Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

GD&TĐ - Độc giả tò mò muốn biết thời xưa, vua chúa nước Việt ăn, chơi Tết thế nào có thể tìm hiểu trong cuốn “Tết chốn vàng son” của tác giả Lê Tiên Long.

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

Tác giả Lê Tiên Long là cộng tác viên thường xuyên của báo Giáo dục và Thời đại, anh là người giữ mục “Bàn phím tri thức” trên báo từ năm 2021 đến đầu năm 2024. Nhân dịp Tết Ất Tỵ, anh cho ra mắt sách “Tết chốn vàng son” với những câu chuyện thú vị về Tết trong cung đình Việt, đến với độc giả tháng 1/2025. Đây là cuốn sách về chủ đề lịch sử thứ hai của anh, sau tựa sách “Vua chúa Việt và những điều chưa biết”, cả hai cuốn sách đều do NXB Tổng hợp TP. HCM phát hành.

Cuốn sách “Tết chốn vàng son” dày 240 trang, được chia làm hai phần: Cung đình chuẩn bị đón Tết; Vua quan ăn Tết. Trong đó, phần đầu “Cung đình chuẩn bị đón Tết” cho độc giả biết tổng quan những nghi lễ trước Tết của triều đình phong kiến Việt Nam từ thời Đinh, Tiền Lê, Lý... đến triều Nguyễn, như các lệ thượng nêu, hạ nêu, ban thưởng cho các quan, vua tế các đền miếu nào trước Tết, vua phong ấn, ban lịch như thế nào, các đồ thờ cúng ngày Tết được chuẩn bị ra sao...

473539093-1180927193592393-3850141157326897801-n.jpg

Phần thứ hai "Vua quan ăn Tết" kể những câu chuyện ngày Tết trong cung đình Việt, từ những lễ Chính Đán (Mùng Một Tết), đến những lễ tế Giao (tế Trời) mà các vua thời Lê trung hưng thường tiến hành đúng ngày mùng Một tháng Giêng, sau đó triều Nguyễn chuyển sang tháng 2 âm lịch, cho đến các nghi lễ đầu năm như lễ tế Xuân hưởng, lễ cày ruộng Tịch điền, lễ ban bố chiếu chỉ đầu năm, hay các nghi thức quan trọng khác như nghi thức tập trận đầu xuân, lễ khai giảng đầu năm mới của các hoàng tử.

Nhiều bài viết đã được tác giả đem đến cho độc giả trong mục “Bàn phím tri thức” trên báo Giáo dục và thời đại trong những năm qua, như chủ đề đầu xuân, các hoàng tử khai giảng năm học mới như thế nào; đầu năm vua tế Khổng Tử ở Văn Miếu theo nghi lễ gì; Võ miếu ở nước ta thờ những vị võ tướng nào? Các bài viết đều được bổ sung, bồi đắp nhiều thông tin, tư liệu, với những câu chuyện lịch sử hấp dẫn, nhiều câu chuyện đã quen thuộc với mọi người, nhưng cũng không thiếu những chi tiết độc đáo, ít người biết đến.

Ngoài ra, tác giả đem đến cho độc giả những câu chuyện thú vị khác, như âm nhạc trong cung đình ngày Tết thế nào, vua quan có những thú vui gì trong dịp đầu xuân, đặc biệt là những trò chơi nào được diễn ra trong những ngày Tết từ xưa đến này, hay việc ngăn chặn tệ cờ bạc đầu xuân của các triều đại.

Ngoài cộng tác với Giáo dục và Thời đại, tác giả Lê Tiên Long còn thường xuyên viết về chủ đề lịch sử, văn hóa Việt Nam trên các ấn phẩm An Ninh thế giới, Tuổi trẻ Cười… Anh cho biết, các câu chuyện trong sách đều được chắt lọc trong các nguồn chính sử Việt, từ “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Đại Việt sử ký tục biên” cho đến “Đại Nam thực lục”, hay các cuốn sử khác như “Quốc sử di biên”, “Lịch triều tạp kỷ”, “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”.

Tác giả chia sẻ: “Tôi mong muốn cuốn sách sẽ giúp độc giả yêu lịch sử, nhất là giới trẻ có tài liệu để tìm hiểu những câu chuyện lý thú xung quanh các nghi lễ, phong tục ngày Tết trong cung đình Việt Nam, nhất là giúp các bạn học sinh, sinh viên thêm hiểu và yêu lịch sử nước nhà”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ