(GD&TĐ) - Mấy ngày qua, dư luận xôn xao về một cô dâu Việt Võ Thị Minh Phương lấy chồng Hàn, đã ôm hai con nhảy lầu tự tử. Đây là một bi kịch đau lòng khiến nhiều người xót xa. Lấy chồng 8 năm, sinh được 2 con kháu khỉnh nhưng hàng ngày phải chịu cảnh “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” của chồng và gia đình chồng nên chị Phương quẫn bách tìm đến cái chết. Phụ nữ đi làm dâu nơi xứ người chịu rất nhiều áp lực, tiếng không biết, bơ vơ nơi xứ lạ, không người thân, một xã hội khác biệt, bảo sao nhiều người phải chọn những cái chết bi thương khi bế tắc, cùng quẫn. Đây cũng là bài học đau lòng đối với những phụ nữ ước mơ lấy chồng nước ngoài để đổi đời.
Câu chuyện phụ nữ đi làm dâu xứ người bị bạo hành đã diễn ra nhiều năm nay. Năm 2008, một phụ nữ khác đã nhảy từ trên tầng cao của tòa chung cư vì bị chồng và mẹ chồng lạm dụng. Năm 2010, một phụ nữ Việt khác bị chồng giết chỉ một tuần sau khi họ kết hôn. Tháng 5/2011, một người chồng Hàn Quốc là nông dân đã đánh vợ gốc Việt tới chết khi đứa con 19 ngày tuổi của họ đang nằm cạnh người vợ. Và ngày 23/11 vừa qua, tin tức về những cô dâu Việt ở xứ người bị chồng giết, bị nhà chồng bạo hành tới mức phải chọn cái chết để giải thoát lâu lâu lại thổi bùng sự phẫn nộ và xót thương trong dư luận.
Và rồi không biết ngày mai, có biết bao nhiêu cô gái quê sắp hàng dài, thậm chí khỏa thân để cho đàn ông xứ khác đến chọn làm vợ với mong ước có một cuộc sống ở nước ngoài sung sướng. Nhiều em gái mới lớn, học hành không đến nơi đến chốn, nhìn những bộ phim Hàn rồi mong ước cuộc đời mình cũng sướng như tiên vì thế gật đầu cho người ta làm mai đi lấy chồng Hàn. Khác xa với mơ ước đổi đời, rất nhiều cô dâu Việt bị gia điình chồng trút lên vai gành nặng, rồi nhiều kết cục đau lòng xảy ra.
Thạch Thị Hồng Ngọc, cô dâu bị chồng người Hàn Quốc đánh chết. Ảnh do gia đình cung cấp. |
Tổng hợp số liệu từ các Sở Tư pháp cho thấy, từ năm 2006 đến nay, tại đồng bằng sông Cửu Long có đến 70.000 cô gái lấy chồng Đài Loan và Hàn Quốc. Chỉ riêng ở Hàn Quốc, con số phụ nữ Việt làm dâu đã lên tới 45.000 người, chưa kể những quốc gia khác, tổng cộng lại, con số này còn lớn tới đâu.
Có lẽ phong trào làm dâu xứ người bắt đầu từ sự nghèo. Xót xa thay những câu chuyện đau lòng ấy thường xảy ra ở những vùng quê nghèo. Nhiều cô gái phải chọn cách “đổi đời” đầy may rủi và đắng cay. Từ trước đến nay, số phận các cô dâu Việt nơi xứ người thường may ít rủi nhiều.
Sau khi sự việc đau lòng xảy ra, chỉ còn lại đó nỗi đau của những bậc làm cha làm mẹ. Gả con cho người nước ngoài ai cũng mong muốn con mình được hạnh phúc, sung sướng. Đây cũng một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng "mua bán" cô dâu phổ biến và vô số mặt trái của thảm kịch làm dâu xứ người. Đây cũng là bài học đau lòng đối với những phụ nữ ước mơ lấy chồng nước ngoài để đổi đời. Bởi thực tế không phải ai cũng sống hạnh phúc, giàu có mà rất nhiều trường hợp lấy chồng nước ngoài không hạnh phúc hoặc bị ngược đãi, hành hạ phải bỏ mạng nơi xứ người.
Vấn đề đang được quan tâm là trong cơn sốt hôn nhân nước ngoài hiện nay, làm thế nào để hạn chế tình trạng bị ngược đãi hoặc có thể tìm được cuộc sống hạnh phúc trong môi trường mới? Mỗi ngày, báo chí lại đưa tin, cô dâu Việt ở nước A, nước B bị bạo hành, bị giết chết, bị buộc phải ôm theo cả con nhảy lầu tự tử…Làm thế nào để tình trạng này ngưng tiếp diễn là câu hỏi bức xúc đang được đặt ra.
Đăng Huyền