trường Đỗ Thị Bích Hằng cho biết, trường gồm 8 phòng học cấp 4 được đầu tư xây dựng từ năm 1976 đã qua cải tạo, sửa chữa nhưng đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Đáng lo nhất là phần mái và tường nhà của các nhà lớp học đều đã bị xuống cấp, không đủ chắc chắn trong mùa mưa bão hàng năm.
Bên cạnh đó, nhà trường còn thiếu nhiều hạng mục cho công tác chuyên môn như phòng học chức năng, nhà hiệu bộ. Nhà công vụ cho giáo viên còn thiếu nhiều hạng mục phục vụ cho sinh hoạt của giáo viên như nhà vệ sinh, điện, nước sinh hoạt.
Toàn huyện Yên Bình hiện nay có 26 phòng học nhờ, mượn địa điểm. Do vậy không đủ điều kiện đầu tư của đề án trong gia đoạn 2008-2012. Đây là những phòng học hết sức tạm bợ. Trường Mầm Non xã Vũ Linh là một đơn cử. Từ năm 2011 trở về trước trường có 6 phòng học nhưng đều là phòng học tạm, tranh tre nứa lá. Và nhất là trường phải xây dựng nhờ trên địa điểm của nhà dân do vậy, mặc dù có trong danh mục đề nghị đầu tư trường không được chấp thuận đầu tư trong giai đoạn 2008-2012 của Đề án.
Hiện, nhà trường và địa phương đang đề xuất cấp có thẩm quyền quy hoạch nhà trường vào mạng lưới quy hoạch trường, lớp học của địa phương tại địa điểm mới với diện tích khoảng 3.000 mét vuông để hội đủ các điều kiện kiến nghị đầu tư đưa vào danh mục đầu tư của Đề án tại Yên Bái giai đoạn 2012-2015.
Lồng ghép với nhiều nguồn lực tài chính khác để phát huy hiệu quả Đề án
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái- Trưởng Ban chỉ đạo Đề án Ngô Thị Chinh đánh giá, cùng với các nguồn lực tài chính khác, trong thời gian qua (2008-2011) Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên đã làm cho CSVC của ngành giáo dục tỉnh Yên Bái ngày càng khang trang hơn, đã xóa được tình trạng lớp học tranh tre lứa lá trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần giảm thiểu khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học tại địa phương.
Gói thầu san nền của Trường THCS Bình Minh được xã hội hóa trị giá 264 triệu đồng. Ảnh, gdtd.vn |
Đặc biệt, là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội cho bà con các dân tộc thiểu số nơi đây, lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền nơi đây đã coi Đề án này như một nguồn lực chính, cơ hội tốt nhất để địa phương có được mạng lưới có sở vật chất tốt nhất ở các đặc biệt khó khăn góp phần nâng cao dân trí, đảm bảo an sinh xã hội... tại đây.
Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã tích cực đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện sử dụng đồng vốn đúng mục đích, tinh thần của Đề án. Ngoài 11 tỷ đồng chi cho công tác giải phóng mặt bằng và san nền cho các trường, địa phương còn đã tích cực 15 huy động và lồng ghép các nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện Đề án có hiệu quả cao nhất, kết quả, đã huy động được 15 tỷ đồng vốn các nguồn ngoài xã hội.
Xác định đúng chủ trương để lập danh mục đầu tư
Tại buổi làm việc với Ban Thường trực Ban chỉ đạo Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và phòng ở công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012 tỉnh Yên Bái, đoàn kiểm tra liên Bộ, GD-ĐT, Tài Chính đã đề nghị Ban chỉ đạo Đề án xác định rõ mục tiêu của Đề án trong giai đoạn tiếp theo là tiếp tục xóa các phòng học, phòng ở công vụ cho giáo viên tạm bợ, nhà cấp 4 xuống cấp, phòng học 3 ca và ưu tiên các vùng miền khó khăn nhất để lập danh mục đề nghị đầu tư.
Bên cạnh việc lập danh sách những công trình nằm trong kế hoạch 2008-2012 của Đề án mà chưa khởi công xây dựng đề nghị tiếp tục đầu tư, đoàn yêu cầu Ban chỉ đạo tỉnh thanh quyết toán dứt điểm các công trình đã hoàn thành và nhanh chóng giải ngân các công trình dang dở để đưa vào sử dụng trong năm học tới.
Đồng thời, Yên Bái là một tỉnh miền núi, địa hình phức tạp nên đoàn cũng đã yêu cầu địa phương khi triển khai xây dựng trường lớp phải căn cứ vào hiện trạng mặt bằng trên cơ sở tính toán không san gạt để một mặt không làm đội giá xuất đầu tư, mặt khác đảm bảo điều kiện môi trường không sạt lở ta-luy khi xây dựng và đưa vào sử dựng...
Giang Đông