Xếp lương theo trình độ: Giáo viên mới ra trường tăng thu nhập

GD&TĐ - Cử tri thành phố Hải Phòng cho biết: Thực hiện Luật Giáo dục năm 2019, lương giáo viên được điều chỉnh theo thang bảng lương mới có tăng lên, nhưng vẫn còn thấp. 

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đặc biệt, với giáo viên trẻ mới vào nghề khi mức lương thấp sẽ không cạnh tranh được với mức lương từ doanh nghiệp. Điều này dẫn đến hệ lụy, giáo viên bỏ nghề, các trường sư phạm thiếu chỉ tiêu tuyển sinh, phải hạ điểm chuẩn đầu vào. Chất lượng tuyển sinh vì thế thấp, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Để thực hiện thành công Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương 8, khóa XI về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT, cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm xây dựng chính sách, cơ chế đặc thù cho đội ngũ giáo viên nhằm thu hút người có đức, tài về công tác trong ngành Giáo dục, thực hiện công việc “trồng người”.

Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Trong những năm gần đây, mặc dù được Đảng và Nhà nước quan tâm, chăm lo tới đội ngũ nhà giáo (có các chính sách hỗ trợ ngoài lương để nhà giáo tăng thêm thu nhập, như: Phụ cấp ưu đãi, thâm niên; có chính sách riêng giáo viên vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, giáo viên dạy trẻ khuyết tật, dạy lớp ghép, giáo viên đặc thù...). Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều bất cập như lương giáo viên (nhất là giáo viên mầm non) còn thấp, chưa cải thiện nhiều mức sống của nhà giáo. Vì vậy, một số giáo viên chuyển đổi công việc để có thu nhập cao hơn. Đồng thời, trước áp lực của nghề nghiệp và điều kiện sống của giáo viên, một số học sinh chưa có mong muốn vào ngành sư phạm.

Nhằm khắc phục những bất cập như cử tri phản ánh, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện một số giải pháp:

Đề xuất chính sách tiền lương mới bảo đảm cao hơn mức lương hiện hưởng theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/CP. Trước mắt, Bộ GD&ĐT thống nhất với Bộ Nội vụ xếp lương theo trình độ chuẩn được đào tạo quy định tại Luật Giáo dục năm 2019. Theo đó, giáo viên mầm non mới được tuyển dụng sẽ được xếp ở hệ số lương khởi điểm 2,10. Giáo viên tiểu học và trung học cơ sở xếp ở hệ số lương khởi điểm là 2,34. Việc xếp lương theo trình độ chuẩn được đào tạo giúp giáo viên mới ra trường tăng thêm thu nhập.

Thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt với sinh viên sư phạm. Theo đó, từ năm học 2021 - 2022, sinh viên sư phạm ngoài việc được hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học, còn được hỗ trợ chi phí sinh hoạt 3,63 triệu đồng/tháng; đồng thời, các địa phương được chủ động đặt hàng đào tạo với các trường sư phạm; chủ động trong chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đây là yếu tố quan trọng để thu hút học sinh, đặc biệt là học sinh giỏi vào học ngành sư phạm trong những năm tới.    

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.