Ngay từ khi loại virus máy tính đầu tiên trên thế giới xuất hiện, cần phải có những “vật trung gian” để có thể lây nhiễm từ máy tính này sang máy tính khác.
Ban đầu, các loại virus được phát tán thông qua đĩa mềm. Từ khi có sự xuất hiện của Internet giúp cho việc phát tán virus trở nên nhanh chóng hơn và phạm vi ảnh hưởng rộng lớn hơn.
Tuy nhiên, nhìn chung các loại virus máy tính từ trước đến nay đều chỉ phát tán được nếu giữa các máy tính có sự kết nối với nhau, từ cách thức kết nối trực tiếp qua mạng LAN hay Internet, đến cách thức kết nối trung gian qua các thiết bị lưu trữ gắn ngoài như đĩa mềm, USB hay thẻ nhớ…
Mới đây, các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Liverpool (Anh) đã tạo ra thành công một loại virus mãy tính đầu tiên có khả năng… phát tán qua không khí, thông qua các điểm phát sóng Wifi, tùy thuộc vào khoảng cách giữa máy tính đã bị nhiễm virus đến máy tính chưa bị lây nhiễm.
Các điểm truy cập Wifi (Wifi Access Point) từ lâu vốn được xem là một điểm yếu trong mạng lưới, thường không được quan tâm đúng mức về mức độ bảo mật, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có một loại virus nào có thể tấn công vào một mạng Wifi.
Loại mã độc với tên gọi “Chameleon” thì khác, thay vì tấn công trực tiếp vào máy tính, Chameloen lại tấn công vào các điểm truy cập (Access Point) dùng để kết nối mạng Wifi. Một khi Chameleon hoàn tất tất công một điểm truy cập, nó sẽ thu thập và báo cáo thông tin những thiết bị đang kết nối với mạng lưới Wifi đã bị lây nhiễm này.
Chameleon thậm chí còn có thể xác định được điểm yếu bảo mật trong mạng Wifi để nhanh chóng lây lan và phát tán đến các điểm truy cập khác có trong phạm vi. Chẳng hạn khi tấn công vào một điểm truy cập đã được mã hóa hoặc được bảo vệ bằng tường lửa, chúng có thể di chuyển sang một điểm truy cập khác dễ bị tổn thương hơn để tấn công.
Theo các nhà nghiên cứu, giống như virus trên con người, việc phát tán và lây nhiễm mã độc Chameleon diễn ra nhanh hơn ở những khu vực có nhiều điểm truy cập để phát sóng Wifi.
“Khi Chameleon tấn công một điểm truy cập Wifi (Access Point), nó không làm ảnh hưởng đến cách thức hoạt động, nhưng có thể thu thập và gửi báo cáo về máy chủ từ xa các thông tin của tất cả những người dùng kết nối vào mạng Wifi này”, Alan Marshall, Giáo sư ngành mạnh máy tính của Đại học Liverpool cho biết. “Virus sau đó tìm ra những điểm truy cập Wifi khác mà nó có thể kết nối và lây nhiễm.
Đặc biệt, cách thức tấn công và phát tán của Chameleon có thể qua mặt tất cả các phần mềm bảo mật hiện có trên máy tính, vốn chỉ có chức năng bảo vệ máy tính khỏi mã độc lây nhiễm từ thiết bị gắn ngoài hoặc từ Internet, chứ chưa có chức năng bảo mật lây nhiễm mã độc thông qua mạng Wifi.
Rất may hiện tại Chameleon mới chỉ dừng lại ở phòng thí nghiệm và chưa có bất kỳ một loại mã độc nào có chức năng tương tự được phát tán.
Tuy nhiên các nhà khoa học cho biết các hacker hoàn toàn có thể áp dụng cách chức này để phát tán mã độc và các nhà bảo mật cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống xảy ra.
Theo Dân trí