Vụ phimmoi.net: “Người dùng tiếp tay cho hành vi xâm phạm quyền tác giả”

GD&TĐ - Từ vụ phimmoi, Luật sư Phan Vũ Tuấn, Giám đốc Văn phòng Luật sư Phan Law, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TPHCM đã có những chia sẻ với GD&TĐ xung quanh vấn đề vi phạm quyền tác giả trên môi trường số hiện nay.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

- Ông đánh giá thế nào về độ vi phạm bản quyền của trang web phimmoi.net?

- Website phimmoi.net đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền tác giả, quyền liên quan của chủ sở hữu những tác phẩm phim, tác phẩm điện ảnh. Hành vi vi phạm bản quyền của phimmoi.net đã diễn ra trong một thời gian dài, có quy mô lớn và ngày càng phát triển với nhiều cách thức khác nhau, rất tinh vi và khó kiểm soát.

Phimmoi.net xuất hiện và được biết đến rộng rãi tại Việt Nam từ những năm 2010 dưới hình thức một website chuyên cung cấp phim điện ảnh không phải trả phí. Việc cung cấp này hoàn toàn chưa được sự cho phép, đồng ý của chủ sở hữu các tác phẩm phim điện ảnh.

Phần lớn, hành vi vi phạm của phimmoi.net được thực hiện qua cách thức sao chép, sử dụng, trình chiếu, truyền đạt các tác phẩm điện ảnh ra công chúng để thu lợi bất chính từ hoạt động kinh doanh quảng cáo sản phẩm, dịch vụ trái phép trên các bộ phim có bản quyền với số tiền đặc biệt lớn.

Theo trang web thống kê lượng truy cập Alexa.com, tính đến ngày 27/7/2018, phimmoi.net có thứ hạng Alexa là 15 tại Việt Nam và 2.182 trên toàn cầu. Trang web này ước tính có khoảng 50.320.000 khách truy cập hàng tháng. Bên cạnh đó, dữ liệu lịch sử do

SimilarWeb cung cấp, đã có sự tăng trưởng 22% trong tổng số lượt truy cập kể từ tháng 4/2018 từ 45.100.000 lên 55.080.000 vào tháng 6/2018, trong đó 95,62% lưu lượng truy cập là từ Việt Nam.

Website này không chỉ cung quyền truy cập vào nhiều nội dung vi phạm đối với các tựa phim truyền hình mà còn cấp quyền truy cập đến những tác phẩm điện ảnh, bao gồm nội dung từ các hãng phim Hollywood mới được công chiếu.

Tính đến ngày 27/7/2018, phimmoi có thư viện gồm 3.800 tựa phim và 2.697 phim truyền hình, trong đó một số chưa được phát hành ở bất kỳ định dạng giải trí gia đình nào ở bất cứ đâu trên thế giới. Nội dung mới luôn được cập nhật bổ sung thường xuyên.

Qua những hành vi vi phạm, theo thống kê của HypeStat, Phimmoi.net kiếm được khoảng 58.290 USD mỗi tháng từ doanh thu quảng cáo. Ngoài ra, nguồn doanh thu còn được bổ sung bởi các trang web lưu trữ, thông thường các trang web lưu trữ sẽ trả cho người tải lên một khoản tiền nhất định trên 10.000 lượt xem.

Mặt khác, trang web này có hình thức hoạt động rất tinh vi và khó kiểm soát. Sau khi trang web phimmoi.net chính thức bị “khai tử” vào ngày 17/6/2020, những nhân vật đứng sau website phim lậu này không những không chịu khuất phục mà còn cho ra đời thêm nhiều tên miền mới như phimmoiz.net, phimmoizz.net, phimmoizzz.net và zphimmoi.com, phimmoii.org, zphimmoi.tv, phimmoi.be...

Ngoài các dữ liệu được ghi nhận trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam nói trên, phimmoi.net còn được biết đến ở một số quốc gia trên thế giới như Mỹ, Pháp, Canada và Hà Lan. Theo thống kê của website similarweb, thì trong năm 2020, vị trí của phimmoi.net là 832 trên toàn thế giới và đứng vị trí thứ 27 trong toàn bộ website trong ngành công nghiệp giải trí toàn thế giới.

Có thể thấy, hành vi xâm phạm bản quyền của phimmoi.net không chỉ được thực hiện một cách bài bản, có hệ thống với quy mô lớn không chỉ tại Việt Nam mà còn mang tầm cỡ quốc tế. Việc xâm phạm đã được diễn ra trong một thời gian dài, gây nên rất nhiều ảnh hưởng xấu đến các chủ thể quyền, tác động tiêu cực đến môi trường pháp lý bản quyền bền vững tại Việt Nam và sự phát triển chung của xã hội.

- Thực tế cho thấy phimmoi.net có nhiều “khách hàng” truy cập vào. Vậy, người dân khi sử dụng một sản phẩm không có bản quyền, có phải là tiếp tay cho vi phạm không?

Luật sư Phan Vũ Tuấn.
Luật sư Phan Vũ Tuấn.

- Những website phim lậu như phimmoi.net sở dĩ có thể tồn tại dai dẳng và phát triển mạnh mẽ như vậy xuất phát từ việc số tiền mà họ thu được từ hoạt động quảng cáo trên những website này là một con số khổng lồ.

Chỉ riêng với phimmoi, giá quảng cáo là 18.000.000 đồng mỗi tuần cho việc hiển thị 1 TVC trước khi phim được chiếu và 16.000.000 đồng mỗi tuần cho việc trình chiếu TVC ở giữa bộ phim ngoài ra còn doanh thu quảng cáo tới từ các nguồn như Skimlinks, MGID, Propeller Ads Media, Google Ads và PopAds…

Cũng chính vì thế mà thị trường phim lậu tại Việt Nam hiện nay có thể nói là rất “sôi nổi” và chuyên nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, việc xây dựng các website phim lậu đang được các cá nhân, tổ chức vi phạm xem như là một phương thức startup để nhanh chóng kiếm tiền mà không cần vốn.

Vậy lý do từ đâu mà nguồn thu từ hoạt động quảng cáo trên các website lậu này lại cao đến như vậy? Đây là một câu hỏi không khó trả lời khi mà cơ chế xác định nguồn thu từ quảng cáo dựa vào số lượng người truy cập, tiếp cận.

Thực tế cho thấy rằng, các website lậu này luôn duy trì được một số lượng “khách hàng” to lớn và ổn định duy trì truy cập vào xem phim. Do đó, một khi còn tồn tại nhu cầu xem phim không cần trả tiền của “khách hàng” thì các website lậu vẫn sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển, có cầu ắt sẽ có cung đây là quy luật tất yếu của thị trường.

Có thể nói rằng, nhân tố thật sự quyết định, gián tiếp tiếp tay cho sự phát triển của những hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan này không ai khác chính là người dùng cuối cùng - người xem phim trên những website này mà không cần quan tâm đến câu chuyện bản quyền phía sau đó.

Không sai khi nói rằng, những người xem phim lậu, những người tìm đến những sản phẩm vi phạm bản quyền để thỏa mãn nhu cầu giải trí của mình chính là những kẻ “đồng phạm”, là những người tiếp tay cho các hành vi trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền.

Không những vậy, việc xem phim lậu diễn ra phổ biến như hiện nay làm cho giới trẻ ngày càng có tư duy sai lầm rằng, việc xem lậu là đúng đắn, xem phim trả phí là làm tiền cư dân mạng, từ đó góp phần cổ súy cho các hành vi vi phạm bản quyền của các chủ thể đứng sau các website lậu.

- Thời gian qua, không riêng gì lĩnh vực phim ảnh, tình trạng in ấn và kinh doanh sách lậu… cũng được đề cập nhiều. Theo ông làm gì để việc chấp hành luật pháp về bản quyền tại VN được nghiêm minh?

- Sự điều chỉnh của pháp luật nước ta hiện nay trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung và khía cạnh quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng khá bao quát và chặt chẽ, bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể quyền.

Đặc biệt, đối với các hành vi xâm phạm, pháp luật cũng đặt ra nhiều trách nhiệm pháp lý, bao gồm cả dân sự, hành chính và hình sự để xử lý các hành vi xâm phạm tùy theo tính chất, mức độ và quy mô của hành vi xâm phạm.

Mặc dù, pháp luật quy định khá đầy đủ và chi tiết như vậy, nhưng dường như việc chấp hành các quy định của pháp luật này lại chưa thật sự nghiêm minh, nghiêm túc.

Chính vì vậy mà thời gian qua, không ít các vụ việc xâm phạm bản quyền như vấn nạn sách giả, USB, ổ cứng chép nhạc, vấn nạn xâm phạm bản quyền các tác phẩm âm nhạc trên các trang mạng xã hội hay điển hình là vấn nạn xâm phạm bản quyền các tác phẩm điện ảnh trên các website lậu đang được đề cập sôi nổi trong thời gian gần đây.

Một trong những nguyên do quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến việc chấp hành các quy định của pháp luật về bản quyền xuất phát từ ý thức của mỗi cá nhân.

Để việc chấp hành các quy định của pháp luật nói chung và các quy định bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam được thực hiện một cách nghiêm minh, đầu tiên cần nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật và ý thức tôn trọng thành quả lao động sáng tạo của các chủ thể quyền.

Mỗi cá nhân, tổ chức phải tự ý thức khi sử dụng những tài sản trí tuệ của người khác, không nên tự biến mình trở thành kẻ tiếp tay cho các chủ thể khác thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

Ngoài ra, như hầu hết các nước đang phát triển trên thế giới, để hạn chế và kiểm soát được vấn nạn xâm phạm bản quyền tại Việt Nam, trong cơ chế và chính sách quản lý của Nhà nước liên quan đến các vấn đề này, Nhà nước ta cần xây dựng lộ trình để giải quyết tận gốc rễ các vấn đề sau:

Thứ nhất, nâng cao hiểu biết của cộng đồng, người dân trong việc tôn trọng quyền tác giả và quyền liên quan bằng các biện pháp tuyên truyền, truyền thông.

Thứ hai, đẩy mạnh việc thực thi bảo vệ và chống xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là trên môi trường số.

Thứ ba, sửa đổi, cập nhật quy định pháp luật để phù hợp với xu thế hiện tại và đưa ra các hình phạt có giá trị răn đe ở cả 3 mảng hành chính, dân sự và hình sự.

- Xin cám ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.