Mỗi chuyến đi – thêm quyết tâm về đổi mới giáo dục
Thưa Bộ trưởng, thời khắc xuân mới người ta hay “ôn cố tri tân”, nhìn lại cả quãng đường của năm cũ vừa đi qua. Vậy cá nhân Bộ trưởng tâm đắc điều gì nhất trong năm 2013?
- Đó là sự đồng thuận, đồng lòng của giáo viên, các nhà quản lý, của các em học sinh - sinh viên, của mỗi gia đình và của toàn xã hội cho những bước đi đổi mới của giáo dục.
Để thấy rằng dù kinh tế còn khó khăn, dù cuộc sống nhiều bộn bề lo toan, nhưng giáo dục vẫn nhận được sự quan tâm và ưu tiên của toàn Đảng, toàn dân.
Chính vì vậy nên với tôi, dấu ấn của năm 2013 là Nghị quyết đổi mới căn bản và toàn diện GD – ĐT được Ban Chấp hành Trung ương thông qua tại Hội nghị lần thứ 8 vừa qua.
Với sự thống nhất “ý Đảng lòng dân”, chúng ta sẽ khẩn trương triển khai đưa Nghị quyết vào cuộc sống, để sớm đào tạo ra các thế hệ người lao động Việt Nam mới đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới.
Năm 2013 cũng để lại trong tôi niềm vui “thi cử”. Trong bảng xếp hạng "Chương trình đánh giá học sinh quốc tế"- PISA của Hiệp hội các nước phát triển (OECD), Việt Nam đã được xếp ở thứ hạng cao mặc dù năng lực kinh tế thấp so với các nước.
Điều quý giá hơn là khi tham gia vào PISA, chúng ta học tập được rất nhiều về cách xây dựng đề kiểm tra đánh giá năng lực của người học, kỹ thuật thiết kế phiếu hỏi, kỹ thuật chọn mẫu, chấm bài, nhập dữ liệu, phân tích dữ liệu và xây dựng báo cáo… để đổi mới thi cử, kiểm tra đánh giá trong hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay. Những điều này phục vụ thiết thực cho công cuộc đổi mới giáo dục mà ta đang tiến hành.
Qua theo dõi tình hình giáo dục, chúng tôi thấy Bộ trưởng có nhiều chuyến đi đến các nơi, từ Nam chí Bắc, từ trong nước đến nước ngoài. Vậy nếu hỏi ông nhớ đến chuyến đi nào nhất của năm 2013, ông sẽ nói đến địa danh nào?
- Bản Khoang! Nói đến năm 2013 là tôi nghĩ đến Bản Khoang với biết bao điều kỳ diệu. Trong tang thương đổ nát, lại lấp lánh phép nhiệm màu. Đó là một cô giáo mang thai 7 tháng bị lũ cuốn tưởng đã bị đá đè chết, hông loét một miếng to, xây xát đầy người, nhưng bụng không sao, gần đây đã sinh một cháu trai khỏe mạnh. Trong cái chết cận kề vẫn có mầm sống mạnh mẽ vươn lên.
Khi tôi lên Bản Khoang, tôi vẫn thấy hiện lên rất rõ sự lo lắng, bàng hoàng của các thầy cô giáo trước sức mạnh tàn phá của thiên nhiên. Nhưng các thầy cô vẫn siết chặt đội ngũ, lo dọn dẹp nhà trường để sớm khai giảng.
Khi nói chuyện với tôi, luôn chỉ có một chủ đề: Làm sao để các cháu không bỏ học và sớm đến trường. Không hề có một lời kêu ca, than vãn hay đề nghị gì cho riêng mình. Tôi không thể quên được Bản Khoang.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lội bùn trèo đá đến hiện trường nhà công vụ bị lũ quét ở Bản Khoang (9/2013). Ảnh: Phương Đông |
Lắng nghe, tận dụng tất cả những ý kiến đa chiều
Cho dù bất cứ công việc gì, sự đoàn kết, đồng thuận được coi là yếu tố tiên quyết để tạo nên thành công. Đây có phải là điều ông mong muốn nhất trước khi bước vào cuộc đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT?
- Đúng vậy. Trong nhân dân ta có câu: Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong. Bác Hồ căn dặn chúng ta: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công.
Ngành Giáo dục chúng tôi rất cần sự chia sẻ và tin tưởng. Tôi dùng hình ảnh trận đánh lớn để nói đến lực lượng bao gồm nhiều binh chủng phối hợp hành động, đánh nhiều chiến dịch với nhiều mục tiêu.
Theo tôi, mục tiêu cuối cùng của giáo dục là phải nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Cũng như trong quân sự, để giải quyết mục tiêu cần đánh nhiều trận, bằng nhiều lực lượng theo một sự chỉ huy thống nhất. Và điều quan trọng nhất là bước vào một trận đánh lớn, từ tướng lĩnh đến người chiến sĩ đều phải tin vào chiến thắng.
Giáo dục luôn là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan đến mọi gia đình và khi có điểm mới, có thay đổi thì ngay lập tức có nhiều ý kiến nổi lên. Bộ trưởng đón nhận các luồng ý kiến này như thế nào?
- Nguyên tắc của tôi là lắng nghe tất cả những ý kiến đa chiều để phân tích xử lý. Chúng tôi có một bộ phận chuyên lắng nghe dư luận trên báo và các kênh thông tin.
Cá nhân tôi thường xuyên tiếp xúc (trực tiếp hoặc qua thư, qua email) với các nhóm khác nhau. Trong lịch làm việc của mình, tôi luôn cố gắng chủ động thu xếp để có thể tiếp xúc với các nhóm chuyên gia, phụ huynh, học sinh, người trong nước, người nước ngoài… để trao đổi công việc của Ngành, bàn về những nội dung đổi mới.
Những thông tin trên các kênh khác nhau, bài nào khen đọc xong có khi tôi không nhớ, nhưng bài nào chê đích đáng, tôi hệ thống lại (theo từng chủ đề, từng “tác giả”), lưu trữ và đọc kỹ.
Trước đây tôi mang về nhà để đêm đọc. Đọc rồi thì trằn trọc không ngủ được. Sau rút kinh nghiệm, tôi thường mang theo các tài liệu này trong các chuyến công tác để mang ra đọc trên máy bay, vào thời gian rảnh rỗi hoặc lúc không ngủ được do chênh lệch múi giờ.
Có thể nói các quyết định của chúng tôi năm vừa qua được hình thành một phần nhờ kênh thông tin từ truyền thông và thư từ chúng tôi nhận được.
Trước thềm năm mới, người ta hay dự đoán bức tranh tương lai. Với Bộ trưởng, hình dung về năm 2014 và những năm sắp tới của Giáo dục Việt Nam sẽ là…
- Năm mới 2014 sẽ có sự đổi mới. Bắt đầu bằng việc đổi mới nhận thức về giáo dục và tư duy về cách làm giáo dục sau khi chúng ta quán triệt, học tập nghị quyết của Đảng. Sau đó sẽ là sự vào cuộc ngày càng mạnh mẽ của ngành Giáo dục, của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội trên tất cả các lĩnh vực, ở tất cả các ngành, các cấp.
Tôi tin rằng sự thay đổi đó sẽ tạo dựng một thế hệ người lao động Việt Nam mới trẻ trung, tự chủ, tự tin, biết trình bày diễn đạt và bảo vệ ý kiến của mình, đồng thời có khả năng lắng nghe tiếp thu cái hay, cái tốt của đồng nghiệp, của bạn học, của những người xung quanh, có kiến thức và kỹ năng lao động trong điều kiện cạnh tranh và hội nhập.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!