(GD&TĐ) - Sáng nay 5/4, tại thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An), Vùng Thi đua 6 tỉnh Bắc Trung Bộ đã tổ chức Giao ban lần thứ hai trong năm học 2010-2011. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa đã dự và chủ trì giao ban. Tham dự còn có ông Nguyễn Xuân Đường, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An; đại diện lãnh đạo Văn phòng, các cục, vụ chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên-Huế, trưởng Vùng thi đua đã báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ trọng tâm từ đầu năm học 2010-2011 đến tháng 3 năm 2011.
Theo bà Hà, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt dồn dập ập đến vào dịp đầu năm học, các đợt rét kéo dài thời gian trước và sau Tết Nguyên Đán, ngành Giáo dục 6 tỉnh Bắc Trung Bộ đã chủ động tháo gỡ khó khăn, khắc phục hậu quả do thiên tai, thời tiết gây nên, bám sát thực tiễn của địa phương, lựa chọn đúng những vấn đề then chốt và đề ra các giải pháp cụ thể để chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2010-2011.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa dự và chủ trì giao ban |
Trong việc thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, các trường học 6 tỉnh Bắc Trung Bộ đã nhận chăm sóc 1.427 di tích lịch sử, văn hoá (Thanh Hoá 206, Nghệ An 647, Hà Tĩnh 301, Quảng bình 97, Quảng Trị 90, Thừa Thiên-Huế 86); nhận chăm sóc, giúp đỡ hàng ngàn gia đình thương binh, liệt sĩ.
Việc nâng cao chất lượng giáo dục được các nhà trường, các địa phương thực hiện thông qua các hoạt động: bồi dưỡng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng bám sát chuẩn kiến thức-kỹ năng; tổ chức thi giáo viên dạy giỏi; sử dụng thiết bị và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; thao giảng; trao đổi kinh nghiệm; hội thảo theo chuyên đề; giáo dục ngoài giờ; hoạt động ngoại khóa; ...
Nhiều tỉnh đã tổ chức ra đề kiểm tra học kỳ I các môn văn hoá chung toàn tỉnh cho các lớp cuối cấp để đánh giá sát hơn chất lượng trên địa bàn tỉnh. 337 học sinh của 6 tỉnh Bắc Trung Bộ và hai trường đại học (Đại học Vinh, Đại học Huế) đóng trên địa bàn này đã đạt giải trong Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2010-2011.
Các cấp quản lý giáo dục, các nhà trường thuộc 6 tỉnh Bắc Trung Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội, hội cha mẹ học sinh thực hiện nhiều chương trình giúp đỡ học sinh thuộc đối tượng khó khăn, có nguy cơ bỏ học về vật chất lẫn tinh thần để các em tiếp tục đến trường..
Các đại biểu tham dự giao ban |
Tính từ đầu năm học đến nay, Thanh Hoá đã trao 2.018 suất học bổng với tổng số tiền 1,833 tỷ đồng cho học sinh; Nghệ An trao 2.500 suất với tổng số tiênn 1,8 tỷ đồng; Hà Tĩnh trao 2.000 suất với tổng số tiền 1 tỷ đồng; Quảng Bình trao 1.050 suất với tổng số tiền 940 triệu đồng; Quảng Trị trao 1.500 suất với tổng số tiên 1,4 tỷ đồng; Thừa Thiên-Huế trao 3.700 xuất với tổng số tiền 1,5 tỷ đổng..
Các sở giáo dục và đào tạo đã tập trung đẩy mạnh tiến độ triển khai Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên để nhanh chóng nâng cấp cơ sở vật chất các nhà trường. Trong năm 2010, Thanh Hoá đã đưa vào sử dụng 876 phòng học và 194 phòng công vụ; các con số đó của Nghệ An là 3.928 phòng học và 753 phòng công vụ; Hà Tĩnh 1.000 phòng học và 200 phòng công vụ; Quảng Bình 1.028 phòng học và 501 phòng công vụ; Quảng Trị 1.000 phòng học và 200 phòng công vụ; Thừa Thiên-Huế 986 phòng học và 241 phòng công vụ.
Cái khó của 6 tỉnh Bắc Trung Bộ hiện nay là một số tỉnh thực hiện chuyển đổi các trưòng mầm non và trung học phổ thông bán công sang công lập gặp nhiều vướng mắc về mức thu học phí theo Nghị định số 49 của Chính phủ, về cách tuyển biên chế, về quỹ lương. Một số tỉnh, đặc biệt là các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt gây ra trong năm 2010 không thể đạt mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia vì điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập của người dân thấp; dẫn đến việc huy động từ nguồn xã hội hoá hạn chế.
Tại giao ban, lãnh đạo các sở giáo dục và đào tạo đã có ý kiến đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo ưu tiên xây dựng cơ sở vật nhất, đầu tư trang thiết bị cho các trường vùng lũ lụt.
Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm triển khai Thông tư số 34/2010/TT-BGDĐT ngày 08/12/2010, trong đó phân cấp cho các tỉnh, thành phố tổ chức thi nâng ngạch từ giáo viên trung học lên trung học cao cấp; phối hợp với các bộ liên quan sớm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục; chỉ đạo thống nhất và quyết liệt về thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và đề án hiện đại hoá trường chuyên. Hiện nay, hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục ở cơ sở đang gặp khó khăn về thời gian, con người và kinh phí, nhất là kinh phí cho việc đánh giá trong và đánh giá ngoài.
Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có văn bản hướng dẫn để đến năm 2012, có kinh phí cho công tác này. Những nội dung tập huấn chuyên môn của Bộ cần thông báo sớm để cơ sở dự trù kinh phí hoạt động trong năm.
Ngoài những kiến nghị trên, thảo luận tại hội nghị, đại biểu Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho rằng, hiện nay chính là thời điểm giải quyết vấn đề thâm niên cho cán bộ quản lý giáo dục. Cứ như hiện nay, các tỉnh không thể nào điều động được nhà giáo giỏi từ cơ sở về cơ quan quản lý giáo dục ở huyện và tỉnh.
Đại biểu của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình nêu lên một lo lắng: mấy năm nay, học sinh có học lực giỏi gần như không thi vào ngành sư phạm; nếu khôngcó giải pháp khắc phục, chất lượng đội ngũ giáo viên sẽ có nguy cơ giảm mạnh từ cuối thập niên này.
Đại biểu Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hoá cho rằng một việc tuy không lớn nhưng cần được Bộ và Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp làm rõ mối quan hệ trách nhiệm giữa cơ quan quản lý giáo dục, công đoàn giáo dục các cấp với Hội Cựu giáo dục các cấp.
Tổng kết giao ban, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đã đánh giá cao những cố gắng của các sở giáo dục và đào tạo Bắc Trung Bộ trong việc vượt lên lũ lụt, khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2010-2011, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở các địa phương.
Từ nay đến hết năm học còn nhiều việc cần làm, Thứ trưởng yêu cầu các địa phương cần tập trung vào một số nội dung: tổ chức triển khai Nghị định số 115/2010/NĐ-CP và các điều lệ, quy định vừa được Bộ sửa đổi, bổ sung; tiếp tục thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, phổ cập giáo dục, nhất là phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; chuẩn bị tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp; triển khai thực hiện chuẩn hiệu trưởng, chuẩn giáo viên và tìm giải pháp khắc phục tình trạng dôi dư giáo viên; tăng cường công tác giáo dục dân tộc, vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh tốc độ thực hiện Đề án Kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ giáo viên; tuyên truyền thực hiện tốt Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ để góp phần kiềm chế lạm phát.
Minh Đức