Xe đạp điện Tàu "tổng tấn công" thị trường Việt

Xe đạp điện Tàu "tổng tấn công" thị trường Việt
Cũng cần có biện pháp quản lý xe đạp điện, tránh tình trạng “cơn lốc xe máy Trung Quốc” chất lượng kém tràn sang nước ta gây ùn tắc, mất ATGT như nhiều năm trước
Cũng cần có biện pháp quản lý xe đạp điện, tránh tình trạng “cơn lốc xe máy Trung Quốc” chất lượng kém tràn sang nước ta gây ùn tắc, mất ATGT như nhiều năm trước
 

Nhiều hãng xe đạp điện Trung Quốc đang lên kế hoạch mở rộng thị trường tại Việt Nam. Có những hãng đã mở tới 69 showroom tại 43 tỉnh, thành trên cả nước.

“Đè bẹp” hàng nội

Theo nguồn tin từ Hiệp hội Xe đạp Trung Quốc (CBA), sản lượng xe đạp điện hàng năm của Trung Quốc đạt 30 triệu chiếc, trong đó, gần 30% được dành cho xuất khẩu. Việc mở rộng thị trường ra quốc tế được coi là một nhiệm vụ quan trọng của CBA, mà Việt Nam là thị trường tiềm năng.

Theo ước tính, chỉ riêng năm 2013, Việt Nam sẽ tiêu thụ khoảng 150.000 chiếc xe đạp điện và phần lớn số xe này có xuất xứ từ Trung Quốc. Không chỉ xe nhập khẩu nguyên chiếc mà ngay cả với xe lắp ráp trong nước, phần lớn linh kiện cũng được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Xe đạp điện Trung Quốc được cho là đã gây ấn tượng mạnh với người tiêu dùng Việt Nam bởi kiểu dáng, mẫu mã phong phú và có mức giá vô cùng cạnh tranh. Không những thế, việc kinh doanh của các DN Trung Quốc còn dễ dàng hơn, khi Việt Nam đang thực hiện các cam kết cắt giảm thuế quan trong khuôn khổ Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc và WTO. Ngoài ra, Trung Quốc còn có ưu thế về địa lý, giao thông, cũng như thương mại tại thị trường Việt Nam.

Hiện nhiều hãng xe đạp điện Trung Quốc đang lên kế hoạch mở rộng thị trường tại Việt Nam. Có những hãng đã mở tới 69 showroom tại 43 tỉnh thành cả nước.

Không chỉ Trung Quốc mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đang đầu tư sản xuất, lắp ráp xe đạp điện trong nước, điển hình như Thống Nhất, Sufat, Asima, Tiến Lộc, Gianya... Thời gian tới, dự kiến sẽ còn nhiều DN tham gia sản xuất lắp ráp xe đạp điện. Đây chủ yếu từng là những DN sản xuất xe đạp và lắp ráp xe máy của Việt Nam, nhà xưởng có sẵn, chủ yếu sẽ hợp tác với các DN Trung Quốc, Đài Loan... nhập khẩu linh kiện về lắp ráp.

Song, xe đạp điện sản xuất lắp ráp trong nước khó cạnh tranh nổi với xe nhập lậu. Xe đạp nhập lậu đang chiếm khoảng 80-90% thị trường. Do các quy định của pháp luật về quản lý xe đạp điện chưa đầy đủ nên việc nhập lậu khá dễ dàng. Phần lớn hàng nhập lậu đều từ Trung Quốc và đều sử dụng hóa đơn quay vòng. Do nhập lậu, trốn thuế nên xe có giá thành thấp, khiến cho nhiều cơ sở sản xuất, lắp ráp trong nước và kể cả xe nhập khẩu xe chính ngạch không thể cạnh tranh được.

Sẽ dán tem xe đạp điện

Tuy nhiên, các DN trong nước hy vọng thời gian tới khi các quy định mới được ban hành thì tình trạng xe nhập lậu sẽ bị quản lý chặt. Hiện Bộ GTVT đã xây dựng xong Dự thảo quy định về Kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật xe đạp điện.

Theo đó, xe đạp điện sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu phải được tiến hành thử nghiệm mẫu theo đúng các quy trình tương ứng với các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Cơ sở sản xuất lắp ráp xe phải đảm bảo có quy trình sản xuất lắp ráp, có kiểm soát chất lượng từ linh kiện đầu vào đến từng công đoạn sản xuất lắp ráp đảm bảo chỉ tiêu an toàn chất lượng, môi trường, tính năng kỹ thuật của xe, có đủ các thiết bị kiểm tra và nguồn nhân lực phục vụ cho kiểm tra từng công đoạn, kiểm tra xuất xưởng. Với xe nhập khẩu phải có chứng từ nhập khẩu do Hải quan cấp.

Xe phải đăng ký kiểm tra chất lượng, được cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và dán tem chất lượng trước khi lưu thông. Quy định này dự kiến có hiệu lực từ 1/7/2014.

Các DN cho rằng, khi quy định này được ban hành thì quản lý xe đạp điện trong nhập khẩu, sản xuất lắp ráp sẽ đi vào nề nếp. Lúc đó, xe nhập lậu không thể tồn tại, xe nhập khẩu chính ngạch khó cạnh tranh với xe lắp ráp trong nước do thuế suất thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc cao hơn nhiều so với nhập khẩu bộ linh kiện về lắp ráp. Bên cạnh đó, chi phí một dây chuyền lắp ráp xe đạp điện được cho là không lớn, chỉ khoảng vài trăm triệu đồng nên nhiều DN đủ khả năng để đầu tư. Đây là thời điểm nhiều cơ sở lắp ráp xe đạp điện sẽ bung ra.

Theo các DN, xe đạp điện là mặt hàng được nhiều người tiêu dùng mua sử dụng do giá hợp lý, luôn có ưu thế về khả năng tiết kiệm chi phí cho mỗi kilômet di chuyển, đi lại thuận tiện. Đặc biệt với đặc thù dân số trẻ, Việt Nam dễ bắt kịp các trào lưu tiêu dùng thế giới, trong đó xe đạp điện, là xu hướng rõ nét nhất tại các thành phố lớn. Điều này sẽ mở ra cơ hội cho kinh doanh xe đạp điện.

Theo Trần Thủy
VietnamNet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ