Vụ xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương: Căn cứ nào để giảm án?

GD&TĐ - Trong những ngày diễn ra phiên toà phúc thẩm, tại tòa, cựu bác sĩ Hoàng Công Lương đã thừa nhận tội vô ý nên dẫn tới sự cố làm chết người trong quá trình chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Bị cáo đã nhận thức rõ về những quy định của pháp luật, tuy nhiên cũng bày tỏ nguyện vọng được giảm án. Vậy đâu là những căn cứ để hội đồng xét xử (HĐXX) có thể giảm án cho bị cáo này?

Bác sĩ Hoàng Công Lương (thứ 2 từ trái sang). Ảnh: Mạnh Hùng
Bác sĩ Hoàng Công Lương (thứ 2 từ trái sang). Ảnh: Mạnh Hùng

Căn cứ xem xét giảm án

Bị cáo Lương khẳng định, hành vi của mình phần lớn do yếu tố khách quan. Bị cáo mong HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ để ra một bản án nhân đạo. Đồng thời mong HĐXX giảm án, không cách ly ra khỏi xã hội để bị cáo có cơ hội được làm người có ích, tiếp tục cống hiến cho ngành y. Trước thái độ thành khẩn của bị cáo, HĐXX cho biết sẽ xem xét và cân nhắc tới việc giảm nhẹ về tội danh cho cựu bác sĩ này.

Trao đổi với Báo GD&TĐ về những căn cứ để giảm nhẹ tội danh của Hoàng Công Lương, Luật sư Hoàng Văn Hướng bào chữa cho bị cáo cho rằng: Hành vi ra y lệnh của Hoàng Công Lương vào ngày 29/5/2017 được thực hiện trong trạng thái tâm lý quá tự tin, không phải là hành vi có tính cẩu thả.

Trong vụ án này, bác sĩ Hoàng Công Lương hoàn toàn làm đúng “quy trình hành chính” về bàn giao trang thiết bị chạy thận sau sửa chữa tồn tại trong suốt 7 năm nay của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Mặc dù, đó chỉ là quy trình bất thành văn theo thói quen, nhưng được cả tập thể các điều dưỡng, bác sĩ cho đến các nhân viên kỹ thuật, trang thiết bị vật tư thừa nhận, thống nhất và đều thực hiện như nhau.

Đây hoàn toàn là nhận thức mang tính tin tưởng vào các đồng nghiệp, vào công việc của từng phòng, ban, tin tưởng vào quy trình hành chính bất thành văn lặp đi lặp lại và tồn tại bao nhiêu năm nay. Bất kỳ bác sĩ nào cũng đều chỉ cần nghe báo cáo miệng, bàn giao miệng đều chấp nhận kết quả sửa chữa đó, không phản ứng gì khác.

“Có thể khẳng định bị cáo rơi vào vòng lao lý, bị chịu trách nhiệm hình sự về tội “Vô ý làm chết người” không phải do không làm đúng quy trình chạy thận, không phải do không làm hết trách nhiệm được giao, mà do không thực hiện hết các biện pháp, cách thức mà pháp luật và các cơ quan tiến hành tố tụng đòi hỏi để biết nước RO đã đủ an toàn sau sửa chữa hay chưa trước khi ra y lệnh.

Nói cách khác, những người tiến hành tố tụng đòi hỏi Hoàng Công Lương phải thực hiện được nhiều biện pháp hơn là chỉ nghe điều dưỡng báo cáo miệng về việc hệ thống RO đã được bàn giao sau sửa chữa và về chất lượng hệ thống RO sau sửa chữa: Chẳng hạn như, phải biết có biên bản bàn giao, phải nhìn thấy biên bản bàn giao hợp lệ cả về hình thức lẫn nội dung. Ra y lệnh khi chưa biết chắc chắn nước RO đã an toàn, là sự cụ thể hóa dấu hiệu “vi phạm quy tắc an toàn thông thường về đảm bảo tính mạng, sức khỏe con người” trong cấu thành của tội Vô ý làm chết người”, Luật sư Hoàng Văn Hướng cho biết.

Ngoài ra luật sư này cũng cho rằng, để xảy ra sự cố đó cũng xuất phát từ các nguyên nhân khách quan dẫn đến nhận thức quá tự tin của Hoàng Công Lương khi ra y lệnh. Đó là, nguyên nhân thuộc về quá trình đào tạo lọc máu tại Bệnh viện Bạch Mai cho các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, về quy trình bất thành văn của bệnh viện, về trang thiết bị hỗ trợ các bác sĩ kiểm tra chất lượng nước RO và về tính cấp thiết của việc ra y lệnh diễn ra vào ngày 29/5/2017.

Quan điểm của Bộ Y tế

Trước phiên tòa phúc thẩm của vụ án, để bảo đảm tính công minh của luật pháp và bảo vệ cho các y bác sĩ và cán bộ y tế trong quá trình khám chữa bệnh cho bệnh nhân, Bộ Y tế đã có Công văn 2569 gửi TAND tỉnh Hòa Bình, VKSND tỉnh Hòa Bình và cho rằng: Tuyên phạt bác sĩ Lương về tội “Vô ý làm chết người” là chưa phù hợp, không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Việc vẫn xác định tội danh và mức án của bác sĩ Lương như hiện tại sẽ là tiền lệ vô cùng nguy hiểm, rất xấu và tạo ra tâm lý bất an cho các nhân viên y tế trong cả nước.

Trao đổi về vấn đề này với Báo GD&TĐ, đại diện Bộ Y tế, ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế cũng bày tỏ quan điểm: Việc bác sĩ Hoàng Công Lương nhận tội trước tòa được coi đó là nhận thức và quyền của bị cáo. Tuy nhiên, khi định danh tội đó không phụ thuộc vào bị cáo Hoàng Công Lương mà hoàn toàn phụ thuộc vào HĐXX. Vì khi đưa ra một bản án, một tội danh thì phải hội tụ đủ các yếu tố cấu thành tội phạm là chủ thể, khách thể, chủ quan và khách quan. Nếu như hội tụ đủ các yếu tố đó thì việc tuyên án mới đủ sức thuyết phục, đủ sức răn đe, đủ sức cưỡng chế của Nhà nước đối với các tội phạm.

Khi một sự cố y khoa xảy ra và gây tử vong cho người bệnh, đặc biệt đối với sự cố y khoa xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình với số đông những người bệnh tử vong, Bộ Y tế cũng đánh giá đó là sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng và hy hữu, có thể nói là chưa từng xảy ra tại Việt Nam và thế giới. Qua sự cố y khoa này cũng là dịp để Bộ Y tế rà soát lại tất cả các cơ sở có thực hiện việc chạy thận nhân tạo. Từ đó có các biện pháp tập huấn, kiểm tra để các cơ sở này thực hiện đầy đủ các quy định mang tính chất chuyên môn, có thể kiểm soát được những rủi ro và an toàn cho người bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.