Đề thi ĐH không ra vào phần tinh giản
Trước ký kiến lo lắng nội dung đề thi của trường đại học tổ chức thi riêng, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết: Bộ GD&ĐT đã quy định nội dung chương trình đã được tinh giản, cụ thể là nội dung được ghi chú "không dạy", "không làm", "không thực hiện", "khuyến khích học sinh tự đọc, tự học" sẽ không kiểm tra đánh giá, không đưa vào đề thi - bất kể là kì thi nào dành cho đối tượng học sinh phổ thông (thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh đại học, cao đẳng).
Tuy nhiên, lưu ý với các em học sinh, nội dung được ghi chú "tự học có hướng dẫn" vẫn nằm trong phạm vi sẽ kiểm tra, đánh giá và thi. Đây chỉ là điều chỉnh nhằm đổi mới cách tổ chức dạy học, nhằm phát huy năng lực tự học của học sinh.
Đưa lời khuyên tới thí sinh, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, thí sinh cần chủ động xây dựng đề cương và kế hoạch ôn tập theo từng ngày của mỗi môn học sẽ thi và phải kiên trì đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch đó. Nếu vì lý do nào đó mà chưa thực hiện được một nội dung trong kế hoạch thì phải cố gắng học bù ngay, không để ảnh hưởng đến các nội dung tiếp theo như trong kế hoạch.
Trong quá trình ôn tập, cần dựa vào nội dung chương trình đã được tinh giản và hướng dẫn của các thầy cô qua internet và truyền hình trong thời gian không đến trường do dịch Covid-19 và sau khi quay trở lại trường. Cùng với đó, cần tập trung tự học, tự nghiên cứu để nắm vững kiến thức cơ bản theo yêu cầu của chương trình và sách giáo khoa.
Khi gặp những vấn đề còn chưa hiểu rõ, chưa nắm chắc, nên chủ động liên hệ với thầy cô để được hướng dẫn kịp thời và hiểu rõ trước khi tiếp tục học các kiến thức có liên quan.
Phải làm sao khi trường ĐH ra đề thi tự luận?
Kỳ thi THPT quốc gia trước đây và năm 2020 là Kỳ thi tốt nghiệp THPT đều thi trắc nghiệm (trừ môn Ngữ văn); tuy nhiên, năm nay có trường ĐH tổ chức thi riêng lại ra đề thi tự luận. Trước lo lắng này của thí sinh, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết:
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, việc kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kì phải kết hợp cả hình thức tự luận và trắc nghiệm. Ngoài ra Bộ GD&ĐT cũng cho phép các nhà trường chủ động áp dụng linh hoạt các hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh qua các hoạt động, sản phẩm học tập, nghiên cứu nhằm khuyến khích việc dạy học tích cực, phát huy năng lực, phẩm chất học sinh qua quá trình hoạt động, học tập.
Tuy nhiên, dù là áp dụng hình thức đánh giá nào thì điều trước hết, học sinh cũng cần nắm vững kiến thức cơ bản, cốt lõi. Mỗi hình thức đánh giá, sẽ giúp các em được luyện tập, bồi đắp thêm các năng lực khác nhau.
Nếu học sinh nắm vững được kiến thức cơ bản, kết hợp với việc ôn luyện do các thầy cô giáo ở trường phổ thông hướng dẫn để có kĩ năng làm các bài thi theo hình thức tự luận, trắc nghiệm thì sẽ đạt hiệu quả tốt trong kì thi.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Thành, trong thời gian học sinh không đến trường, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các địa phương, các trường tổ chức dạy học qua internet và truyền hình, bố trí giáo viên quản lý, hướng dẫn, hỗ trợ học sinh tự học, ôn luyện bằng mọi hình thức.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã tinh giản nội dung chương trình để giảm áp lực cho học sinh, phù hợp với thời gian thực học của học kì II năm học này; điều chỉnh thời gian kết thúc năm học và lùi thời gian tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT đủ để các nhà trường tổ chức dạy đủ chương trình và ôn luyện.
Bộ GD&ĐT cũng quy định những nội dung chương trình đã được giảm tải sẽ không kiểm tra, đánh giá và thi.
“Đó là những cố gắng của Bộ GD&ĐT nhằm giảm áp lực, khó khăn cho các nhà trường và học sinh trong tình huống đặc biệt các nhà trường trên cả nước đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19” – ông Nguyễn Xuân Thành chia sẻ tại buổi giao lưu sáng nay do báo Tuổi Trẻ tổ chức.