Vợ chồng hãy học cách cùng nhau vượt qua sóng gió

Làm thế nào để vượt qua sóng gió, cập bến bờ bình yên là điều đòi hỏi bản thân vợ (chồng) phải không ngừng nỗ lực trau dồi những kỹ năng ứng xử trong đời sống gia đình.

Vợ chồng hãy học cách cùng nhau vượt qua sóng gió

Chị M và anh T ra tòa “đường ai nấy đi”, chấm dứt hơn 10 năm chung sống. Họ chia tay vì rất nhiều lý do. Với chị M, là do anh T gia trưởng, độc đoán, không quan tâm, thương yêu vợ con. Còn với anh T là do vợ không chịu nghe lời chồng, không biết thu vén lo lắng, chăm lo cho gia đình…

Ngày trước, chuyện tình của anh T và chị M khiến không ít người ngưỡng mộ. Để đến được với nhau, chị M phải vượt qua sự phản đối quyết liệt của gia đình. Bởi ngày đó gia cảnh của anh T quá nghèo khó, trong khi gia đình chị M lại thuộc hàng danh giá, nhà có của ăn của để. Những tưởng vượt qua bao sóng gió đến được bến bờ hạnh phúc, chuyện tình đẹp của họ sẽ ngày càng viên mãn. Nào ngờ…

Vo chong hay hoc cach cung nhau vuot qua song gio - Anh 1

Ảnh minh họa.

Thời gian đầu mới cưới, đúng là vợ chồng họ sống rất hạnh phúc. Anh T yêu thương, chiều chuộng vợ hết mực. Anh rất hãnh diện mỗi khi đưa vợ đi ra ngoài giới thiệu với bạn bè, đồng nghiệp. Bé Na chào đời, hạnh phúc vợ chồng họ như được nhân lên. Nhưng cũng từ đây, những bất đồng trong quan điểm, tính cách, nhất là quanh chuyện chăm sóc con cái ngày càng xảy ra thường xuyên.

Chị M bực bội, vì có con nhỏ mà anh T vẫn giữ nếp sinh hoạt sáng ngồi quán cà phê, chiều rủ rê chiến hữu tụm năm tụm ba rai rai đến 8, 9 giờ tối mới về nhà. Con đau ốm chỉ có một mình chị M quay mòng trong những nỗi lo. Nhiều đêm mất ngủ mệt mỏi, vất vả, lại chẳng nhận được sự đỡ đần, chia sớt của chồng, chị đâm ra bực dọc, oán chồng. Ngày ra tòa, chị M uất ức: “Thử hỏi ảnh sống vô trách nhiệm với vợ con như vậy, làm sao tôi chịu đựng cho nổi…?”. Còn anh T thì nói phát một: “Chăm con lâu nay là chuyện của người mẹ, đàn ông chúng tôi làm sao biết được mà phụ giúp”.

Chuyện bất đồng của họ không chỉ dừng lại ở đó. Khi lương tháng của hai vợ chồng chỉ ba cọc ba đồng, nhiều tháng chi không đủ, nhưng anh T thi thoảng lại giấu một ít tiền để chén thù chén tạc với bạn bè. Điều này làm chị M rất giận, bởi chồng vô lo, vô trách nhiệm với vợ con. Trong khi đó, anh T điềm nhiên “quặc” lại: “Hàng tháng, vợ chồng của bạn anh cũng thu nhập chừng ấy tiền. Vậy mà gia đình họ chi tiêu có thiếu thốn khó khăn gì đâu. Có khi nào em nghĩ bản thân không biết cách chi tiêu cho hợp lý không?”.

Nghe chồng nói vậy, chị M càng điên tiết nói đàn ông gì mà vô dụng, suốt ngày chỉ biết ăn nhậu, không biết kiếm tiền lại quay sang đổ lỗi vợ con. “Tại sao tôi lại yêu và lấy phải một người như anh?”, liền sau câu nói riết róng của vợ, anh T tát chị một cú như trời giáng vì bị xúc phạm, vì tự ái, sĩ diện của đàn ông. “Nếu cô cảm thấy ân hận khi cưới phải một thằng vô dụng như tôi thì ly hôn đi!”, anh T trợn mắt nhìn vợ rồi đóng sầm cửa lại, dắt xe bỏ nhà đi biệt mấy hôm.

Thiếu vắng sự yêu thương, thấu hiểu, sẻ chia, trách nhiệm trong đời sống vợ chồng khiến ngôi nhà của họ từ “tổ ấm” biến thành “tổ lạnh” bởi những cuộc chiến không có hồi kết. Họ không muốn nhìn mặt người kia, bởi trong lòng chất chứa quá nhiều nỗi oán giận. Sự oán trách càng ngày càng chất chồng khiến khoảng cách giữa họ mỗi ngày mỗi xa.

Vo chong hay hoc cach cung nhau vuot qua song gio - Anh 2

Ảnh minh họa.

Và, bây giờ thì đứa con gái nhỏ 9 tuổi của họ mếu máo vẫy tay chào tạm biệt ba để theo mẹ về sống cùng ông bà ngoại. Con bé không hiểu vì sao ba mẹ lại không tiếp tục sống cùng nhà. Nhiều lần, chứng kiến ba mẹ cãi nhau ầm ĩ, đập đổ đồ đạc, con bé vô cùng kinh hãi, nhưng một thời gian sau đó, cha mẹ nó cũng làm lành trở lại, nó cứ tưởng lần này cũng như những lần trước đó. Không ngờ, bây giờ ba mẹ nó quyết định không nhìn mặt nhau nữa.

Theo Phụ Nữ News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ