(GD&TĐ) - Mấy ngày nay, chuyện đề cử Tổng thống Nga V.Putin làm ứng cử viên của giải Nobel Hòa bình được thảo luận sôi nổi trên toàn thế giới. Người Nga ủng hộ ý tưởng này là chuyện đương nhiên, còn ở phương Tây thì sao? Phương Tây đón nhận ý tưởng này với thái độ nghi hoặc, tuy nhiên có không ít ý kiến ủng hộ V.Putin. Người ta cám ơn Tổng thống Nga đã sớm ngăn chặn chiến tranh thế giới thứ 3 và ca ngợi ông như một “hiệp sĩ” một mình chống lại nhóm vận động hành lang cho Israel ở Mỹ.
Ngày 1/10, sáng kiến đề cử Tổng thống Nga V.Putin làm ứng cử viên giải Nobel Hòa bình của Quỹ Giáo dục toàn Nga và Học viện Quốc tế của tinh thần đoàn kết và hợp tác đã được Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ủng hộ. “Vào thời điểm lịch sử này, người xứng đáng nhận giải thưởng Nobel Hòa bình chỉ có V.Putin. Putin có thể ngăn chặn chiến tranh đe dọa nhân dân Syria”- Maduro nói với hãng EFE.
Phản ứng từ phương Tây
Nhìn chung, phương Tây, đón nhận ý tưởng đề cử V.Putin giải Nobel Hòa bình với thái độ hoài nghi. “Ông ấy (Putin) là người phát động chiến tranh đè bẹp Chechnya ly khai, một cuộc tấn công quy mô vào Gruzia chỉ để giải quyết một xung đột biên giới nhỏ, chỉ trích NATO thiết lập đường cấm bay ở Lybia... Và từ trước đến nay bán vũ khí chết người cho chính phủ Bashar Assad ở Syria” - The New York Times viết. Ngoài ra, một số tờ báo ở Mỹ cho rằng, V.Putin chưa xứng đáng nhận giải Nobel Hoà bình vì bảo vệ “kẻ phản bội” Edward Snowden và đàn áp nhóm Pussy Riot vì những lý do nhỏ mọn...
Tuy nhiên, chuyện không đơn giản chỉ có vậy. Phương Tây dân chủ vẫn còn nhiều người sáng mắt có thể nhìn ra một V.Putin xứng đáng nhận giải Nobel Hoà bình. Ông trùm truyền thông Rupert Murdoch là một ví dụ. Trên Fox News của nhà tài phiệt này, chuyên gia phân tích an ninh quốc gia - cựu nhân viên an ninh của các chính quyền Richard Nixon, Gerald Ford và Ronald Reagan - Kathleen Troia McFarland nhận xét: “Trong một trận chiến ngoại giao được coi là khéo léo nhất mọi thời đại, Tổng thống Nga Putin đã cứu thế giới khỏi cái chết gần như chắc chắn”.
“Ông ấy (Putin) đã làm việc đó không hề ích kỷ. Một Tổng thống và một Ngoại trưởng Mỹ không đủ năng lực để có thể hiểu được rằng ông ấy đã vạch ra lối thoát khỏi tình hình do chính họ tạo ra. Cả thế giới đều biết, Vladimir Putin hoàn toàn xứng đáng với giải Nobel Hoà bình” - McFarland kết luận.
Chia sẻ với McFarland, nhà báo Michael Collins Piper của AFP cho rằng, Tổng thống Putin đã giải cứu Mỹ khỏi nỗi ê chề khi bị lôi kéo vào một “cuộc chiến tranh ngu ngốc và không cần thiết” ở Trung Đông. “Sự thật là Putin - thủ lĩnh của chiến tranh lạnh, một tượng đài được coi là kẻ thù của Mỹ đã làm những gì mà giới tinh hoa quân sự ở Mỹ muốn làm.
Ông ấy đơn phương đặt dấu chấm hết cho cuộc tấn công Syria từ phía nhóm vận động hành lang cho Israel...Putin có thể ngăn chặn chiến tranh thế giới thứ 3 và nếu xét theo những người ủng hộ Israel, Tổng thống Nga đã đặt các chướng ngại vật trên con đường thúc đẩy chiến tranh chống Iran của Mỹ. Tổng thống Nga V.Putin xứng đáng nhận giải Nobel Hòa bình” - Michael Collins Piper khẳng định.
Tổng thống Nga V.Putin |
Với công chúng Mỹ thì sao?
Theo con số thống kê có tới 60% người Mỹ phản đối tấn công Syria. Quan điểm này được thể hiện trong bản kiến nghị được đăng tải trên trang web “We the People” của Nhà Trắng: “Với thực tế là ông Obama đã nỗ lực kêu gọi tấn công Syria, ném lực lượng vũ trang của chúng ta vào cuộc xung đột không mong muốn, không nhận được sự ủng hộ của nhân dân, chúng tôi cho rằng, ông Obama nên trao lại giải Nobel Hoà bình mà ông nhận được vào năm 2009 cho người đàn ông đích thực của thế giới - ông Putin, Tổng thống Nga.
Ông Putin đã giúp Mỹ thoát khỏi cuộc xung đột quân sự không cần thiết, không mong muốn và giữ được hoà bình”. Trong bản kiến nghị khác được đưa ra vào cuối tuần qua ở Pháp, tập thể các bác sĩ, giáo viên, những người về hưu cũng nêu rõ: “Trong khi quân đội của ông ấy (Obama) đang chết đuối trong vũng lầy ở Afghanistan, còn Iraq đang chìm trong bạo lực, Barack Obama lại ra sức thuyết phục Quốc hội Mỹ bắt đầu một cuộc chiến tranh mới”.
Và họ cũng đề nghị Obama trả lại giải Nobel Hoà bình cho V.Putin. Bản kiến nghị của người Pháp nêu rõ: Giờ đây, chỉ có Tổng thống Pháp (Francois) Holland là không thấy rằng “những nỗ lực” của Obama không hề đóng góp cho “hoà bình” mà chỉ nhằm đáp ứng những tham vọng về kinh tế của Mỹ và biện minh cho ngân sách quân sự quá lớn mà thôi.
Bản kiến nghị này sẽ được biểu quyết trong vòng 5 tháng trên website của Tổ chức France - Petitions.com. Những người khởi xướng hứa sẽ chuyển nó cho Tổng thống Francois Holland, nhà báo, nhà triết học, nhà văn nổi tiếng của Pháp Bernard-Henry Levy, Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Uỷ ban Giải Nobel Hoà bình Thorbjorn Jagland.
Người Nga nói gì?
Nhóm những người yêu nước Nga trong đó có ca sĩ nổi tiếng và là nghị sĩ Duma Quốc gia Nga Iosif Kovzon khẳng định: “Tổng thống của chúng tôi đã cố gắng ngăn chặn một cuộc chiến tranh bằng một giải pháp chính trị. ông ấy xứng đáng với một danh hiệu như vậy”. Điều phối viên của Phong trào quốc tế bảo vệ quyền lợi của các dân tộc Beslan Kobakhia cũng cho rằng: “Đây là sáng kiến của chúng tôi. Một năm đã kết thúc và không nghi ngờ gì nữa, người đàn ông của năm 2013 là V.Putin”. Theo Chủ tịch Học viện quốc tế về tinh thần đoàn kết và hợp tác George Trapeznikov thì bức thư đã được gửi đến Hội đồng Nobel hôm 16/9.
Tuy nhiên, điện Kremlin có vẻ như khá bình thản về chuyện này. Trả lời phỏng vấn báo giới, phát ngôn viên của Tổng thống Nga, ông D.Peskov khẳng định V.Putin không thảo luận với bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào về chuyện đề cử giải Nobel Hoà bình. Giải Nobel Hoà bình có ảnh hưởng rất ít đến quyết định và công việc của V.Putin - D.Peskov nhấn mạnh.
Anh Phương (TH)