Xuất khẩu lao động, du học tại Nghệ An: “Đóng băng” chờ hết dịch

Xuất khẩu lao động, du học tại Nghệ An: “Đóng băng” chờ hết dịch

Nhiều lao động mắc kẹt, khó xuất cảnh

Tốt nghiệp THPT, Nguyễn Thị Quỳnh (19 tuổi, quê huyện Diễn Châu, Nghệ An) đăng ký tư vấn xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Đức theo ngành điều dưỡng tại Công ty TNHH Văn Minh. Nếu thuận lợi, sau khi thi đạt chứng chỉ B1 tiếng Đức, Quỳnh sẽ hoàn thiện hồ sơ xin visa để xuất cảnh. Tuy nhiên ra Tết, dịch bùng phát, kế hoạch đi XKLĐ của cô gái trẻ cũng bị hoãn lại.

“Theo lịch, từ 6 - 10/4, em và các bạn trong lớp sẽ ra Hà Nội thi chứng chỉ B1 tiếng Đức. Nhưng do cách ly xã hội nên lịch thi lùi lại vào ngày 26/4 tới đây. Giờ nghe thông tin Hà Nội có thể cách ly đến 30/4 thì không biết đến bao giờ em mới được thi. Em cũng được biết Đức đã dừng cấp thị thực 1 tháng, nhưng nếu dịch vẫn tiếp tục thì khả năng sẽ ngừng cấp dài hạn. Tình hình này đến cuối năm hoặc sang năm sau em mới bay được”, Quỳnh nói.

Tháng 3 - 4 được xem là thời điểm nhộn nhịp nhất trong năm của các công ty XKLĐ tại Nghệ An. Điều này liên quan đến quá trình chuẩn bị cho lao động học ngoại ngữ, hoàn thiện hồ sơ, visa… để xuất cảnh. Tuy nhiên, hiện hoạt động của các công ty này gần như đóng băng khi dịch Covid-19 bùng phát. Trong quý I năm 2020 có hơn 2.500 lao động Nghệ An đã xuất cảnh, bằng 1/5 kế hoạch đề ra.

Công ty CP quốc tế Kaizen (TP Vinh, Nghệ An), chuyên đưa người đi XKLĐ tại Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia, Dubai, Angieri. Bà Trịnh Thị Huyên - Chủ tịch Hội đồng kiêm Tổng Giám đốc công ty này cho biết: “So với cùng kỳ năm ngoái, số lao động đến công ty để tư vấn giảm từ 70 - 80%. Thậm chí có ngày không có lao động nào đến xin tư vấn. Đây là giai đoạn khó khăn nhất của chúng tôi kể từ ngày thành lập”. Cũng do lệnh cấm nhập cảnh của nhiều quốc gia nên hiện công ty Kaizen có gần 60 lao động đã xin được visa cũng chưa thể xuất cảnh.

Hằng năm, vào dịp này Công ty CP thương mại Phúc Chiến Thắng (TP Vinh) đưa khoảng 50 – 60 lao động xuất cảnh. Mỗi tháng có hơn 100 người đến đăng ký tư vấn XKLĐ. Nhưng năm nay số lượng giảm xuống còn 15 – 20% so với cùng kỳ năm trước. Hiện đang thực hiện cách ly xã hội toàn quốc thì hoạt động công ty càng khó khăn hơn.

Theo ông Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An: “Khi dịch bệnh được đẩy lui, nhu cầu lao động từ các nước đối tác sẽ tăng cao để phát triển sản xuất, khôi phục nền kinh tế. Để thúc đẩy công tác XKLĐ, sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị phối hợp với các địa phương làm tốt công tác dự báo, tiếp tục hoạt động tư vấn, tuyển dụng bằng hình thức online. Có các phương án kích cầu, tăng cường các công cụ giới thiệu, hỗ trợ lao động tìm kiếm việc làm. Qua đó đáp ứng nguồn nhân lực cho thị trường lao động khi hoạt động trở lại”.

Công ty tư vấn du học “khó càng thêm khó”

Liên quan đến việc nhiều quốc gia tạm dừng cấp thị thực, cấm nhập cảnh, các công ty tư vấn du học tại Nghệ An cũng ảnh hưởng nặng nề. Vì thông thường, thời gian nhập học của du học sinh sẽ chia làm 2 đợt chính vào tháng 2 - 3 và tháng 9 - 10 hàng năm. Với học sinh Việt Nam, sau khi tốt nghiệp THPT vào tháng 6, nhiều bạn không kịp chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nhập học mùa thu nên chủ yếu bay vào thời điểm ra Tết.

Ông Nguyễn Hải An - đại diện Công ty Cổ phần Viet One Nghệ An cho biết: Tháng trước, công ty có 3 học sinh đã có visa sang Hàn Quốc – nếu không kịp xuất cảnh, các bạn sẽ chậm nhập học. Để bảo đảm quyền lợi cho học sinh, công ty đã liên hệ với trường cao đẳng bên Hàn Quốc cấp giấy bảo lãnh. Đồng thời mua vé máy bay quá cảnh tại Bangkok (Thái Lan) sang Hàn Quốc, vì thời điểm đó Việt Nam không có chuyến bay sang Hàn Quốc nữa. 

Cũng để tránh việc học sinh di chuyển bằng xe khách nguy hiểm, công ty cử người lái xe đưa học sinh từ Nghệ An ra sân bay Nội Bài. Sang Hàn Quốc, các bạn cũng thực hiện cách ly 14 ngày theo quy định và hiện đã nhập học xong. Tuy nhiên, từ đó đến nay, công ty không đưa thêm học sinh nào xuất cảnh. Số học sinh đến tư vấn và đăng ký học ngoại ngữ giảm mạnh. Nhân viên tư vấn, giáo viên công ty cũng tạm nghỉ làm việc tại văn phòng, nhưng được khuyến khích làm việc bằng các hình thức trực tuyến…

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà – Trưởng phòng Giáo dục Chuyên nghiệp – Giáo dục Thường xuyên, Sở GD&ĐT Nghệ An: Hoạt động của các công ty tư vấn du học trên địa bàn tỉnh vốn đã khó nay càng khó hơn. Nếu như năm 2018, các công ty tại Nghệ An đưa được 1.248 học sinh đi du học thì năm 2019 con số này giảm xuống còn 850. Trong đó có tới 14 công ty không đưa được học sinh nào đi du học. 

Xuất khẩu lao động được xem là hướng “mũi nhọn” trong giải quyết việc làm cho lao động của Nghệ An. Theo Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, năm 2020, tỉnh đặt mục tiêu đưa 13.000 lao động đi XKLĐ nước ngoài. Bên cạnh các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… Nghệ An cũng hướng tới mở rộng thị trường lao động có yêu cầu cao, thu hút nhiều hơn nguồn ngoại tệ cho tỉnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ