Hậu quả là đang hói, họ … trụi hẳn tóc! Lại có người xài thuốc chống hói nhưng kết quả là lông lá mọc đầy người!
Đang hói thành … trụi!
Đừng tin quảng cáo!
PGS.TS. Trần Lan Anh (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết: Tóc là protein đã bị sừng hóa (tức đã chết) nên không trực tiếp hấp thu để “khỏe mạnh, óng mượt, khó rụng” như quảng cáo mà chỉ có cách ăn uống hoặc dùng thuốc điều trị theo đúng chỉ định thì các chất sẽ theo máu đến nuôi da đầu, nang tóc làm cho tóc phát triển. Các thành phần có trong thuốc không có tác dụng giúp mọc tóc.
Mỗi khi đi đâu phải đội ‘mũ nồi’, anh Toàn (44 tuổi) thấy rất phiền phức. Đến đâu mọi người cũng hỏi về bệnh … ít tóc khiến anh không khỏi ngại ngùng.
Lần mò thông tin trên mạng, anh bạo tay chi một khoản kha khá mua thuốc chống rụng và kích thích mọc tóc. Loại thuốc này được quảng cáo như ‘thần dược’ chống hói với những lời có cánh như: ‘kích thích trực tiếp vào tế bào chân tóc’, ‘thúc đẩy tế bào tái sinh’, ‘hiệu quả sau 7 ngày sử dụng’, ‘100% từ thảo dược, không tác dụng phụ’, ‘tốc không xanh tốt sẽ trả lại tiền’, vv …
Mua thử về dùng, 1 tuần sau anh Toàn chưa thấy tóc mới nhú lên thì da đầu đã kịp phồng rộp vì ngứa. Sau đó anh phát hoảng vì tóc rụng ác liệt hơn. Đi khám bác sỹ kết luận anh bị viêm chân tóc do dùng thuốc có chứa hóa chất! Cuối cùng anh Toàn phải tạm biết số tóc ít ỏi còn lại vì đầu gần như trụi!
Ngoài biện pháp dùng thuốc, nhiều người còn đi cấy tóc nhưng ‘tuổi thọ’ không dài như mong muốn. Trên thị trường cũng có rất nhiều loại mỹ phẩm được quảng cáo là chống hói (như dầu gội, dầu xả, kem bôi, vv ...) nhưng thực ra rất khó để kiểm chứng nguồn gốc xuất xứ. Nhất là khi trên mạng thông tin quảng cáo đang rất rầm rộ, chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm đã ra tới hàng triệu kết quả khác nhau.
Xài thuốc mọc tóc, lông lá đầy người
Còn chị Hà - một giáo viên ở quận Long Biên - đã kiên trì mua thuốc bôi lên da đầu chỉ mong sao hết tình trạng hói đầu, nhưng nào ngờ tóc chẳng mọc mà lông tay, lông chân, lông mày cứ ngày càng rậm rạp.
Chị đến khám tại Bệnh viện Da Liễu Trung ương với mái tóc mỏng tang. Mới hơn 30 tuổi mà chị đã ‘sở hữu’ chiếc đầu hói từ với đầy tâm tư: "Tôi thường xuyên phải đội mũ len, mũ vải để che cái đầu hói của mình. Nhưng mỗi lần mặc áo dài dự hội nghị, hay mỗi lần họp phụ huynh thì không thể cứ đội mũ được".
Nghe bạn bè mách có loại thuốc mọc tóc cấp tốc với giá 850.000 đồng/tuýp, chị kiên trì bôi trong suốt 3 tháng nhưng tóc vẫn rụng. Nguy hiểm hơn là lông mày, lông chân tay lại mọc dày thêm!
Lại có người cũng vì dùng thuốc kích thích mọc tóc bán trôi nổi trên mạng mà cuối cùng phải dùng tóc giả!
Cẩn thận tiền mất tật mang
Lở loét da đầu vì xài thuốc mọc tóc dỏm |
Bệnh viện da liễu Trung ương cho biết đã tiếp nhận không ít trường hợp dùng thuốc nhưng không thấy tóc mọc mà lại mọc rất nhiều lông! Có nhiều trường hợp còn bị bong da, mẩn ngứa, lở loét.
Nguyên nhân là do thuốc mọc tóc chỉ có tác dụng nuôi dưỡng và làm chậm sự rụng tóc chứ không có tác dụng làm mọc tóc. Riêng loại thuốc có minoxidil 2% có tác dụng chính là giãn mạch nhưng lại có khả năng giúp mọc tóc.
Tuy nhiên, thuốc này có tác dụng hay không là tùy thuộc vào nguyên nhân làm tóc rụng. Nếu tóc rụng do hói, nấm, lupus, hoặc nếu ngay chân tóc bị sẹo thì thuốc sẽ không có tác dụng.
Ngoài ra, khi người bệnh uống một số loại thuốc như thuốc vitamin A liều cao, thuốc điều trị viêm khớp, trầm cảm, bệnh tim mạch, thuốc ngừa thai... hoặc chăm sóc tóc không đúng cách như uốn, nhuộm tóc, duỗi tóc thường xuyên cũng gây rụng tóc.
Đối với rụng tóc do một số nguyên nhân thông thường, có thể điều trị bằng cách bổ sung đầy đủ các vi chất dinh dưỡng và thay đổi thói quen có hại. Một số nguyên nhân gây bệnh rụng tóc có thể được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật cấy tóc.
Không nên tự ý sử dụng các sản phẩm được quảng cáo là có tác dụng điều trị rụng tóc, hói đầu vì sản phẩm có thể không phù hợp với tình trạng rụng tóc của người bệnh, ngoài ra còn có nguy cơ gây dị ứng, viêm da tiếp xúc dị ứng.
Bác sĩ Nguyễn Thành - Nguyên trưởng khoa Khám Bệnh, Bệnh viện Da Liễu Trung ương cho biết, có nhiều nguyên nhân gây ra rụng tóc như hói di truyền, bệnh da đầu, bệnh lý toàn thân hoặc vừa trải qua một phẫu thuật. Bên cạnh đó, sự thay đổi nội tiết tố trong thời gian sinh con, mãn kinh hoặc lo lắng căng thẳng, hay chế độ ăn thiếu protein, thiếu sắt... cũng gây ra rụng tóc.
Chỉ nên uốn, duỗi, nhuộm 6 tháng/lần
Uốn, duỗi, nhuộm tóc thường xuyên cũng là một trong những nguyên nhân gây rụng tóc do tóc bị các tác động nhiệt ở mức độ cao và liên tục, các hoạt động cơ học kéo, chải tóc và hóa chất có trong các loại thuốc.
Để bảo vệ tóc, chỉ nên dùng các biện pháp này 6 tháng/lần và mỗi lần chỉ nên chọn một phương pháp.