(GD&TĐ)-Đó là công bố mới nhất của cơ quan xếp hạng tín nhiệm danh tiếng Standard & Poor’s (S&P) khi đánh giá tín nhiệm về kinh tế Việt Nam tại thời điểm này.
Mặc dù nâng mức tín nhiệm đối với kinh tế VN lên mức ổn định song S&P cũng cảnh báo nguy cơ tụt hạng nếu Chính phủ sớm nới lỏng chính sách |
Kết quả trên được đánh giá dựa trên thành công trong việc hạ thấp tỷ lệ lạm phát của Việt Nam.
Thông cáo của S&P cho rằng những nguy cơ về ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định tài chính ở Việt Nam đã giảm bớt.
Theo đó, tổ chức này đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm đối với Việt Nam từ mức tiêu cực lên mức ổn định, giữ nguyên xếp hạng BB- đối với tín dụng dài hạn và xếp hạng B đối với tín dụng ngắn hạn.
Đặt trong mối trong tương quan với các quốc gia khác trong cùng khu vực ASEAN, xếp hạng dài hạn của Việt Nam được nâng lên axBB+ từ mức axBB trước đó. Xếp hạng ngắn hạn giữ ở mức axB.
Bản báo cáo cập nhật của S&P nêu rõ, động thái điều chỉnh của tổ chức này dựa trên đánh giá cho rằng, những rủi ro với sự ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính đối của Việt Nam đã giảm xuống. Các tiêu chí đánh giá chính như tăng trưởng tín dụng, dự trữ ngoại hối và lãi suất VND đã được cải thiện trong vòng 18 tháng qua.
Năm 2011, diễn biến lạm phát khá phức tạp, thể hiện ở việc tăng cao những tháng đầu năm và giảm dần từ quý II. Trong 4 tháng cuối năm, lạm phát có dấu hiệu giảm tốc, chỉ tăng dưới 1% mỗi tháng.
Nhưng lạm phát tháng 12 lại có dấu hiệu nhích lên so với 2 tháng trước đó. Cụ thể, lạm phát tháng 10 và tháng 11 chỉ tăng 0,36% và 0,39% nhưng lạm phát tháng 12 tăng 0,53%.
Sang quý I và Quý II năm 2012, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, đúng hướng. Lạm phát được kiềm chế, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 so với tháng trước chỉ tăng 0,18%, so với tháng 12 năm 2011 chỉ tăng 2,78%, thấp nhất trong 3 năm qua.
Như vậy, để có được kết quả trên, năm 2011, Việt Nam đã thay đổi chính sách từ thúc đẩy tăng trưởng cao sang ổn định giá cả và đối phó với những thách thức khác như dự trữ ngoại tệ giảm, thâm hụt ngân sách tăng cao, áp lực giảm giá tiền đồng. Với việc giảm lãi suất liên tục, Chính phủ Việt Nam đã kềm chế được lạm phát xuống còn 8,34% tháng 5/2012.
Standard and Poor’s dự báo, những cải thiện trên sẽ được duy trì, bởi vì Chính phủ Việt Nam đã tỏ quyết tâm vẫn đặt ưu tiên vào việc ổn định giá cả.
Mặc dù ghi nhận có những cải thiện, song tổ chức xếp hạng này vẫn lưu ý rằng, còn tồn tại những rủi ro về bất ổn kinh tế vĩ mô thời gian tới. Việc nới lỏng chính sách của Chính phủ có thể khiến những bước tiến triển trước đây bị đảo ngược trong bối cảnh lực cầu từ bên ngoài sụt giảm.
S&P cảnh báo, có thể hạ xếp hạng tín nhiệm nếu như ít nhất một trong số các chỉ số chủ chốt suy giảm do việc nới lỏng sớm chính sách của Chính phủ. Ngược lại, S&P có thể nâng xếp hạng của Việt Nam nếu nền kinh tế tiếp tục vững mạnh và ổn định kinh tế vĩ mô quay trở lại. Theo đó, Việt Nam sẽ có thể duy trì mức tăng trưởng GDP đầu người thực tế hơn 6% trong 5 đến 10 năm tới và tiếp tục nâng vị thế xếp hạng của mình lên.
Hải Minh