Vụ khởi tố “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản: Dự án vi phạm gì?

GD&TĐ - Theo thông cáo của cơ quan công an, ông Lê Thanh Thản bị khởi tố bị can để điều tra về tội danh: Lừa dối khách hàng (Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015) ở dự án Tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes (dự án CT6 Bemes, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông). Ngày 11/7, phóng viên Báo GD&TĐ có mặt tại tổ hợp chung cư này và ghi nhận sự bức xúc của người dân khi bị chủ đầu tư dự án lừa dối.

Tòa CT6C được cho là xây dựng 32 tầng trên ô đất quy hoạch vườn hoa phục vụ cho công trình CT6A và CT6B. Ảnh: Thế Đại
Tòa CT6C được cho là xây dựng 32 tầng trên ô đất quy hoạch vườn hoa phục vụ cho công trình CT6A và CT6B. Ảnh: Thế Đại

Chủ đầu tư dự án vi phạm gì?

Ngày 11/7, người dân tại các tòa nhà CT6A, CT6B, CT6C thuộc dự án Tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes vẫn bàn luận sôi nổi về thông tin ông Lê Thanh Thản bị khởi tố để điều tra về hành vi vi phạm pháp luật đã gây ra. Phần lớn người dân ở đây tỏ ra không bất ngờ và hy vọng sự việc sẽ được các cơ quan bảo vệ pháp luật làm nghiêm, làm đến cùng sự việc để trả lại quyền lợi cho người dân - những người đã mua nhà tại dự án này.

Chủ đầu tư dự án là ông Lê Thanh Thản - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần sản xuất - xuất nhập khẩu Bemes. Dự án nằm trong tổng thể quy hoạch khu đô thị mới Xa La, có mặt tiền ở đường 70, đối diện Bệnh viện 09 Hà Nội. Theo quy hoạch và thiết kế được duyệt, khu chung cư này gồm 2 tòa nhà CT6A và CT6B, số nhà thấp tầng, biệt thự liền kề là 34 căn.

Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án đã xây dựng 3 tòa CT6A, CT6B, CT6C (tăng 1 tòa CT6C so với quy hoạch), tổng số căn hộ chung cư CT6 là 1.590 căn (tăng 654 căn so với quy hoạch được phê duyệt). Tòa CT6C được người dân cho rằng có vi phạm nghiêm trọng vì tự ý xây dựng 32 tầng trên ô đất quy hoạch là vườn hoa phục vụ cho công trình CT6A và CT6B.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, chị Nguyễn Vương Thùy - chủ căn hộ tại CT6C bức xúc nói: “Tôi không bất ngờ về việc ông Thản bị khởi tố, việc này đáng lẽ phải diễn ra từ lâu rồi. Hy vọng cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ xử lý nghiêm và có biện pháp trả lại quyền lợi cho người dân chúng tôi”. Theo chị Thùy, vợ chồng chị mua nhà tại dự án này từ năm 2013, nhận bàn giao thô, giá trên hợp đồng là 17,5 triệu đồng/m2, tổng giá trị căn hộ là gần 2 tỷ đồng.

Phân tích việc vì sao ông Lê Thanh Thản không bị bắt tạm giam, được cho tại ngoại, luật sư Bùi Quang Thu - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, theo quy định của pháp luật, đây là tội ít nghiêm trọng nên người phạm tội sau khi nhận tống đạt quyết định khởi tố bị can thì không bị tiến hành tạm giam và được tại ngoại. 

“Cũng như hàng trăm hộ dân đang sinh sống tại tòa CT6C khi mua nhà đều nhận được tư vấn là dự án đầy đủ căn cứ pháp lý, đúng quy hoạch, chỉ 1 - 2 năm sau sẽ được cấp Giấy chứng nhận sở hữu căn hộ. Vì tin tưởng vào điều đó nên gia đình tôi cùng các hộ dân ở khu chung cư này đã ký hợp đồng mua nhà và yên tâm ở” - chị Thùy cho biết.

Khoảng năm 2015, những hộ dân ở các tòa nhà lân cận đã làm xong Giấy chứng nhận sở hữu căn hộ, nhưng đến lượt các hộ dân ở tòa CT6C đi làm giấy tờ thì bị cơ quan quản lý Nhà nước từ chối. Lúc này hàng nghìn người dân tại tòa nhà mới “ngã ngửa” khi biết họ mua phải căn hộ ở tòa chung cư có vi phạm, không đúng quy hoạch.

Hàng xóm của chị Thùy (xin được giấu tên) cũng bức xúc cho biết: “Gia đình tôi đã bán hết đất đai, tài sản ở quê lấy vốn mua nhà tại dự án để ở cùng các con. Vì mua phải căn hộ ở dự án vi phạm về quy hoạch xây dựng nên gia đình tôi không thể làm sổ. Vì đó các con của tôi cần vốn làm ăn mà bất lực vì không có sổ để thế chấp ngân hàng. Đấu tranh mãi chúng tôi đã mỏi mệt rồi, giờ chỉ mong cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý nghiêm chủ đầu tư và có biện pháp trả lại công bằng cho người dân chúng tôi”.

Những hộ dân phải tận dụng hành lang làm nơi đặt giàn phơi quần áo
Những hộ dân phải tận dụng hành lang làm nơi đặt giàn phơi quần áo
Dân góp tiền đi đòi quyền lợi

Biết bị lừa dối, người dân ở tòa CT6C đã nhiều năm nay đi gõ cửa các cơ quan quản lý Nhà nước đòi quyền lợi nhưng đến nay họ chỉ nhận được cái lắc đầu. Người dân tòa CT6C đã nhiều lần thuê luật sư làm tư vấn, đại diện pháp lý cho họ đi đòi sự công bằng nhưng câu chuyện cấp sổ vẫn hoàn không.

Cư dân chung cư này đã lập nhóm kín trên mạng xã hội để cùng nhau đồng lòng đi đòi quyền lợi. Mỗi chủ căn hộ ở đây đã tự nguyện góp 500.000 đồng và bầu ra một nhóm có sự am hiểu về pháp luật tình nguyện đi đòi quyền lợi cho cư dân.

Các tòa nhà trong tổ hợp chung cư được gọi là cao cấp này đều cao 32 tầng. Theo phản ánh của người dân, tầng 2 và 3 của các tòa nhà theo quy hoạch vốn là tầng thương mại. Công năng là tầng thương mại, nhưng để tăng lợi nhuận kinh tế, các tầng này được “bổ” thành các căn hộ để bán. Thậm chí lỗ thông hơi tầng 1 tòa nhà CT6C cũng được chủ đầu tư bịt kín, biến thành căn hộ nhỏ bán cho người dân.

Có mặt tại tầng 2 các tòa nhà dự án này, Báo GD&TĐ ghi nhận hành lang ngập giàn phơi quần áo người lớn và trẻ em, các căn hộ kiểu “ổ chuột” nằm san sát nhau tạo thành một mê cung. Mỗi căn có diện tích khoảng hơn 30 m2, không ban công. Để có chỗ ngủ phần lớn chủ căn hộ phải làm thêm gác xép, quần áo được mang ra hành lang phơi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.