Vụ nghiên cứu sinh và hội đồng chấm luận án đưa nhau ra tòa: Liên quan đến “văn hóa đánh giá học thuật”?

Vụ nghiên cứu sinh và hội đồng chấm luận án đưa nhau ra tòa: Liên quan đến “văn hóa đánh giá học thuật”?

Liên quan phiên tòa xử vụ tranh chấp việc bảo vệ luận án tiến sĩ giữa ông Nguyễn Hoàng Anh Tuấn và một số thành viên hội đồng chấm luận án thuộc Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHKHXH&NV) - ĐH Quốc gia TPHCM, người hướng dẫn cho rằng, việc xảy ra kiện tụng do nghiệp vụ chứ không phải do chuyên môn.

Người hướng dẫn nói gì?

Trong bản nhận xét đánh giá đề nghị nhà trường cho phép NCS Nguyễn Hoàng Anh Tuấn bảo vệ luận án trước Hội đồng đánh giá cấp trường, TS Trần Long (Khoa Văn hóa học - Trường ĐHKHXH&NV TPHCM) - người hướng dẫn thứ 2 của NCS nhận định: "Luận án "Ả đào trong văn hóa Việt Nam" của NCS Nguyễn Hoàng Anh Tuấn bàn về một đề tài quan trọng của văn hóa Việt Nam - văn hóa của những phụ nữ tài sắc hành nghề hát Ca Trù…

Luận án "Ả đào trong văn hóa Việt Nam" là một công trình NCKH có tính mới trong một lĩnh vực còn đang nhiều tranh cãi như văn hóa học, có đóng góp về mặt lý luận thông qua việc vận dụng những lý thuyết về văn hóa của các học giả hàng đầu thế giới, so với mặt bằng chung của việc đào tạo tiến sĩ về chất lượng lẫn hình thức".

Theo TS Trần Long, đề tài nghiên cứu nào cũng có cái khó và dù tìm được phương pháp nghiên cứu thích hợp, chịu khó tìm tư liệu, xử lý tư liệu... thì cũng chỉ ở phạm vi "hoàn thành bài tập tốt nghiệp", nhiều vấn đề chuyên sâu vẫn còn phải tiếp tục sau khi hoàn thành luận án. Dù sao, NCS cũng đã qua các bước đánh giá cơ bản và được Phòng Sau Đại học cho làm thủ tục bảo vệ cấp trường (trước đây là cấp Nhà nước) để nhận học vị tiến sĩ. Như vậy, NCS cơ bản hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu và các cán bộ hướng dẫn gần như đã hoàn thành trách nhiệm.

Nói về cảm xúc khi NCS do mình hướng dẫn bị Hội đồng 2 lần bỏ phiếu không thông qua luận án, TS Trần Long chia sẻ: "Vấn đề công trình nghiên cứu của NCS không được hội đồng thông qua là điều bình thường nếu chưa đạt yêu cầu, dù 1 lần hay 2 lần. Về mặt khách quan, tính nghiêm ngặt trong học thuật là cần thiết. Thực lực của NCS cũng có giới hạn nên điều này xảy ra không có gì lạ. 

Về mặt chủ quan, nếu vì cá tính của NCS mà một vài thành viên không tán thành thì đó là chuyện khác, là chuyện "văn hóa đánh giá học thuật". Sự thật, đây là điều khó xác minh, khó quy trách nhiệm nên khó giải quyết triệt để, thậm chí một số ngôn từ được sử dụng cho vấn đề này là "vấn đề nhạy cảm’, vấn đề "văn hóa ứng xử" cả thầy lẫn trò. Và thỉnh thoảng, đâu đó, ở các trường có đào tạo sau đại học vẫn nghe NCS bộc lộ tâm lý "sốc" vì gặp phải trường hợp này".

Bàn về việc 3/6 thành viên hội đồng bỏ phiếu không thông qua, thể hiện khoảng cách khá lớn trong việc giá chất lượng của luận án, TS Trần Long cho rằng: "Giảng viên đại học có 2 điều kiện cần và đủ là chuyên môn và nghiệp vụ. Trường ĐHKHXH&NV TPHCM là đơn vị được phép đào tạo Tiến sĩ dĩ nhiên đã có bề dày kinh nghiệm về chuyên môn do có một đội ngũ cơ hữu và các cộng tác viên giỏi chuyên môn. Việc thỉnh thoảng xảy ra kiện tụng hay "sốc" về phía NCS là do nghiệp vụ chứ không phải do chuyên môn.

Tôi nghĩ cha ông mình nói có lý là "sinh nghề tử nghiệp" nhưng với ngành sư phạm, sai sót nghiệp vụ có thể có và vấn đề sẽ không trầm trọng nếu người trong cuộc nhìn thấy và nhận trách nhiệm. Bản thân tôi cũng vậy, bây giờ khi nhớ về một người thầy cũ là tôi rướm nước mắt vì người thầy ấy đã nói với tôi một câu: ‘Trong việc này thầy có lỗi một phần, em yên tâm!’".

Vụ nghiên cứu sinh và hội đồng chấm luận án đưa nhau ra tòa: Liên quan đến “văn hóa đánh giá học thuật”? ảnh 1
Trường ĐH KHXH&NV TPHCM - nơi NCS Nguyễn Hoàng Anh Tuấn bảo vệ luận án tiến sĩ. Ảnh: IT

"Vụ kiện là điều trường không mong muốn"

Nêu quan điểm về vụ kiện, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV TPHCM cho rằng: "Trong suốt 2 năm qua, nhà trường đã giải quyết các đơn khiếu nại, kiến nghị, phản ánh của NCS Tuấn một cách công khai, minh bạch, đúng pháp luật, thể hiện rõ trách nhiệm và vai trò của đơn vị đào tạo, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của người học. Vụ kiện này là điều nhà trường hoàn toàn không mong muốn. Khi đã khởi kiện ra tòa án thì các bên liên quan phải tuân thủ phán quyết cuối cùng và những sai phạm nếu có phải được xử lý theo quy định của pháp luật".

Một điểm đáng lưu ý là hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ cấp đơn vị chuyên môn lần 2 của ông Tuấn có 3/6 thành viên bỏ phiếu không thông qua. Điều này đặt ra nghi vấn hội đồng chấm luận án TS của ông Tuấn có sự bất đồng quan điểm trong việc bỏ phiếu? Lý giải điều này, đại diện Trường ĐHKHXH&NV TPHCM cho rằng: Không có sự bất đồng quan điểm đánh giá của 6 thành viên Hội đồng chấm luận án cấp đơn vị chuyên môn lần 2 luận án tiến sĩ "Ả đào trong văn hóa Việt Nam" của NCS Tuấn.

Mặc dù, có 3/6 phiếu không thông qua nhưng tất cả các phiếu đều thống nhất là luận án còn nhiều khiếm khuyết cần sửa chữa. Chỉ khác nhau ở hình thức góp ý, xem xét luận án sau khi sửa chữa. Cụ thể, nếu luận án được thông qua thì NCS sau khi sửa chữa luận án, sẽ nộp luận án cho Chủ tịch hội đồng xem, xác nhận vào bản giải trình những nội dung đã sửa chữa.

"Trường hợp luận án không được thông qua, đơn vị chuyên môn sẽ tổ chức phiên họp đánh giá mới để các thành viên Hội đồng trực tiếp góp ý, xem xét luận án đã được sửa chữa của NCS và NCS có điều kiện giải thích, bảo vệ những nội dung đã sửa chữa trước Hội đồng. Như vậy, trong trường hợp NCS Tuấn, các thành viên Hội đồng bỏ phiếu trái ngược chỉ khác nhau ở việc chọn lựa hình thức góp ý, xem xét luận án sau khi sửa chữa.

Việc bảo vệ luận án cấp đơn vị chuyên môn được phép tiến hành nhiều lần nhằm mục đích giúp luận án của NCS hoàn thiện trước khi bảo vệ cấp trường. Trong công tác đào tạo, trường luôn đặt chất lượng lên hàng đầu. Quá trình đào tạo đã có một số học viên cao học bảo vệ luận văn và nghiên cứu sinh bảo vệ luận án không đạt. Khi luận văn không đạt, học viên cao học có thể bảo vệ lại lần 2. Đối với NCS, luận án không đạt có thể bảo vệ lại nhiều lần ở cấp đơn vị chuyên môn và bảo vệ lần hai ở cấp cơ sở đào tạo" - PGS.TS Ngô Thị Phương Lan thông tin.

Liên quan đến quy trình, quy định về chấm điểm Luận án của NCS, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan cho biết: "Việc đánh giá luận án được quy định cụ thể trong Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ. Sau khi công bố bản nhận xét, đánh giá, mỗi thành viên sẽ tham gia bỏ phiếu kín. Luận án đạt yêu cầu khi có 6/7, 5/6, 4/5 thành viên Hội đồng có mặt tại phiên họp cuối cùng bỏ phiếu tán thành. Quy trình đánh giá luận án được thực hiện theo Cẩm nang Sau đại học 2007 - 2008 và Cẩm nang Sau đại học 2012; là một phần trong Quy trình tổ chức đào tạo tiến sĩ của nhà trường ban hành năm 2014. Năm 2019, nhà trường đã ban hành các quy trình mới liên quan đến việc đánh giá luận án ở hai cấp: Cấp đơn vị chuyên môn và cấp trường".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.