Vợ chồng làm báo: Cần nhất tình yêu

"Mỗi ngày chúng tôi luôn nuôi sự hứng khởi từ chính ngôi nhà nhỏ của mình để bắt đầu công việc".

Vợ chồng làm báo: Cần nhất tình yêu
Vợ chồng làm báo: Tình yêu là cần nhất - 1Vợ chồng làm báo: Tình yêu là cần nhất - 2Vợ chồng làm báo: Tình yêu là cần nhất - 3Vợ chồng làm báo: Tình yêu là cần nhất - 4Vợ chồng làm báo: Tình yêu là cần nhất - 5Vợ chồng làm báo: Tình yêu là cần nhất - 6Vợ chồng làm báo: Tình yêu là cần nhất - 7Vợ chồng làm báo: Tình yêu là cần nhất - 8Vợ chồng làm báo: Tình yêu là cần nhất - 9

Nghề làm báo vốn vất vả, nhưng nếu như trong nhà cả hai vợ chồng cùng làm báo thì những khó khăn ấy còn nhiều hơn gấp bội. Hãy cùng lchia sẻ với đôi vợ chồng Minh Tú - Phóng viên thể thao của một trang báo mạng và chị Thu Hiền - Phóng viên, Biên tập viên truyền hình trong một ngày tôn vinh người làm báo:

Được biết, anh chị yêu nhau hơn 9 năm mới chính thức nên duyên vợ chồng. Anh chị hãy chia sẻ một chút về cuộc tình của mình?

Chúng tôi đến với nhau khi còn học cùng lớp hồi PTTH. Lúc đó chúng tôi mới chỉ hơi quý mến nhau vì anh ấy thường xuyên chép bài cho tôi. 

Tôi vẫn nhớ lời “thách đố” của cô giáo chủ nhiệm rằng khó có cặp đôi nào yêu nhau trên ghế nhà trường lại có kết thúc đẹp vì thế yêu cầu mọi học sinh phải tập trung vào học hành. 

Nghe vậy tôi hơi tự ái. Nhưng kỳ thực tôi chẳng nghĩ được xa xôi đến thế. Có người chép bài cho mình, lai mình đi học, được tặng quà mùng 8/3 thế là thích rồi.

Giờ thì chúng tôi luôn là đề tài được mọi người tranh luận nhiều nhất, mỗi lần họp lớp. 

Anh chị đến với nghề báo như thế nào?

- Thực ra, còn có một nghề mà tôi rất thích: Cảnh sát Hình sự. Tôi là con gái, chỉ cao 1m53 nhưng thích học võ, thích phim trinh thám, thích mạnh mẽ như con trai, mỗi tội giới tính của tôi lại chuẩn là Eva. Tất cả gộp lại tôi tổng kết rằng chắc là duyên chưa đến với mình.

Có người là nghề tìm đến với họ, còn chúng tôi lại là người tìm đến với nghề. Tôi đến với nghề rất tình cờ khi một chị bạn tạo cơ hội cho tôi, đề nghị tôi cùng làm báo. Lúc đầu tôi không nghĩ mình sẽ làm nhưng rồi có nhiều cơ duyên xảy ra khiến tôi làm và gắn bó với nghề báo đến tận bây giờ.

Nghề báo, đó là một nghề thú vị, nếu bạn thực sự yêu nó và nếu bạn không vì mục đích nào khác nữa. Từ khi bước vào nghề đó đến nay, cũng đã được 7 năm rồi, tôi nghĩ mình thật may mắn vì hàng ngày vẫn được làm nghề mình thích. Điều đó thật tuyệt vời.

Quen nhau từ ngày học phổ thông, vậy tình yêu đôi lứa chắp cánh thêm cho tình yêu với nghề nghề báo hay chính niềm đam mê báo chí đã khiến anh chị xích lại gần nhau hơn?

- Chúng tôi nghĩ là cả hai. Vì nếu thiếu một trong hai có lẽ chúng tôi đã không ngồi trò chuyện với bạn như bây giờ.

Nhiều người nghĩ hai vợ chồng làm cùng một nghề sẽ hiểu và thông cảm cho nhau hơn. Nhưng ngược lại cũng có ý kiến rằng sự bận rộn của hai người làm báo sẽ khiến cho gia đình bị bỏ bê? Anh chị nghĩ gì về điều này?

- Chồng tôi chuyên viết về thể thao, còn tôi thì “chưa thích” thể thao bao giờ nên khó có thể nói là có sự hỗ trợ nhau về mặt nghề nghiệp. 

Tuy nhiên, bố mẹ chồng tôi bảo rằng chúng tôi quá giống nhau, đến nỗi giờ chỉ còn thiếu có “1 nốt ruồi ở chân” thì thành một cặp song sinh vì anh đi, thì tôi cũng chuẩn bị cho kế hoạch lên đường tiếp theo.

Mỗi chuyến đi là một sự khám phá, một sự tích lũy mà tôi tin chẳng có nơi nào, sách vở nào nói hết được. Tôi chuyên về mảng văn hóa và ẩm thực. 

Đến mỗi vùng đất tôi gặp nhiều người lắm, bạn của tôi toàn người lớn tuổi, có người vừa sinh nhật tuổi 74. Họ muốn và coi tôi là bạn. Gặp gỡ họ tôi hiểu được nhiều điều.

Bạn biết không lúc chưa lấy chồng tôi nấu ăn rất tệ, thế mà giờ tôi học “ mót” được nhiều món lắm, công thức và bí quyết mà các đầu bếp “mách nhỏ” với tôi. 

Tới giờ chắc tôi thừa sức mở được nhà hàng rồi đấy. Và tôi đã mở nhà hàng. Đó là nhà hàng tại gia chỉ kinh doanh vào những ngày cuối tuần cho những người thân yêu của tôi.

Nghề báo đi nhiều, anh chị có bao giờ nghi ngờ đối phương hay không?

- Tôi nhớ như in câu nói: “Tình yêu đến với người đàn ông là qua cái dạ dày, còn đến với người phụ nữ bằng cái tai”. Chính vì vậy, tôi dán câu đó ở giường, ở bàn làm việc, và cả ở bếp nữa, nói chung là khắp nhà. Và giờ chúng tôi vẫn đang gương mẫu thực hiện đúng khẩu hiệu. Bạn thấy đấy chúng tôi vẫn chưa có dấu hiệu của sự lung lay.

Những người làm báo thường có cá tính mạnh, gia đình anh chị có tới hai người làm báo. Điều này có khi nào tạo ra những bất đồng và anh chị làm sao để dung hòa?

- Ở gia đình tôi ít khi phải sử dụng đến tính từ “ cá tính mạnh” mà bạn hỏi lắm. Vì chúng tôi gặp nhau cũng ít, những câu chuyện về con cái, về bản thân còn chưa kể hết, thời gian đâu mà phải dùng đến các động từ mạnh.

Cũng có những lúc chúng tôi bất đồng quan điểm, nhưng toàn là những lúc anh ý hoặc tôi vắng nhà. Cãi vã qua điện thoại thật khó, vì không thích bạn có thể dập máy bất cứ lúc nào. 

Nên chúng tôi toàn sử dụng email. Mà email cũng thật lạ, khi email gửi được đến người nhận, người đó đọc được email, trả lời lại bạn thì cơn giận đã nguôi rồi.

Mỗi ngày chúng tôi luôn nuôi sự hứng khởi từ chính ngôi nhà nhỏ của mình để bắt đầu công việc. Chúng tôi lựa chọn cách sống hồn nhiên với nghề của mình, không phải vật vã vì những thứ ngoài nghề nghiệp.

Chứ nếu cãi vã tay đôi, tôi nghĩ chắc chắn sẽ có bạo hành gia đình mất. Vì đáng ra phụ nữ phải là người chịu nhún nhường, nhưng tôi không quen với cách hành xử đó. Nên thiết nghĩ lại vào những lúc như thế tôi thấy hoàn cảnh gia đình hóa ra lại là hay.

Làm báo rõ ràng không phải là một việc nhàn hạ, anh chị làm thế nào để sắp xếp thời gian lo cho gia đình?

Chúng tôi rất rõ ràng trong công việc và việc nhà. Tôi đón con ngày chẵn anh đón con ngày lẻ (nếu cả hai cùng ở nhà). Nhưng hình như ít, ít lắm, vì kế hoạch này bị cả hai vợ chồng làm phá sản liên tục.

Công việc của chúng tôi đều không có thời gian cố định. Bất kể lúc nào, có điện thoại đến, là có thể ngồi vào máy tính. Con gái tôi là người có lẽ thiệt thòi hơn các bạn cùng lứa của mình. 

Bạn ý (chúng tôi coi bé như một người bạn) thường xuyên phải chơi một mình, nói chuyện một mình. Nhưng mỗi khi được các bạn hỏi, hay một người lạ hỏi bạn ý, rằng bạn ý lớn lên thích làm nghề gì bạn ý đều nói bằng giọng rất tự tin kiểu con trẻ rằng bạn ý muốn làm báo. 

Tôi tin bạn ý chẳng hiểu được hết công việc này đâu, nhưng tôi vẫn thấy thích vì hóa ra bạn ý vẫn đang rất yêu mình, không ghét công việc của bố mẹ mình. Còn kỳ thực tôi muốn bạn ý nữ tính hơn, làm một công việc nhẹ nhàng hơn.

Anh ấy hay chị là người thường xuyên phải đi công tác nhiều hơn? Trong những lúc người kia vắng nhà người còn lại đã phải xoay sở thế nào với việc cơ quan và việc nhà?

- Anh ý thường xuyên vắng nhà, nhưng chỉ vắng một đến hai ngày. Còn tôi đã vắng nhà là vắng ít nhất cũng phải cả tuần. Còn thường xuyên là nửa tháng. Những lúc như thế, bà nội bà ngoại là “phao cứu sinh” của gia đình tôi.

Kỉ niệm nào đáng nhớ nhất với anh chị từ ngày yêu tới bây giờ?

- Kỷ niệm đáng nhớ nhất của chúng tôi nhiều lắm. Nó chẳng phải là một chuyến đi chơi lãng mạn, hay một lời tỏ tình chẳng giống ai mà là những lúc con gái của tôi ốm. 

Chúng tôi phải cá cược với nhau, bốc thăm, oẳn tù tỳ và cả trò cộng toàn bộ dãy số trong một tờ tiền (đỏ đen) chỉ nhằm mục đích tìm xem ai thua, người đó sẽ phải ở nhà trông con. Và tới giờ chiến thắng vẫn đang mỉm cười với tôi.

Có có khi nào anh chị giận nhau hoặc cảm thấy cô đơn chỉ vì công việc của hai người quá bận rộn?

Chúng tôi yêu quá lâu, nên giờ vẫn chẳng hiểu được hết về nhau. Cãi vã không thường xuyên, nhưng tranh luận qua email thì nhiều lắm. 

Mỗi lần như thế tôi gặp những nguời bạn già của mình, họ dạy cho tôi cách sống, cách dung hòa mọi chuyện. Tôi đã áp dụng và giờ tôi vẫn là một học trò tiếp thu bài học tốt.

Được biết, trước ngày sinh bé Bống chị Hiền đã cố gắng cố hoàn thành cho xong một phóng sự. Chị có thể chia sẻ về câu chuyện này hay không?

- Chuyện đó cũng được đến 4 năm rồi. Lúc đó tôi đang làm chương trình Thời sự. Nhân sự thiếu, mọi người tạo điều kiện cho tôi được nghỉ trước sinh nửa tháng. Nhưng vẫn phải gửi tin biên tập đều đặn ở nhà.

Phải tới 17 giờ công việc của tôi mới hoàn thành nhưng hôm đó đến 16 giờ tôi bắt đầu đau bụng. Tin đã biên tập gần xong, không thể bỏ dở, vừa phí công và ảnh hưởng đến tiến độ công việc nên chồng tôi đã hỗ trợ bằng cách sắp đồ sinh vào giỏ và đến đúng 17 giờ tôi cũng kịp gửi email cho Tổ chức sản xuất chương trình và kịp sinh một em bé gái đáng yêu như thế này.

Là một người cha, người mẹ, có bao giờ anh chị nghĩ rằng nghề báo này đã lấy đi của anh chị nhiều thời gian hơn bên cô công chúa bé bỏng?

- Tôi nghĩ chẳng ai lấy hết của ai cái gì, bạn cứ cho đi bạn sẽ nhận lại được rất nhiều thứ. Đấy có lẽ là đầu tư. Tôi chưa bao giờ nghĩ công việc làm báo khác biệt với các công việc khác của mọi người trong xã hội. 

Vì mọi công việc đều quan trọng như nhau. Và đều cần bạn phải đầu tư tình yêu vào đó. Với nghề báo và với cả gia đình, trộm vía chúng tôi đều đang là những nhà đầu tư sinh lời nhiều lắm. Và tôi hy vọng may mắn này sẽ luôn ở bên chúng tôi.

Cuộc sống của một người làm báo luôn bận rộn, vậy anh chị đã làm cách nào để luôn giữ mãi tình yêu vợ chồng?

- Đầu năm tôi được một thầy đồ tặng cho mình chữ Nhẫn. Và tôi nghĩ với tình yêu chữ này chắc chưa khi nào thừa.

Theo anh/chị, điều gì là cần thiết để một đôi vợ chồng làm báo có thể vừa hoàn thành tốt công việc vừa có một tổ ấm tràn đầy yêu thương?

- Với tôi cả hai điều này cần nhất đó là tình yêu, vì nếu thiếu nó tôi nghĩ bạn hay tôi cũng đừng dại gì mà dính vào. Mỗi ngày chúng tôi luôn nuôi sự hứng khởi từ chính ngôi nhà nhỏ của mình để bắt đầu công việc. Chúng tôi lựa chọn cách sống hồn nhiên với nghề của mình, không phải vật vã vì những thứ ngoài nghề nghiệp.

Cảm ơn anh chị đã chia sẻ. Xin chúc tổ ấm của anh chị luôn tràn ngập tiếng cười và hạnh phúc. Chúc anh chị có nhiều sức khỏe để tiếp tục sống với niềm đam mê làm báo của mình.

Theo hn.eva.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ