(GD&TĐ) - Vợ chồng ăn ở với nhau dù có yêu nhau nhiều đến mấy cũng không tránh được những mâu thuẫn, cãi vã. Cãi nhau nhỏ thì có thể chỉ gây ra giận dỗi, hiểu lầm nhau một chút xong rồi đâu lại vào đấy. Nhưng nếu cãi nhau to thì có thể dẫn đến xô xát và việc xưng hô với nhau không đứng mực sẽ gây mâu thuẫn.
Chị Tuyến (Hà Nội) vẫn nhớ mãi trận cãi vã với chồng cách đây mấy tuần. Vợ chồng chị cưới nhau được hơn 3 năm. Bình thường, hai người thường xưng hô rất tình cảm là "anh", "em" hay gọi nhau "chồng ơi", "vợ ơi". Vốn tính yếu đuối, thường cứ to tiếng với nhau được một lúc, Tuyến đã nước mắt ngắn, nước mắt dài nên ông xã cũng chẳng to tiếng được nữa.
Thế nhưng, hôm vừa rồi, hai vợ chồng bàn nhau chuyện cho con về quê chơi với ông bà nội dài ngày, Tuyến đề xuất cho con về cả quê ngoại thì bị chồng gạt đi. Tranh luận một hồi, chồng Tuyến bỗng chuyển sang giọng gay gắt, buông lời đụng chạm tới bố mẹ vợ.
Cảm thấy bị xúc phạm, Tuyến không khóc như mọi lần mà đanh mặt nhìn thẳng chồng thách thức: "Anh vừa nói gì? Anh nói lại tôi nghe xem nào". Lúc này, anh chồng cũng đã bốc hỏa lên đầu, xưng ngay "tôi" "cô" và cuộc cãi vã kết thúc bằng việc chồng Tuyến phóng xe ra đường còn cô thì ôm mặt khóc. Chưa hết, hai người còn chiến tranh lạnh hằng tuần sau đó.
"Nghe tiếng “cô – tôi” thấy sao mà lạnh lẽo, xa cách thế. Khi ấy, mình cảm giác hai vợ chồng như hai kẻ thù địch với nhau ấy.", chị Tuyến tâm sự.
Với Thư, lấy chồng, cô luôn kỳ vọng chồng sẽ nhớ từng ngày kỷ niệm của hai đứa, muốn đi đâu cũng có chồng làm “xe ôm” (mua sắm, ăn hàng, thăm gái đẻ...), muốn chồng phải răm rắp nghe lời vợ, không được cãi. Thế nhưng càng hy vọng bao nhiêu thì chồng Thư càng ì ạch bấy nhiêu. Những dịp bị chồng quên quà cáp hay câu chúc mừng, Thư ức chế đến phát khóc nhưng cũng nhanh chóng bỏ qua vì “không chấp” tính khô khan của chồng mình.
Chỉ có hôm trước, Thư nhờ chồng quét đám mạng nhện trên trần nhà nhưng chồng Thư “mặt sưng mày sỉa”, mắng vợ chỉ biết “sai chồng như thằng ở” rồi “đày đọa, làm khổ chồng”; sau đó, anh nhất định không làm mà vác xe đi chơi.Nửa đêm, chồng Thư mới “thò” về và bị vợ ném cho toàn những lời “độc địa”. Hai vợ chồng cãi nhau liên miên, Thư được thể trách chồng chỉ biết có chơi rồi về nhà là nhởn nhơ như “ông hoàng”, không sắn tay áo giúp vợ được việc gì. Còn chồng Thư cũng “gân cổ” quát vợ chỉ giỏi cằn nhằn, sai khiến chồng chứ chẳng đảm đang, chu đáo như vợ người ta...
Bây giờ vợ việc vợ, chồng việc chồng vì dỗi nhau. Thư vẫn cơm nước cho chồng nhưng hễ chồng ngồi vào mâm là cô đi vào nhà tắm, bao giờ chồng đứng dậy khỏi mâm cơm mới đến lượt vợ. Cái giường ngủ tuy vẫn chung nhau nhưng Thư toàn chủ động lên giường từ lúc 9h, còn chồng muốn khi nào đi ngủ thì tùy... Sáng ra, Thư cũng dậy sớm, đánh răng rửa mặt rồi đến chỗ làm ăn sáng, “mặc xác” chồng.
Trong cuộc sống vợ chồng hiện đại, cả hai đều bình đẳng, không ai lệ thuộc ai thì sự tranh cãi là điều khó tránh khỏi. Vấn đề là làm thế nào để có phương pháp an toàn, không quá đà đến mức phải giải quyết thắng thua bằng vũ lực. Các nhà tâm lý đã đề xuất mấy phương pháp sau:
Một là, khi vợ chồng cãi nhau phải cố gắng gạt ra ngoài ý định chiến thắng. Bởi nếu bạn thắng có nghĩa là chồng (vợ) bạn lại thua. Như vậy còn vui vẻ gì nữa. Vì thế, điều quan trọng, quý giá và cao thượng là gia đình không ai thắng cũng không ai thua. Muốn vậy, bạn hãy thay đổi mục đích cuộc cãi cọ, không quyết thắng mà cùng trao đổi một cách khách quan, vô tư, xem nguyên nhân nào khiến hai người xích mích.
Hai là, khoanh vùng phạm vi tranh cãi hẹp đến mức tối thiểu. Nghĩa là nếu xung đột về cái gì thì chỉ nói về nó, không để ngọn lửa chiến tranh lan sang các thứ khác. Càng không nên moi móc quá khứ của nhau ra tìm những kém cỏi từ ngày xửa, ngày xưa.
Ba là, không nên dùng lời lẽ xúc phạm đến những điều hệ trọng như nhân cách, bố mẹ, uy tín, nghề nghiệp của nhau. Phải dùng những lý lẽ sao cho dễ hiểu, dễ thông cảm bằng một thái độ hòa nhã. Cần tránh tức giận, bởi giận quá sẽ mất khôn.
Bốn là, cần tỉnh táo nhận ra cái sai của mình. Nếu chúng ta cãi nhau với một kẻ mà không phân biệt được đúng sai thì khác gì nói với củ chuối. Điều quan trọng là biết làm lành và xoa dịu. Đó là văn hóa của sự tranh cãi.
Linh Linh