V.Putin - Obama: 2 - 0

V.Putin - Obama: 2 - 0

(GD&TĐ) - Cuối tuần qua, trên mục “Ý kiến” của tờ báo hàng đầu nước Mỹ The New York Times đã đăng tải bài viết của Tổng thống Nga  V.Putin. Bài viết đã tạo ra cuộc tranh luận sôi nổi trong xã hội Mỹ, được đánh giá là “cơn địa trấn mang tên Putin” ở nước Mỹ. Không còn nghi ngờ gì nữa, kể từ khi Barack Obama tuyên bố tấn công Syria, bài viết trên The New York Times hôm thứ Năm tuần trước đã nâng tỷ số của trận đấu Putin -Obama lên 2 - 0.Lời cảnh báo từ nước Nga

Trong bài báo được đăng tải trên The New York Times số ra ngày thứ Năm (11/9), Tổng thống Nga V.Putin thách thức cái gọi là đặc quyền của Mỹ trong việc giải quyết chính sách đối ngoại bằng vũ lực. V.Putin viết: “Tôi cho rằng sẽ rất nguy hiểm nếu gieo vào đầu của người dân ý tưởng đặc quyền”. Tổng thống Nga kêu gọi Washington không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước vừa và nhỏ, những nước đang tìm cho mình một con đường phát triển dân chủ.

Tổng thống Nga lo ngại rằng “sự can thiệp quân sự của Mỹ vào các cuộc xung đột nội bộ của các quốc gia khác đã trở thành phổ biến. Chẳng lẽ đó lại là lợi ích lâu dài của Mỹ? Tôi nghi ngờ điều đó. Hàng triệu người trên thế giới càng ngày càng nhìn thấy ở Mỹ không phải là mô hình dân chủ mà là quốc gia chỉ dựa vào sức mạnh vũ phu để thành lập liên minh với khẩu hiệu “Ai không theo chúng ta là chống lại chúng ta”.

Theo V.Putin, việc sử dụng vũ lực của Mỹ đối với các nước khác đã để lại hậu quả nghiêm trọng: “Afghanistan đang quay cuồng và không ai có thể nói điều gì sẽ xảy ra sau khi lực lượng quốc tế rút lui. Lybia bị chia thành các khu vực chịu ảnh hưởng của các bộ tộc, gia tộc. Cuộc nội chiến ở Iraq vẫn tiếp tục và mỗi ngày hàng chục người ngã xuống…”.

Riêng về vấn đề Syria, V.Putin cho rằng cuộc tấn công của Mỹ chỉ có thể dẫn đến bạo lực gia tăng, dẫn đến làn sóng khủng bố mới và những thiệt hại mới, xuất hiện những nạn nhân vô tội mới… Cuộc xung đột có thể vượt xa biên giới Syria, làm suy yếu những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Iran, giải quyết xung đột Ả Rập - Israel, tiếp tục gây bất ổn cho Trung Đông và Bắc Phi, phá vỡ thế cân bằng của trật tự thế giới và sự hoàn chỉnh của luật pháp quốc tế. Trong bài viết của mình, V.Putin cảnh báo rằng những người đấu tranh cho dân chủ ở Syria không nhiều, còn những kẻ cực đoan, những chiến binh Al-Qaeda trong đội ngũ phe đối lập thì không thiếu.

Tổng thống Nga tái khẳng định sự cần thiết phải tôn trọng luật pháp quốc tế, rằng chỉ có thể sử dụng vũ lực trong hai trường hợp - hoặc tự vệ, hoặc theo quyết định của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trong bài viết của mình, V.Putin khẳng định có nhiều lý do để tin rằng phe đối lập ở Syria đã sử dụng vũ khí hóa học nhằm khiêu khích can thiệp của nước ngoài vào xung đột.

 “Có những nước lớn, nước nhỏ, những nước giàu, nước nghèo, những nước có bề dày dân chủ, những nước đang trên con đường tìm đến dân chủ. Và chính sách của họ cũng rất khác nhau. Chúng ta đều khác nhau, nhưng khi chúng ta thỉnh cầu phước lành của Chúa, chúng ta không được quên rằng Chúa tạo ra chúng ta bình đẳng” - V.Putin kết thúc bài viết.

Barack Obama đàm đạo với V.Putin tại Northern Ireland tháng 7/2013
Barack Obama đàm đạo với V.Putin tại Northern Ireland tháng 7/2013
 

Và phản ứng từ nước Mỹ

Bài viết của V.Putin tạo ra phản ứng dữ dội trong chính giới Mỹ. Trên Twitter, tỷ phú lừng danh và từng là ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump viết: “Bài viết của Putin là niềm tự hào của Nga và là thảm họa của Mỹ. Ông ấy đã dạy cho Tổng thống của chúng ta một bài học. Chưa  bao giờ đất nước ta tỏ ra bất lực như vậy”. Cũng trên Twitter của mình, Thượng Nghị sĩ John McCain gọi bài báo là “sự lăng nhục trí tuệ của dân Mỹ”. Không giấu nổi bức xúc, John McCain gọi điện cho D.Sudakov, biên tập viên tiếng Anh của báo “Pravda” với mục đích “choảng” lại V.Putin bằng một bài viết đăng trên báo này.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Robert Menendez nói với CNN rằng bài viết của V.Putin làm ông “buồn nôn” và ông không hiểu khi viết bài này V.Putin có nghiêm túc hay không. 

Trong bài viết đăng trên The Washington Post với tựa đề “Vâng, Vladimir, Mỹ là nước đặc biệt”, phóng viên Eugene Robinson viết: “Đối với tôi, khái niệm về đặc quyền đã củng cố những lập luận mạnh mẽ ủng hộ hành động quân sự của Tổng thống Obama ở Syria. Khi chúng ta nhìn thấy hơn 1.400 đàn ông, đàn bà, trẻ em chết bởi khí độc, chúng ta không lỡ quay lưng. Chúng ta tự hỏi mình phải làm một việc gì đó… Nếu Mỹ không làm thì chẳng ai làm”.

Bình luận về bài viết của V.Putin, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney gọi việc Mỹ phải có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp quốc tế là chuyện phù phiếm.

Người Mỹ có thể nổi giận vì bài viết của V.Putin trên The New York Times, tuy nhiên, họ không thể phủ nhận rằng trong tuần qua, người đối thoại với nhân dân Mỹ chính là V.Putin chứ không phải Barack Obama - The New Republic khẳng định. Theo The New Republic thì trong cuộc chơi này, chiến lược chỉ có ở một người và tất nhiên, người đó không phải là Barack obama. V.Putin đã khéo léo đạt được 2 mục đích: Chặn đứng cuộc tấn công của Mỹ vào Syria và giữ được chiếc ghế quyền lực cho Bashar Assad. Barack Obama có thể đạt được một mục tiêu buộc Bashar Assad phải giao nộp vũ khí hóa học. The New Republic kết luận: Tỷ số cuộc đấu Putin - Obama là 2 - 0.

Anh Phương (TH) 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ