Đối với người đã chết, tục lệ của Việt Nam là địa táng (hay còn gọi thổ táng). Nhưng ngày nay nhiều người thường gửi di ảnh, tro cốt lên chùa. Có những người muốn gửi tro cốt ở chùa vĩnh viễn, có người thủy táng sau thời gian gửi chùa.
Trao đổi với PV Báo Gia đình và Xã hội về vấn đề này, TS Vũ Thế Khanh – TGĐ UIA, Tổng thư ký Hiệp Hội những người Lao động Sáng tạo Việt Nam cho rằng, có nhiều lý do mà ngày nay, nhiều người Việt chọn phương thức gửi tro cốt người thân ở chùa.
Người Việt vẫn luôn nghĩ "Sống có nhà, thác cói mồ" cho nên vì hiếu đạo, khi chết còn lại nắm xương hoặc nắm tro tàn cũng cố gắng xây ngôi mộ nhỏ đủ để vùi lấp nắm xương và nắm tro trong lòng đất, để đánh dấu ghi khắc một kỷ niệm của một kiếp người. Đó là để ghi nhớ lại cho đời sau một đạo nghĩa, một truyền thống tri ân uống nước nhớ nguồn.
Phần mộ còn là nơi để cho con cháu tập hợp, nhắc lại những cống hiến của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Nơi đây là nơi để cho con cháu đừng quên nắm xương tàn của những người thân đã quá cố.
Tuy nhiên, theo các quy định hiện hành về vệ sinh môi trường, khu nghĩa trang phải nằm xa trung tâm, khu dân cư, trong khi chùa hầu như ở các phường, xã đều có. Bởi vậy, gửi tro cốt ở chùa gần nhà tạo điều kiện đi thăm viếng thuận lợi, tiết kiệm thời gian cho con cháu. Thứ hai, đi thăm tro cốt sẽ đơn giản hơn nhiều so với đi thăm mộ táng ở khu nghĩa trang.
Còn một lý do rất phổ biến là trong quan niệm của nhiều người cho rằng, người chết được chôn trong đất chùa, hoặc gửi nắm tro tàn trong tháp hài cốt, hằng ngày linh hồn sẽ được nghe kinh, nhờ đó được siêu thoát lên cõi Cực Lạc, Thiên Ðường...
Đồng quan điểm, theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, gửi tro cốt ở chùa là xu thế tất yếu có ý nghĩa. Nhiều gia đình giờ gửi lên chùa với mong muốn thuận lợi đi thăm viếng khi nhiều nghĩa trang nằm ở xa trung tâm.
Hơn nữa, chùa là nơi tu học, khi đến thăm tro cốt, con cháu có được cơ hội viếng chùa, có thể được hướng dẫn, tư vấn cho trong việc tu Phật mong vượt qua những phiền não, trở ngại trong cuộc sống thay vì đến nghĩa trang thấy toàn khung cảnh tang tóc.
Việc con cháu gửi tro cốt hay đưa di ảnh lên chùa là lựa chọn chính đáng. Dân gian cũng quan niệm gửi tro cốt người thân ở chùa để các hương linh nghe kinh được siêu thoát. Việc này mang ý nghĩa tâm linh, an ủi linh hồn người đã khuất cũng như tạo sự an tâm cho người thân của họ.
Chưa có quy định nghi thức đưa tro cốt người mất an bài tại chùa
Theo các chuyên gia, lâu nay, trong Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam không có quy định hay chỉ đạo nào về việc gửi tro cốt ở các chùa. Việc quản lý, tiếp nhận tro cốt người đã khuất ở các chùa lâu nay chủ yếu mang tính chất lễ nghi tùy theo mỗi chùa.
Hệ lụy tất yếu về nghi thức này sẽ phải xảy ra. "Ban nghi lễ giữ gìn tro cốt" do nhà chùa cử ra, vì chưa phải là những người đã giác ngộ cao nên khó tránh khỏi sự qua loa tắc trách, hoặc thiên vị trong hành xử.
Ví dụ như hiếu chủ nào đóng tiền công đức nhiều thì được đặt tro cốt ở vị trí trang trọng hơn, thuận lợi hơn. Ai cúng dường ít tiền hơn thì hũ tro cốt sẽ được đặt ở chỗ khuất, hoặc ít được quan tâm…
Bởi vậy quan trọng việc tiếp nhận, bảo quản và thờ cúng tro cốt cần nhất là lương tâm của người quản lý trong chùa. Người gửi tro cốt cũng cần có trách nhiệm, đừng thoái thác mọi việc cho chùa với nhiều lý do thì việc thờ cúng tro cốt trên chùa có ý nghĩa sâu sắc.
TS Vũ Thế Khanh cho rằng, ước mong của các hiếu quyến muốn cho thân nhân được siêu thoát về miền cực lạc là hoàn toàn chính đáng và cần được trân trọng, nhưng sự ước muốn ấy có được thành tựu hay không lại là việc khác và nên làm thế nào cho đúng mới là điều cần phải khảo cứu. Đây là nhận thức trong tín ngưỡng dân gian chứ trong giáo lý nhà Phật không quy định nghi thức đưa tro cốt của người quá cố vào an bài trong chùa.
Xuất phát điểm của phong tục tín ngưỡng này có lẽ là từ sự "giáo hóa nửa vời" của một số vị chủ trì của một số chùa, rồi sau một thời gian thì nghi thức này lan rộng và mặc nhiên thành "phong tục tập quán".
Do lòng thương yêu và sự hiếu hạnh, đồng thời cũng chưa hiểu thấu đáo về thế giới tâm linh siêu hình nên hiếu quyến nhất nhất nghe theo sự "giáo hóa và tư vấn" của quý thầy, quý cô trong chùa chứ thực ra chưa có sự hiểu biết thấu đáo về giáo lý giác ngộ của đạo Phật.
Vì thế, từ lòng tin tín ngưỡng có phần mơ hồ này, một số Phật tử cùng các thầy chùa đã vô tình hay hữu ý biến các chùa trở thành nhà mồ, trở thành một nơi sinh hoạt "nửa chùa nửa nghĩa trang", chứ không còn là nơi thuần túy tu hành của tăng, ni và nam, nữ Phật tử nữa.
Về bản chất sâu xa của việc đưa tro cốt vào chùa là nhà chùa đã biến nơi tu hành thanh tịnh thành nơi nhà mồ, nghĩa địa, biến nơi tu hành thành nơi thực hiện tín ngưỡng theo nghi thức của dân gian, chứ không phải nghi thức theo giáo điển Phật Giáo, đây là cái lỗi của nhà chùa. Cần để mọi người hiểu, đưa tro cốt vào chùa không phải là phương thức tu giác ngộ của Phật giáo.