Nhiều cửa hàng kinh doanh xe đạp điện nhập khẩu chính ngạch tại Hà Nội cho biết đã phải đóng cửa, hoặc chuyển sang bán hàng hóa khác do không thể cạnh tranh được với xe nhập lậu.
Người tiêu dùng mua xe đạp điện rất khó phân biệt đâu là hàng nhập lậu, đâu là hàng chính hãng (ảnh minh họa) |
Một DN chuyên nhập khẩu xe đạp điện cho biết trước đây anh mở tới 5 cửa hàng bán xe nhập chính hãng do Yamaha và Honda sản xuất tại Trung Quốc, nhưng đã ngừng tất cả từ đầu tháng 9/2013 do giá tính thuế tăng, giá xe đội lên cao.
Giá tăng, xe lậu thắng thế
Từ 1/7/2013, theo quy định mới của Bộ Tài chính, giá tính thuế với mặt hàng xe đạp điện nhập khẩu nguyên chiếc tăng gấp 2 lần so với trước. Chẳng hạn, các loại xe đạp điện thương hiệu Honda, Yamaha nhập khẩu từ Trung Quốc, giá tính thuế tăng từ 150 lên 290 USD/chiếc, thương hiệu Giant tăng từ 160 lên 340 USD/chiếc, thương hiệu Bridgestone tăng từ 150 lên 300 USD/chiếc...
Giá tính thuế tăng khiến cho giá xe tăng lên từ 1,8 lên 2,2 triệu đồng/chiếc. Theo tính toán, mỗi xe nhập chính ngạch sẽ phải đóng khoảng 3,8 triệu tiền thuế, trong khi xe nhập lậu chỉ mất chi phí khoảng 600.000 đồng thuê "cửu vạn" khuân vác qua biên giới, vì vậy xe chính ngạch không “tài nào” cạnh tranh nổi.
Tuy giá tính thuế tăng nhưng giá bán xe đạp điện trên thị trường lại không tăng. Loại xe sử dụng ắc quy vẫn giữ mức từ 6-11 triệu đồng và xe chạy pin từ 11-15 triệu đồng/chiếc tùy loại, giống như thời điểm trước 1/7/2013.
Nếu trước đây trên thị trường ước tính khoảng 60% là xe đạp nhập lậu thì nay, số xe nhập lậu đã chiếm tới 80-90% trong khi xe nhập chính ngạch ngày càng giảm đi. Phần lớn hàng lậu đều có nguồn gốc từ Trung Quốc và đều sử dụng hóa đơn quay vòng, tức là chỉ nhập chính ngạch 1 lần đầu khoảng vài chục xe sau đó sử dụng hóa đơn này cho các lần sau với nhiều lô xe khác nhau.
Đa số xe đạp điện nhập khẩu vào Việt Nam hiện đều được dán nhãn hiệu của các tên tuổi lớn như Honda, Yamaha, Bridgestone, Giant... Trong số đó có những sản phẩm do các nhà máy của Yamaha, Honda đặt tại Trung Quốc sản xuất nhưng cũng có những sản phẩm do những cơ sở khác làm giả. Hiện có 2 loại xe giả, đó làm giả giống hệt từ kiểu dáng đến nhãn hiệu của xe thật và chỉ giả về nhãn hiệu còn kiểu dáng tự thiết kế.
Cũng theo DN trên, công ty Honda Sundiro tại Thượng Hải, Trung Quốc chỉ sản xuất có 3 mẫu xe đạp điện và Yamaha Motor Trung Quốc sản xuất 13 mẫu, thì tại thị trường Việt Nam đang bày bán tới 13 mẫu xe Honda và 30 mẫu xe Yamaha.
Vừa đi đã trục trặc
Chất lượng xe đạp điện giả, nhái rất kém ở 3 bộ phận quan trọng, đó là ắc quy (hoặc là pin), động cơ và bộ điều khiển. Ắc quy hay pin có chất lượng kém sẽ nhanh bị sụt điện, làm cho quãng đường đi ngắn hơn và xe không đạt công suất mong muốn. Động cơ điện chất lượng kém làm cho xe có công suất yếu hay trục trặc, dễ bị ngấm nước khi gặp trời mưa to, đường ngập sâu. Bộ điều khiển sử dụng các thiết bị điện tử thiếu chính xác, không đáng tin cậy, có thể gây ra việc tăng, giảm tốc độ đột ngột, không kiểm soát được. Bên cạnh đó phanh của xe đạp điện giả, nhái được cho là thiếu độ tin cậy nhất là khi vận hành ở tốc độ cao khoảng 40 km/h.
Giá nhập khẩu xe đạp điện giả, nhái khá rẻ, chỉ bằng 2/3 so với xe đạp điện thật, tuy nhiên về Việt Nam được bán ra với giá cao như xe thật. Hầu hết các xe nhập khẩu đều không được dán nhãn thông số kỹ thuật cũng như xuất xứ, nguồn gốc và không niêm yết giá.
Do không phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả nên hầu hết người tiêu dùng khi mua đều chọn các sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng, có mẫu mã đẹp và chấp nhận rủi ro về chất lượng.
Nhiều người cho rằng cứ mua xe có địa chỉ, người bán rõ ràng, có bảo hành bảo dưỡng đầy đủ sẽ yên tâm và coi đó là cơ sở để khẳng định hàng thật. Nhưng một số nguồn tin cho biết, xe giả hiện cũng có chế độ bảo hành bảo dưỡng đầy đủ như xe thật. Bởi vì mua giá thấp, bán giá cao nên các cửa hàng bán xe đạp giả sẵn sàng bảo hành cho người tiêu dùng. Họ cũng nhập linh kiện về để thay thế trong thời gian bảo hành nhưng chất lượng phụ tùng kém nên nhiều xe có khi phải thay tới vài lần và khi hết thời gian bảo hành khoảng 1 năm thì lúc đó người tiêu dùng phải tự bỏ tiền ra để thay. Khi đó nhiều cửa hàng sẵn sàng thẳng tay "chém" khách bằng việc nâng gía phụ tùng để bù vào những lần thay trước đó.
Xe đạp điện là một trong những mặt hàng thuộc diện quản lý, kinh doanh có điều kiện, vậy mà từ khâu nhập khẩu cho đến chất lượng, giá cả... hiện đang bị buông lỏng.
Một DN cho biết, chỉ cần quản chặt số khung, số máy xe đạp điện nhập khẩu là đã hạn chế được chuyện nhập lậu. Cụ thể, các hóa đơn nhập xe chính ngạch cần ghi cụ thể chủng loại xe, mẫu mã, số khung, số máy thì khó có thể quay vòng, vì dễ bị phát hiện. Nhưng hiện nay cách ghi vẫn hết sức chung chung, chỉ có mấy chữ "xe đạp điện" nên bị quay vòng là chuyện đương nhiên.
Chất lượng xe cũng không được kiểm soát. Xe nhập khẩu chủ yếu là hàng nhái, hàng giả có chất lượng kém nhưng không bị xử lý. Theo tiêu chuẩn Việt Nam ban hành, xe đạp điện chỉ có tốc độ tối đa 25km/h nhưng hiện nhiều xe có tốc độ tới 40km/h vẫn lưu hành bình thường. Nhiều xe đèn chiếu sáng hỏng, không sáng, ban đêm chạy trên đường, vậy nhưng cũng không bị xử phạt.
Theo Vietnamnet