Vượt cạn tại nhà vốn rất phổ biến ở vùng khó nhưng nó dần được thay thế bởi trạm y tế có đội ngũ y, bác sĩ. Tuy nhiên, trên thực tế, vì nhiều lý do, người dân tộc thiểu số, thậm chí người có học thức vẫn tự mình vượt cạn.
Vượt cạn một mình
Thời gian qua, người dân TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) liên tục bàn tán về việc một nữ sinh thuê trọ trên địa bàn tự sinh tại nhà rồi nói rằng mình nhặt được đứa bé bị bỏ rơi.
Cô gái này sinh năm 1997 có bầu sau khi chia tay người yêu nhưng cô quyết giữ lại thai nhi. Để không bị mọi người phát hiện cô bịa lý do mình bị xơ gan cổ trướng chuẩn bị đến ngày mổ. Khi đi siêu âm, bác sĩ chẩn đoán sẽ hạ sinh vào ngày 22/5 nên cô vẫn đi học, không chuẩn bị tâm lý cho việc sinh nở. Nhưng đang đi học thì bị đau bụng nên nữ sinh xin về nhà.
Về đến nơi, bụng đau quặn và tự mình sinh con, không có ai trợ giúp. Ngay sau khi phát hiện, người dân và chính quyền đưa hai mẹ con sản phụ vào Bệnh viện ĐH Tây Nguyên để được chăm sóc. Tại đây, sản phụ được truyền dịch, cầm máu, tiêm thuốc kháng sinh, may phục hồi tầng sinh môn và đã hồi phục sức khỏe.
Về phần cháu nhỏ, do mẹ cháu chỉ rửa qua cây kéo (loại kéo cắt giấy) bằng nước sạch, không được khử trùng, lại cắt rốn không đúng vị trí nên các bác sĩ phải tiêm kháng sinh, cầm máu ở rốn. Hiện sức khỏe của bé ổn định, bú mẹ bình thường.
Trước đó, tại Nghệ An, Hà Nội cũng xảy ra tình trạng tự sinh con. Có bé may mắn được cứu sống nhưng cũng có bé vận may đã không mỉm cười. Tại khu vực miền núi, việc tự sinh tại nhà diễn ra phổ biến. Mặc dù tỷ lệ này đã giảm trong nhiều năm qua nhưng vẫn cao gấp 3 - 4 lần so với vùng đồng bằng.
Tại các tỉnh như Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, tỷ lệ chị em sinh tại nhà vẫn ở mức trên 50%. Với những trường hợp này, cô đỡ thôn bản như một cứu cánh. Tuy nhiên, cũng có người không kịp gọi cô đỡ hoặc không muốn gọi nên đôi khi người thân trong gia đình trở thành bà đỡ bất đắc dĩ, có người lại tự vượt cạn một mình.
Quá nguy hiểm
Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình - câu nói của người xưa cho thấy sự nguy hiểm mà người phụ nữ phải đối mặt trong lần vượt cạn. Đây là lý do để ngành Y tế phát triển hệ thống sản - nhi khắp cả nước. Ở vùng khó, người dân có thể trông cậy vào trạm y tế hoặc cô đỡ thôn bản qua đào tạo, có thể ứng phó với tai biến có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, ngành Y tế vẫn khuyến cáo chị em khi mang thai nên thăm khám tại trạm y tế để được theo dõi, tư vấn và chuyển viện khi cần thiết bởi trong 9 tháng 10 ngày, ngoài việc kiểm tra sự phát triển của thai nhi, người mẹ cũng cần được chăm sóc để loại trừ nguy cơ về tiểu đường, nhiễm khuẩn… Đến lúc sinh, nếu may mắn thai thuận, thai dễ thì không sao chứ thai ngược, sức mẹ yếu thì ngay cả khi có bác sĩ bên cạnh cũng… mướt mồ hôi chứ chưa nói đến việc sinh ở nhà, tự sinh.
Theo bác sĩ sản khoa Nguyễn Kim Phượng, phụ nữ mỗi lần vượt cạn là một lần đối mặt với nguy hiểm nên việc sinh ở trạm y tế, bệnh viện cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ chứ chưa nói đến việc sinh ở nhà. Dưới góc độ sản khoa, việc sinh nở trong môi trường ẩm thấp, bẩn thỉu (nhà vệ sinh) sẽ không an toàn đối với trẻ sơ sinh. Ngoài ra, nếu gặp trường hợp đẻ khó, em bé sẽ có nguy cơ ngạt, dẫn đến biến chứng không tốt về hệ thần kinh.
Đối với sản phụ, khi tự “vượt cạn” sẽ mất máu, rách vùng kín, rất dễ xảy ra tình trạng băng huyết, sót nhau thai, đờ tử cung, nhiễm trùng không được cấp cứu sẽ tử vong. Do vậy, phụ nữ không nên vì tâm lý e ngại mà tự vượt cạn hoặc vượt cạn tại nhà.
Còn với các bạn trẻ, ngày nay các phương tiện tránh thai vô cùng đa dạng, giá cả hợp lý, dễ tiếp cận nên hãy chủ động tìm hiểu, tự trang bị cho mình chứ không nên để rơi vào cảnh… đã rồi. Bỏ thì ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe, còn để nuôi thì đồng nghĩa với tương lai mờ mịt cho cả mẹ lẫn con.