KỶ NIỆM 60 NĂM THÀNH LẬP TRƯỜNG THPT LƯƠNG THẾ VINH (TX BA ĐỒN, TỈNH QUẢNG BÌNH):

Xứng danh địa chỉ tin cậy, điểm sáng của ngành Giáo dục Quảng Bình

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, Trường THPT Lương Thế Vinh đã trở thành một địa chỉ tin cậy, điểm sáng của ngành Giáo dục Quảng Bình.

Hình ảnh Trường THPT Lương Thế Vinh nhìn từ trên cao.
Hình ảnh Trường THPT Lương Thế Vinh nhìn từ trên cao.

Trường THPT Lương Thế Vinh, tiền thân là Trường cấp 3 Quảng Trạch được thành lập tháng 8 năm 1962, trải qua với biết bao biến động, thăng trầm của lịch sử, các thế hệ thầy cô giáo và học sinh của Nhà trường đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn để thực hiện sứ mệnh cao cả “trồng người”.

Với những thành quả đạt được trong quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển. Nhân dịp Kỷ niệm 60 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, Trường THPT Lương Thế Vinh sẽ long trọng tổ chức Chương trình Lễ kỷ niệm vào 2 ngày 19 và 20/11/2022, tại địa điểm số 16, đường Hùng Vương, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.

Ngày 19/11/2022.

Từ 14h-17h: Trường THPT Lương Thế Vinh sẽ tổ chức gặp mặt các thầy, cô giáo;

Từ: 20h-22h: Sẽ diễn ra Chương trình giao lưu văn nghệ "Dưới mái trường mến yêu".

Ngày 20/11/2022.

Từ 7h-8h: Sẽ tổ chức tiếp đón đại biểu.

Từ 8h-10h50: Diễn ra Lễ kỷ niệm.

Từ 10h50-11h15: Chụp ảnh lưu niệm và tham quan phòng truyền thống.

Từ 11h15 - 13h: Dự tiệc mừng.

Vươn lên từ “mưa bom, bão đạn”...

Những ngày đầu thành lập, Nhà trường chỉ có 4 lớp với 203 học sinh, trong đó có 58 học sinh chuyển từ Trường cấp 3 Quảng Bình về; đội ngũ cũng chỉ có 15 cán bộ, giáo viên, nhân viên do thầy giáo Trần Đình Côn làm Hiệu trưởng. Trong 3 năm học đầu tiên (1962-1965), mặc dù quy mô không lớn, cơ sở vật chất hết sức thiếu thốn và chịu nhiều mất mát trong hoàn cảnh chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nhưng những gì thầy trò làm được là rất đáng tự hào.

Vừa tích cực lao động xây dựng trường, lại vội vã oằn lưng “cõng trường, cõng lớp” đi sơ tán hàng chục cây số, vừa dạy học vừa chiến đấu và phục vụ chiến đấu nhưng việc dạy, việc học vẫn được duy trì và phát triển. Tiêu biểu cho thành tích học tập xuất sắc giai đoạn này là Nguyễn Bá Trinh với giải Nhất môn Toán toàn miền Bắc và nhiều giải cao khác của đội tuyển học sinh giỏi. Các thế hệ học sinh nối tiếp nhau tốt nghiệp ra trường.

Những ngày đầu thành lập, Nhà trường chỉ có 4 lớp với 203 học sinh.
Những ngày đầu thành lập, Nhà trường chỉ có 4 lớp với 203 học sinh.

Nhiều học sinh xung phong tòng quân đánh Mỹ như: Phạm Hồng Thanh, Nguyễn Ngọc Hoàn, Trần Xuân Thái, Đặng Thống… Nhiều học sinh tự nguyện ở lại quê nhà lao động sản xuất, trở thành những nhân tố tiêu biểu của hậu phương XHCN như Trần Cư, Lê Yên, Trần Thành… Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên thật sự là những tấm gương sáng toàn diện, điển hình là thầy giáo Hiệu trưởng Trần Đình Côn.

Giặc Mỹ “leo thang” bắn phá miền Bắc với quy mô và cường độ chưa từng thấy. Cả nước là một chiến trường. Đâu đâu cũng rền vang tiếng súng gầm, bom rơi, đạn nổ. Lớp lớp thanh niên lên đường, cả nước sục sôi ra trận. Đó là bối cảnh chung của thời kỳ 1965-1975 mà trường đã đi qua và viết nên bài ca Trường cấp 3 Quảng Trạch hòa cùng bản anh hùng ca đất nước.

Năm 1966, khi Trường cấp 3 Nam Quảng Trạch được thành lập, trường đổi tên thành Trường cấp 3 Bắc Quảng Trạch. Trải qua 2 lần chia tách, 2 lần chuyển trường, lăn lộn trong bom rơi, đạn nổ, diện mạo ngôi trường vẫn không hề lu mờ. Thép càng tôi càng chắc, ngọc càng mài càng sáng, trong gian nan bão tố, “trường đã lớn lên trong tình dân tình Đảng” như câu hát nổi tiếng một thời. Thầy và trò vẫn quyết tâm làm theo lời Bác dạy: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”.

Nhiều học sinh của trường đã tự nguyện ở lại quê nhà lao động sản xuất, trở thành những nhân tố tiêu biểu của hậu phương.
Nhiều học sinh của trường đã tự nguyện ở lại quê nhà lao động sản xuất, trở thành những nhân tố tiêu biểu của hậu phương.

Lớp học chia thành 2 ca học, dưới phòng chống bom bi và hầm sâu ngột ngạt với ánh đèn “phòng không” tù mù trong tiếng rít đạn bom. Ấy vậy mà mọi việc vẫn cứ trôi chảy bởi một quy trình khoa học, khẩn trương, nghiêm túc.

Có thể nói, trong giai đoạn này, trường đã minh chứng cho nguyên lý giáo dục đúng đắn của Đảng trong hoàn cảnh khắc nghiệt chiến tranh: “Học đi đôi với hành - Giáo dục kết hợp với lao động sản xuất - Nhà trường gắn liền với xã hội”. Trường hoạt động không đơn lẻ, không chỉ dạy học đơn thuần, mà nhà trường còn là công trường, là chiến trường thu nhỏ:“Thầy, trò là chiến sĩ - Dạy giỏi, học giỏi là thắng Mỹ”.

Ngoài dạy học, Trường còn gắn bó với những miền quê bằng hoạt động lao động sản xuất như nuôi bèo hoa dâu, làm ruộng cao sản, nấu dầu tràm… Một tiểu đoàn tự vệ của trường được thành lập bao gồm cả thầy và trò do thầy giáo Nguyễn Lai Tấn Thành chỉ huy để trực chiến bắn máy bay, phục vụ bộ đội chiến đấu, tham gia vận chuyển hàng ra mặt trận.

Khoảng thời gian 10 năm này, Trường đã làm nên kỳ tích rạng danh sánh vai với các điển hình tiên tiến toàn miền Bắc. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên đã về thăm trường và nêu gương cả nước. Thầy giáo Hiệu trưởng Trần Đình Côn đã được Bộ Giáo dục mời ra Hà Nội để báo cáo thành tích điển hình tại Hội nghị các trường cấp 3 tiên tiến. Thầy giáo Phạm Ngọc Căng, Bí thư Đoàn trường là đại biểu Hội nghị Bí thư Đoàn các trường cấp 3 xuất sắc toàn miền Bắc.

Ngày 30/8/1967, trường được nhận Cờ lao động XHCN của Hội đồng Chính phủ trao tại Đại hội thi đua yêu nước tổ chức. Ngày 4/1/1968. trường lại được nhận Cờ lao động XHCN của Hội đồng Chính phủ và Bằng khen của Tổng Công đoàn trao tại Phù Lưu. Có thể nói, 10 năm từ 1965 đến 1975 là thời kỳ vàng son rạng rỡ của trường, lấp lánh tấm Huân chương Lao động hạng Ba, được đề xuất phong tặng Tập thể đơn vị Anh hùng.

Trong chiến tranh, nhiều học sinh xung phong tòng quân đánh giặc Mỹ.
Trong chiến tranh, nhiều học sinh xung phong tòng quân đánh giặc Mỹ.

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, trường chuyển về tại địa điểm mới tại thị trấn Ba Đồn, trung tâm của huyện Quảng Trạch cũ. Cùng với cả nước, thầy và trò nhà trường dưới sự lãnh đạo của thầy giáo Hiệu trưởng Đặng Phàn lại một lần nữa gồng mình vượt qua lớp lớp khó khăn thử thách sau chiến tranh. Phong trào thi đua "hai tốt" lại nở rộ.

Các tập thể tổ Lao động XHCN và tập thể học sinh XHCN ngày càng nhiều. Chất lượng dạy học vươn lên tầm cao của các trường PTTH trong toàn tỉnh Bình Trị Thiên. Quy mô trường lớp phát triển mạnh, chất lượng giáo dục tiếp tục đạt được những thành quả tốt đẹp. Năm 1979, trường lại nổi lên như một “địa chỉ đỏ” về thành tích giáo dục toàn diện.

Quân khu 4 đã mở hội nghị tại trường để tuyên dương và phổ biến kinh nghiệm về công tác giáo dục an ninh quốc phòng cho các trường Cấp 3 ở miền Trung. Đồng chí Bí thư Đoàn trường Hoàng Đình Bường được mời ra Hà Nội để báo cáo điển hình tiên tiến về công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường học. Khép lại giai đoạn này là Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Trường (1982), Trường vinh dự nhận cờ đơn vị 20 năm liên tục đạt danh hiệu tiên tiến do UBND tỉnh Bình Trị Thiên trao tặng.

Tự hào là cái nôi “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” cho quê hương, đất nước

Đất nước đổi mới, mở cửa hội nhập khu vực và thế giới với xuất phát điểm thấp, mặc dù đã kết thúc chiến tranh nhưng cuộc sống vẫn ngổn ngang khó khăn, thiếu thốn. Trong hoàn cảnh ấy, chặng đường 10 năm 1982-1992, trường đã gồng mình để bám trụ, giữ vững phong trào và vươn lên với ý chí quyết tâm cao nhất. Mặc dù, gặp nhiều khó khăn do số học sinh giảm, biên chế dôi dư phải điều chuyển đi nhiều nơi, đời sống cán bộ, giáo viên gặp nhiều khó khăn nhưng trường vẫn duy trì, ổn định được nền nếp dạy học và từng bước vươn lên.

Ông Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình trao danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc cho Ban giám hiệu Trường THPT Lương Thế Vinh.
Ông Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình trao danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc cho Ban giám hiệu Trường THPT Lương Thế Vinh.

Trong 10 năm tiếp theo (1992-2002) là chặng đường mà trường ổn định tình hình mọi mặt, từng bước phát triển theo hướng toàn diện, vững chắc. Giai đoạn này, quy mô của trường liên tục phát triển, tăng gấp 3 lần so với thời kỳ trước (từ 12 lên tới 31 lớp). Theo đó, đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên (CBGVNV) cũng gia tăng lên xấp xỉ 70 người... Kết quả, 10 năm liên tục trường đạt danh hiệu Tập thể Lao động tiên tiến (LĐTT) và Lao động tiên tiến xuất sắc (LĐTTXS) cấp tỉnh. Năm 2002, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập, Trường được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Nhịp bước cùng đất nước và thời đại, đồng hành cùng GD&ĐT cả nước, những năm 2002-2012, Trường có những bước tiến vững chắc, ghi những dấu ấn lịch sử quan trọng. Đây là 10 năm phát triển liên tục với những đỉnh cao trong thành tích mang tính toàn diện bề rộng lẫn chiều sâu. Khẩu hiệu chiến lược được đề ra là: “Đổi mới – Kỷ cương – Chất lượng – Hiệu quả”.

Tất cả sự cố gắng của thầy và trò đã được đền đáp bằng những kết quả cụ thể rất đáng phấn khởi, tự hào. Quy mô Trường phát triển liên tục, có thời điểm tăng lên đến 46 lớp, trên 2 ngàn học sinh, 113 CBGVNV. Năm 2006, Trường được công nhận là trường THPT đạt chuẩn Quốc gia. 10 năm liên tục Trường đạt danh hiệu tập thể LĐTT, LĐTTXS. Năm học 2010-2011, Trường là đơn vị lá cờ đầu bậc THPT toàn tỉnh. Trường được biết đến như một “địa chỉ đỏ”, “trường chất lượng cao” trong khối THPT của tỉnh.

Năm 2012, Trường tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng các thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh; đánh dấu bước phát triển mới của nhà trường sau nữa thế kỷ xây dựng và phát triển.

Chặng đường 10 năm từ 2012 đến nay đã đánh dấu bước chuyển mình vững chắc của nhà trường trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Nhà trường đã có nhiều sáng kiến và giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học; triển khai mạnh mẽ phong trào đổi mới phương pháp dạy và học; ứng dụng CNTT trong giảng dạy và quản lý.

Cơ sở vật chất của nhà trường được đầu tư theo hướng hiện đại, đồng bộ, đổi mới. Chất lượng dạy và học có những bước phát diễn vững chắc và được duy trì thường xuyên. Kết quả thi chọn học sinh giỏi văn hoá, học sinh năng khiếu cấp tỉnh hằng năm luôn duy trì từ 60 giải trở lên. Kết quả tốt nghiệp luôn thuộc nhóm các trường có thứ hạng cao của tỉnh.

Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh khai giảng năm học mới 2022-2023.
Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh khai giảng năm học mới 2022-2023.

Năm 2022, có 1 học sinh là thành viên chính thức đội tuyển học sinh giỏi quốc gia. Nhà trường đã đẩy mạnh công tác giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đạo đức, giáo dục truyền thống và pháp luật cho học sinh. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện và an toàn, trở thành địa chỉ tin cậy của phụ huynh và học sinh địa bàn phía Bắc tỉnh Quảng Bình.

Nhà trường liên tục được công nhận là Tập thể lao động xuất sắc cấp tỉnh, được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng cờ “Đơn vị thi đua xuất sắc” năm học 2014-2015; được UBND tỉnh Quảng Bình tặng cờ thi đua xuất sắc trong phòng trào Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc năm 2016 và 2017. Đặc biệt, năm học 2019-2020, Trường được Chính phủ tặng cờ “Đơn vị xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua”. Năm học 2021-2022, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng cờ “Đơn vị xuất sắc dẫn đầu cấp học”.

Do điều chỉnh địa giới hành chính huyện Quảng Trạch và thành lập thị xã Ba Đồn, ngày 16/4/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã kí Quyết định đổi tên Trường THPT số 1 Quảng Trạch thành Trường THPT Lương Thế Vinh. Nhà trường rất vinh dự và tự hào khi được mang tên danh nhân Lương Thế Vinh – nhà Toán học, nhà chính trị, nhà thơ Việt Nam nổi tiếng thời Lê Sơ – người được dân gian ca tụng về lòng yêu nước, sự thông minh và tài trí hơn người.

Anh Nguyễn Xuân Đức, cựu học sinh khoá 1974 - 1977 trao tặng quỹ Khuyến học trị giá 1 tỷ đồng cho Nhà trường.

Anh Nguyễn Xuân Đức, cựu học sinh khoá 1974 - 1977 trao tặng quỹ Khuyến học trị giá 1 tỷ đồng cho Nhà trường.

Với sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ thầy cô giáo và học sinh, năm 2022, Trường được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Đây là phần thưởng cao quý, khẳng định những thành quả mà các thế hệ thầy giáo, cô giáo, cán bộ nhân viên và học sinh nhà trường đã nỗ lực cố gắng trong suốt 60 năm qua.

Trải qua 60 năm phấn đấu và trưởng thành, Trường THPT Lương Thế Vinh đã có những đóng góp quan trọng trong công tác “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” cho quê hương, đất nước. Từ mái trường này, hơn 20 ngàn học sinh đã tốt nghiệp ra trường tỏa về mọi nẻo đường của Tổ quốc thân yêu, cống hiến, thành đạt trên khắp các lĩnh vực.

Có học sinh là Ủy viên Trung ương Đảng, cán bộ cấp tướng trong Quân đội. Có người là Giáo sư - Tiến sỹ - Nhà giáo nhân dân. Hàng trăm người được phong học hàm Giáo sư, Phó giáo sư, được công nhận học vị Tiến sỹ. Hàng trăm người giữ các cương vị lãnh đạo chủ chốt từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh, huyện. Rất nhiều người là những doanh nhân thành đạt.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Bình trao danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở cho giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh dịp khai giảng năm học mới 2022-2023.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Bình trao danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở cho giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh dịp khai giảng năm học mới 2022-2023.

Có thể kể một vài học sinh thành đạt tiêu biểu như: đồng chí Trần Hòa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Phạm Hồng Thanh, Trung tướng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị; đồng chí Nguyễn Thế Lực, Trung tướng, Nguyên Chánh Văn phòng Quân ủy Trung ương.

GS-TS-NGND Trần Nghi, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội; TS. Nguyễn Thị Nghĩa, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; anh Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT; đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; anh Nguyễn Xuân Đức, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc khách sạn Hoàng Cung nổi tiếng ở TP. Huế, anh Đặng Xuân Huề, Chủ tịch HĐQT Công ty CP xuất nhập khẩu Quảng Bình…

Và nhiều anh chị khác đã và đang góp phần tôn vinh truyền thống dạy tốt, học tốt của nhà trường. Có thể nói, dù ở cương vị nào, lĩnh vực nào, các thế hệ học sinh của trường đều là những công dân ưu tú, uy tín và đầy trách nhiệm, xứng danh là những người con của đất Quảng Bình anh hùng.

Dệt nên bề dày thành tích và truyền thống của nhà trường, công lao trước hết thuộc về sự tâm huyết, sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ quản lý, các thầy cô giáo cho sự nghiệp trồng người, sự say mê học tập của các thế hệ học sinh.

Các thế hệ học sinh của nhà trường ghi nhớ công lao, sự đóng góp to lớn của các thầy cô giáo: Trần Đình Côn, Phạm Ngọc Căng, Đặng Phàn, Nguyễn Minh Châu, Hoàng Đình Bường, Nguyễn Thị Liên và nhiều thầy cô giáo khác. Hình ảnh những người thầy tài hoa, uyên bác về trí tuệ, sáng ngời nhân cách, giàu lòng thương yêu học sinh mãi không phai mờ ký ức các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh của nhà trường.

Phát huy truyền thống 60 năm xây dựng và phát triển, Trường THPT Lương Thế Vinh sẽ tiếp tục giữ vững và phát huy những thành quả đã đạt được, giữ vững danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc, phát huy hơn nữa truyền thống tự lực, tự cường; khắc phục khó khăn, đoàn kết, tiếp tục thi đua “đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, xứng đáng với niềm tin của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, của ngành giáo dục và nhân dân tỉnh Quảng Bình.

Bước vào giai đoạn phát triển mới, trong bối cảnh mới với nhiều thời cơ và thách thức đan xen, để đáp ứng kì vọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền và phụ huynh, học sinh và các thế hệ đi trước, tập thể sư phạm nhà trường sẽ tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống 60 năm.

Với tinh thần đoàn kết, nhiệt tình, trách nhiệm và lòng yêu nghề, vì thế hệ trẻ, phát huy nội lực, tranh thủ sự quan tâm, phối hợp của các lực lượng trong và ngoài nhà trường để tiếp tục xây dựng Trường THPT Lương Thế Vinh trở thành trường trọng điểm chất lượng cao, địa chỉ tin cậy, điểm sáng của ngành Giáo dục Quảng Bình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ