Thậm chí, nhiều trường học đã quyết tâm đầu tư xây dựng khu nhà vệ sinh hiện đại theo tiêu chuẩn khách sạn 5 sao.
Thân thiện, văn minh
Đến Trường Tiểu học Hòa Bình (Quận 1) trong giờ ra chơi dễ dàng nhìn thấy hình ảnh rất văn minh: Học sinh có nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh xếp hàng để tới lượt mình đi vào.
Nhà vệ sinh của trường được UBND quận đầu tư sửa chữa từ năm 2019. Nhà vệ sinh được thiết kế đủ ánh sáng, thoáng mát với những mảng cây xanh, trang trí một số hình ảnh, kèm theo đó là hướng dẫn quy trình rửa tay, cách sử dụng nước tiết kiệm, nhắc nhở nhau giữ vệ sinh chung…
Cô Tống Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Bình, cho hay: “Bên cạnh việc trang bị, sửa chữa cơ sở vật chất cho các phòng học, phòng chức năng, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, thì công trình phụ này cũng là mối quan tâm hàng đầu của ban giám hiệu. Bởi nếu nhà vệ sinh bẩn, bốc mùi các em có tâm lý ám ảnh, ảnh hưởng đến việc học tập, sức khỏe, sợ tới trường…”.
Trường Tiểu học Hòa Bình có 2 cơ sở. Mỗi tầng đều có khu vệ sinh dành cho nam, nữ riêng. Tại cơ sở 1 có 3 khu vệ sinh với 33 phòng và 21 bồn tiểu đứng cho học sinh nam. Bồn rửa tay bằng sứ trắng gồm nhiều vòi rửa tay, xà phòng, hộp giấy được xếp ngăn nắp. Ở cơ sở 2, bên cạnh 3 khu nhà vệ sinh chung, một số lớp học còn có nhà vệ sinh sạch đẹp trong lớp, được các cô bảo mẫu chăm chút, có cây xanh và lau chùi sạch sẽ.
Để giữ gìn khu vệ sinh sạch đẹp, nhà trường bố trí 4 lao công cùng các cô bảo mẫu hỗ trợ dọn dẹp. Các cô túc trực trong giờ cao điểm như ra chơi, sau giờ ăn và khi học sinh ngủ dậy. Vừa đảm bảo nhà vệ sinh luôn khô thoáng, sạch sẽ, các cô còn hướng dẫn và nhắc nhở học sinh lưu ý khi sử dụng.
Tương tự, tại Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Quận 3), những năm gần đây, nhà vệ sinh được cải thiện như lắp thêm gương soi, trồng thêm một số cây xanh, thiết kế lại các hệ thống cửa… Không gian nơi này luôn sạch sẽ, thông thoáng tạo cảm giác dễ chịu cho học sinh khi sử dụng.
Theo cô Nguyễn Thị Tường Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, nhà trường luôn chú trọng để công trình vệ sinh hoàn thiện đồng bộ cùng với hệ thống phòng học, phòng chức năng của trường. Nhà vệ sinh đạt chuẩn, xanh, sạch nhờ lực lượng lao công lau dọn 4 ngày/lần.
Khu vực vệ sinh trong Trường THPT Nguyễn Thị Diệu luôn sạch sẽ, thoáng mát. |
Ý thức học sinh quyết định độ bền
Đầu tư xây dựng, trang bị cơ sở vật chất hiện đại nhưng nếu ý thức sử dụng nhà vệ sinh của học sinh không cao thì chẳng mấy chốc mất hết… sao. Vì thế, bên cạnh việc bảo dưỡng, các trường còn chú ý rèn cho học sinh thói quen tốt khi sử dụng, xây dựng nếp sống văn minh, ý thức bảo vệ môi trường.
Tại Trường Tiểu học Lê Văn Việt, TP Thủ Đức, vào dịp đầu năm học, học sinh, đặc biệt là lớp 1 được hướng dẫn tham quan các phòng học, phòng chức năng, vị trí của nhà vệ sinh, cách sử dụng các thiết bị trong nhà vệ sinh… Trong quá trình học tập, ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, cô bảo mẫu và cả nhân viên thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn học sinh sử dụng nhà vệ sinh đúng cách, giữ gìn vệ sinh chung.
“Nếu thiết bị vệ sinh hỏng hóc nhà trường chủ động sửa ngay. Tuy nhiên gần 2 năm nay, trường không gặp vấn đề gì liên quan đến nhà vệ sinh như báo sửa, hư hỏng hay là ý kiến nhà vệ sinh không sạch sẽ. Điều này cho thấy ý thức giữ gìn vệ sinh, cơ sở vật chất của học sinh trong trường rất tốt’, cô Phạm Ngọc Lan, Hiệu trưởng nhà trường cho hay.
Cô Nguyễn Thị Tường Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, cũng cho rằng, yếu tố quan trọng nhất để nhà vệ sinh học đường trở nên thân thiện đó chính là con người. Vì thế, ngoài nhân viên lao công thường xuyên lau dọn, ban giám hiệu nhà trường và giáo viên cũng thường xuyên nhắc nhở học sinh ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Trong các tiết sinh hoạt chủ nhiệm, dưới cờ, ở các bản tin hay tổ chức tiết học ngoài giờ lên lớp, giáo viên luôn chú ý giáo dục các em ý thức giữ gìn vệ sinh trường, lớp…
“Nhà vệ sinh được đầu tư về cơ sở vật chất hiện đại nhưng nếu học sinh không có ý thức trong sử dụng, phá phách hay dùng nước vô tội vạ, leo lên bồn cầu, trêu đùa nhau, xịt nước làm ướt sàn nhà, dùng giấy hay xà phòng lãng phí… thì công trình dù đẹp, khang trang sẽ nhanh hỏng, phải cải tạo thường xuyên, cũng như không sạch sẽ. Cho nên việc tuyên truyền cho học sinh cách sử dụng, ý thức giữ gìn vệ sinh chung là điều mà mỗi giáo viên, mỗi nhà trường luôn chú trọng”, cô Minh cho hay.
Ông Lưu Hoàng Uyên, Trưởng phòng GD&ĐT Quận 6 (TPHCM), cũng cho biết: “Thời gian qua chính quyền địa phương, phòng GD&ĐT cũng như ban giám hiệu trường học luôn quan tâm đầu tư kinh phí sửa chữa nhà vệ sinh. Hiện, 100% nhà vệ sinh tại cơ sở giáo dục trên địa bàn quận đều đạt chuẩn”.