Những ý kiến trái ngược
Số trường ĐH dành cho phụ nữ tăng lên đã giúp tăng lượng nữ sinh trong GD bậc cao từ 36% lên 47% trong những năm gần đây – Bà Samina Amin Qadir, Phó hiệu trưởng ĐH Fatima Jinnah dành cho nữ giới cho biết.
Bà thấy đây là “một bước đi tích cực trong xã hội nơi đa số nữ sinh trung học có nguyện vọng nhưng không thể học ĐH “vì những lý do mang tính bộ lạc “và cái được gọi là niềm tin tôn giáo cấm họ tiếp cận với GD bậc cao”.
Sabiha Mansoor – Phó hiệu trưởng ĐH Lahore dành cho phụ nữ - cho rằng các trường ĐH chỉ dạy nữ giới đã ngang hàng với các trường ĐH khác tại đây.
“Trong hầu hết các trường hợp, những trường ĐH này đã có kết quả tốt hơn một số trường ĐH có cả nam và nữ theo học” – Bà nói thêm.
Tuy nhiên, một phần lớn các học giả nói rằng việc chỉ cho phụ nữ học tại các trường này có thể ngăn cản khả năng vượt trội của họ trong xã hội – nơi không có sự tách biệt giữa nam và nữ.
“Chúng ta có thể có những nữ sinh tuyệt vời tốt nghiệp từ các trường ĐH này nhưng sau khi tốt nghiệp, liệu những nữ sinh đó có thể tìm được các văn phòng, viện nghiên cứu hay các doanh nghiệp chỉ dành cho phụ nữ không?” – Anwar Nasim, Tổng thư ký Viện Khoa học Pakistan cho biết.
Sự quấy rối
An toàn ở nơi trường học là mối lo chính để các gia đình quyết định có nên gửi con em mình tới các trường ĐH dành cho 1 giới hay không.
Số vụ quấy rối phụ nữ ở các trường học và việc các trường ĐH không thể thực thi các quy định chống lại các vụ quấy rối mà Ủy ban GD bậc cao đưa ra, đã “khiến các bậc phụ huynh tìm đến trường chỉ dành cho nữ giới” – Ông Kashif Majeed Salik, nhà phân tích tại Viện phát triển chính sách bền vững ở Islamabad cho hay.
Nếu không đảm bảo được an toàn thì “hàng ngàn phụ nữ trẻ từ các gia đình có mối quan tâm trên sẽ mất cơ hội học GD bậc cao” – ông nói.
Theo một khảo sát năm 2010 của tổ chức phi lợi nhuận Gilani Research Foundation, đa số các bậc phụ huynh Pakistan - 79% những người được hỏi – thích cho con vào những trường chỉ dành cho nữ giới.
Khoảng 16% cũng chuẩn bị gửi con gái đến các trường dành cho cả 2 giới với điều kiện đây là trường dạy tốt và 5% từ chối trả lời. Những người chọn trường dành cho cả 2 giới ở các thành phố (24%) cao hơn những người ở nông thôn (12%).
Hiệu trưởng trường ĐH quốc tế Hồi giáo cho biết: “Một số vụ quấy rối xảy ra ở các trường dành cho 2 giới cũng đủ để hiểu tầm quan trọng của việc dạy riêng nam giới và nữ giới”.
Tuy nhiên, điều này không đòi hỏi phải dựng trường dành riêng cho nữ giới mà có thể có khu riêng và lớp riêng dành cho 2 giới”.
Mối đe dọa từ Taliban
Còn một lý do nữa khiến số trường ĐH dành cho nữ giới tăng lên ở Pakistan. Người Taliban ở Pakistan tin rằng GD cho các bé gái và phụ nữ là không theo đạo Hồi. Phụ nữ không nên được tiếp xúc với GD phương Tây, thậm chí ngay tại trường dành cho phụ nữ.
Ngày 15/6/2013, Taliban đã tiến hành cuộc tấn công bằng bom nhằm vào một xe buýt của trường ĐH Sarda Bahadur Khan dành cho phụ nữ ở Quetta. Khoảng 14 nữ sinh đã chết và 20 người khác bị thương nặng.
Năm 2009, những kẻ khủng bố đã giết 6 nữ sinh và làm bị thương 29 người khác bằng cách cài bom ở trường ĐH quốc tế Hồi giáo. Ngoài ra, một số nữ GV cũng bị giết và các bé gái cũng không được tới trường ở phía tây bắc Pakista – căn cứ của Taliban.
Không phải tất cả các học giả đều ủng hộ GD tách biệt 2 giới, nhưng họ đều nhất trí rằng vấn đề tôn giáo và văn hóa vốn ăn sâu trong xã hội với những điều kiện vốn có, sẽ không có lợi cho việc tăng cường sức mạnh cho phụ nữ.