Trong những năm gần đây, khi kinh tế phát triển, giao lưu hội nhập kinh tế, văn hóa - xã hội với thế giới thì không chỉ du khách trong nước mà cả du khách nước ngoài bắt đầu đổ xô đến các bãi biển đẹp để du lịch, vui chơi, nghỉ dưỡng. Chính điều này đã mang lại nguồn thu ngân sách lớn cho các địa phương có biển và kéo theo đó là sự phát triển, thay da đổi thịt từng ngày của mảnh đất này.
Bên cạnh một số địa phương khai thác hiệu quả, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân địa phương, doanh nghiệp và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thì vẫn còn một số địa phương chưa làm tốt việc phát triển du lịch, dịch vụ gắn với việc nâng cao đời sống nhân dân. Minh chứng cụ thể đó là tình trạng nhiều nơi vẫn phân lô và “giao trắng” cho doanh nghiệp du lịch tự do, tùy khai thác các bãi biển mà không tính đến quyền lợi, cuộc sống của người dân địa phương đã xảy ra ở Đà nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận...
Thường thì khi đã có quyết định cho thuê bãi của chính quyền, các doanh nghiệp tiến hành rào chắn toàn bộ phần đất được chính quyền cho thuê để xây dựng, kinh doanh dịch vụ. Do đó, một số nơi xuất hiện tình trạng du khách, người dân địa phương muốn tắm biển thì phải sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp thuế mặt bằng này, thường là với giá “cắt cổ”, nếu không sử dụng dịch vụ thì không có chổ để tắm biển, vui chơi! Nhiều nơi còn doanh nghiệp thu phí hoặc phải “xin phép” mới được tắm, vui chơi trên các bãi biển mà họ quản lý!
Nghiêm trọng hơn là tình trạng bít lối, chặn đường xuống biến khiến ngư dân gặp rất nhiều khó khăn để mưu sinh. Nhiều nơi ngay cả người dân địa phương ra biển để đánh bắt cá cũng không có lối đi do bị các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng chặn lối, nên họ buộc phải đi vòng khá xa mới có lối ra biển. Thậm chí do khó khăn trong việc tìm lối ra biển, bảo quản tài sản như tàu thuyền, ngư lưới cụ... mà nhiều ngư dân đã bỏ nghề đi biển, chuyển sang làm nghề khác.
Tài nguyên thiên nhiên, danh lam thắng cảnh là tài sản chung, công cộng, vì vậy dù có giao cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thuê mặt bằng khai thác nhưng phải đảm bảo quyền của người dân được vui chơi, nghỉ dưỡng trên các bãi biển. Doanh nghiệp chỉ thuê mặt bằng, kinh doanh dịch vụ trên bờ, còn bãi biển thì không được thuê, người dân có quyền tắm biển, vui chơi nghỉ dưỡng nếu có nhu cầu ở bất kỳ bãi biển nào và phải đảm bảo lối ra biển hợp lý.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần ngăn chặn tình trạng tùy tiện phân lô “bán” bãi biển ở một số địa phương. Đồng thời, có thể quy định cứng là không quá 100m phải để một lối đi ra biển để người dân khai thác thủy sản, vui chơi, giải trí. Điều này không những ảnh hưởng bảo vệ quyền được tắm biển, vui chơi, nghỉ dưỡng của mọi người mà còn đảm bảo đời sống, sinh hoạt bình thường của người dân ở các địa phương có các bãi biển đẹp./.