Nhiều kịch bản cho kỳ thi
“Tôi không muốn Kỳ thi THPT quốc gia năm nay có nhiều xáo trộn, vì những hệ lụy nó mang lại khá lớn”. Chia sẻ điều này, ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long cho rằng: Mọi HS đều muốn được đánh giá, xét lên lớp hoặc công nhận tốt nghiệp vào cuối năm học. Đây là mong muốn, cũng là quyền lợi chính đáng của các em. Dù dịch bệnh, quyền lợi này vẫn phải được bảo đảm.
Riêng HS lớp 12, ngoài thi để xét công nhận tốt nghiệp theo quy định của Luật Giáo dục, các em còn có nguyện vọng học ĐH, CĐ. “Trước đây, HS vừa phải thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh, rất vất vả, tốn kém. Bộ GD&ĐT đã tìm giải pháp khắc phục bằng cách tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia. Lợi ích của kỳ thi này được xã hội nhìn nhận, ủng hộ” – ông Trịnh Văn Ngoãn cho hay.
Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long cho rằng: Bộ GD&ĐT cần cân nhắc xây dựng nhiều kịch bản thi. Mỗi kịch bản tương ứng với một thời gian HS trở lại trường để tránh bị động; Sớm công bố phương án để HS, các trường chuẩn bị. Bộ cũng nên cân nhắc đến tình huống xấu nhất là HS không thể hoàn thành chương trình khối 12. Về số bài thi, vẫn giữ 5 bài như hiện nay, trong đó điểm các bài thi Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh dùng để xét công nhận tốt nghiệp. Nếu thí sinh có nguyện vọng tuyển sinh ĐH, CĐ có thể đăng ký thêm bài thi tổ hợp, hoặc một hoặc một số môn thành phần của bài thi tổ hợp.
“Cần thống nhất quan điểm học đến đâu thi đến đó. Những phần được tinh giản, hoặc phần chưa được học do thời gian nghỉ học kéo dài không đưa vào đề thi. Trong bất kỳ tình huống nào, nếu kỳ thi được tổ chức, đề thi vẫn phải bảo đảm chất lượng, không hạ thấp yêu cầu của kỳ thi” – ông Ngoãn nêu quan điểm.
Ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang cũng khẳng định vai trò quan trọng của Kỳ thi THPT quốc gia. Qua kỳ thi, đánh giá HS về kiến thức, kỹ năng phổ thông cần thiết, làm nền tảng để tiếp tục học tập cao hơn, là hành trang cơ bản cho HS học nghề hay tham gia lao động trong xã hội sau này. Ngoài làm cơ sở để xét tuyển vào ĐH, CĐ, kỳ thi còn giúp đánh giá việc tổ chức dạy học của cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, cần xem xét lựa chọn phương án sao cho phù hợp nhất có thể.
“Trường hợp Kỳ thi THPT quốc gia vẫn được tổ chức, cá nhân tôi đề xuất nên tổ chức với tinh thần nhẹ nhàng nhất có thể, với yêu cầu tăng câu hỏi độ nhận biết và hiểu, giảm các câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao; Đồng thời tập trung vào nội dung của học kỳ I, năm học 2019 - 2020, nhằm bảo đảm công bằng cho tất cả HS” – ông Trần Tuấn Khanh đề xuất.
Xáo trộn trong tuyển sinh ĐH, CĐ
Theo nhận định của PGS.TS Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế, tổ chức thi tốt nghiệp THPT là phù hợp với Luật Giáo dục. Nếu chỉ cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT, không thể dùng giấy chứng nhận đó để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Từ xưa tới nay, kỳ thi cuối cấp là thước đo quan trọng để phân tầng HS phổ thông tốt nghiệp, giúp cơ sở giáo dục ĐH tuyển chọn HS cho các ngành nghề với yêu cầu chất lượng khác nhau. Đây cũng là dịp để trường ĐH về cơ sở giáo dục phổ thông kiểm tra, giám sát chất lượng và kết quả kỳ thi.
Với các ĐH đa ngành, có ngành học yêu cầu đầu vào cao, chẳng hạn như khoa học sức khỏe, cần phải lựa chọn sinh viên có chất lượng. Những ngành khoa học cơ bản khó tuyển sinh, song cũng cần sinh viên giỏi và có đầu vào cao. Bởi vậy, nếu bối cảnh dịch bệnh kéo dài, khó hoàn thành chương trình lớp 12, việc trường tuyển sinh căn cứ theo học bạ sẽ gặp những khó khăn, đặc biệt với ngành yêu cầu đầu vào cao. Tuy nhiên, cũng theo PGS Nguyễn Quang Linh, việc tổ chức thi sẽ không phù hợp nếu dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài đến hết tháng 9/2020.
“Nếu HS quay trở lại trường học trước 15/6, theo tôi vẫn nên tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia”. Nêu quan điểm này, PGS Lê Hiếu Học, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội) lý giải: Bộ GD&ĐT sớm điều chỉnh kế hoạch năm học 2019 - 2020, lùi thời gian kết thúc năm học, quyết định và chỉ đạo giảm tải kiến thức học kỳ II của năm học này và dự kiến tổ chức thi THPT quốc gia từ 8 - 11/8/2020.
Đề thi tham khảo dựa trên khối lượng kiến thức giảm tải cũng đã được Bộ ban hành. Cho dù với khối lượng kiến thức giảm tải, qua việc ra đề thi phù hợp chắc chắn kỳ thi vẫn có ý nghĩa đánh giá, phân loại HS. “Tôi và có lẽ đa số các thầy, cô giáo, phụ huynh, HS lớp 12 mong rằng dịch bệnh sớm kết thúc để mọi việc diễn ra đúng như kế hoạch” – PGS Lê Hiếu Học chia sẻ.
PGS Lê Hiếu Học cũng cho rằng: Nếu kỳ thi không triển khai theo đúng kế hoạch, sẽ gây ra những xáo trộn, lo lắng cho HS, phụ huynh, trường THPT và trường ĐH, CĐ. Đây là tình huống bất khả kháng, đòi hỏi các bên liên quan đều phải điều chỉnh thích nghi. Trường ĐH cũng phải rà soát, cân nhắc phương án tuyển sinh để vừa bảo đảm quyền lợi cho HS, không tạo ra thay đổi quá lớn với các em; đồng thời vẫn phải bảo đảm chất lượng tuyển sinh.
Cho đến thời điểm này, Trường ĐH Phenikaa dự kiến xét tuyển theo 3 hình thức: Xét tuyển thẳng (theo tiêu chí của Bộ GD&ĐT), xét tuyển bằng kết quả học tập bậc THPT với 5 học kỳ đầu tiên và xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi THPT quốc gia. Bên cạnh đó, nhà trường cũng xét tuyển thẳng (có điều kiện) hoặc cộng điểm với thí sinh có chứng chỉ quốc tế (với tiếng Anh là IELTS, TOEFL, và chứng chỉ đánh giá năng lực tổng hợp khác của Cambridge; SAT...).
Để Kỳ thi THPT quốc gia bảo đảm yêu cầu, xác định rõ phạm vi kiến thức cần tập trung để HS, thầy cô giáo ôn tập, bổ sung trong khoảng thời gian còn lại. Đề thi có tính phân hóa nhất định để hỗ trợ công tác tuyển sinh ĐH, CĐ. Bên cạnh đó, công tác tổ chức thi cần quan tâm đến yếu tố vệ sinh dịch tễ trong bối cảnh diễn biến của dịch Covid-19 vẫn diễn ra phức tạp. - PGS Lê Hiếu Học