Xác định được phiên bản thứ 2 của biến thể Omicron, xét nghiệm PCR khó phát hiện

GD&TĐ - Các nhà khoa học đã xác định được phiên bản thứ hai của biến thể Omicron mà xét nghiệm PCR khó có thể phát hiện. Hiện phiên bản này đã được ghi nhận tại Canada, Australia, Anh và Nam Phi.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo TTXVN, tuần trước, các nhà khoa học đã xác định được phiên bản thứ hai của biến thể Omicron mà xét nghiệm PCR khó có thể phát hiện. Đây được gọi là phiên bản “tàng hình” của Omicron, đe dọa làm phức tạp nỗ lực theo dõi và giám sát sự lây lan của biến thể này.

Sự xuất hiện của phiên bản mới trên đã khiến các nhà nghiên cứu tách biến thể Omicron thành hai dòng gồm Omicron tiêu chuẩn, còn gọi là BA.1, và phiên bản mới BA.2.

Cho đến nay, BA.1 là dạng phổ biến nhất và được phát hiện ở 49 quốc gia, đồng thời đang nhanh chóng thay thế Delta trở thành biến thể gây bệnh chủ đạo.

Trong khi đó, có chưa tới 10 trường hợp nhiễm BA.2 nhưng lại không chứa đặc điểm di truyền quan trọng vốn tạo điều kiện để các xét nghiệm PCR phát hiện hiệu quả. Điều này có thể ảnh hưởng tới việc theo dõi tỷ lệ lây lan thực sự của BA.2.

Thông thường, virus SARS-CoV-2 bao gồm 4 gene là N, S, E và ORF. Xét nghiệm PCR hoàn chỉnh có thể chỉ ra toàn bộ những gene này.

Biến thể Omicron gốc thiếu đoạn gene S. Như vậy, xét nghiệm PCR vẫn có thể phát hiện người nhiễm Omicron mà không cần giải trình tự gene.

Tuy nhiên, “Omicron tàng hình” sở hữu nhiều điểm chung với Omicron tiêu chuẩn song đoạn gene S của nó không biến mất, khiến xét nghiệm PCR khó phân biệt.

Với BA.1, xét nghiệm PCR có thể phát hiện đặc điểm “thiếu đoạn gene S” để phân biệt với Delta, từ đó giúp các nhà khoa học “gắn nhãn” các bệnh phẩm nghi ngờ để thực hiện giải trình tự gen và xác minh chính xác.

Do đó, các phòng thí nghiệm có thể xác nhận sự hiện diện của Omicron từ 2 đến 3 ngày sau khi được lấy mẫu xét nghiệm. Ngược lại, phải mất 2-3 tuần để xác định “Omicron tàng hình”.

Tiến sĩ Davey Smith, người đứng đầu bộ phận bệnh truyền nhiễm tại Đại học California San Diego (Mỹ) nhận định sự chậm trễ này có thể ảnh hưởng tới quá trình điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 bởi các bác sĩ cần phải biết thời điểm nên chuyển hướng sang phương pháp điều trị khác.

Một số loại thuốc kháng thể đơn dòng có thể chống lại Delta nhưng lại kém hiệu quả hơn với Omicron.

Tuy nhiên, các bác sĩ không có thời gian để xác định biến thể gây bệnh trước khi điều trị và thuốc kháng thể đơn dòng cần được sử dụng ngay trong những ngày xuất hiện các triệu chứng ban đầu.

Hiện “Omicron tàng hình” đã được ghi nhận tại Canada, Australia, Anh và Nam Phi. Các nhà khoa học cho biết còn quá sớm để biết liệu dạng Omicron mới có lây lan theo phương thức cũ hay không, nhưng phiên bản "tàng hình" có khác biệt về mặt di truyền, do đó có thể hoạt động theo cách khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ