Việc cử quân đội tham gia các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ không chỉ là nhiệm vụ quân sự, mà còn là trách nhiệm của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế, đặc biệt là trước thách thức của đại dịch Covid-19 bao trùm thế giới.
Nhất quán với các cam kết gìn giữ hòa bình
Theo thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, với tư cách là thành viên LHQ và là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam đã thực hiện nhiệm vụ của mình và được cộng đồng quốc tế công nhận tiếng nói cũng như sự tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình. Đây là cơ hội để Việt Nam thực hiện nghĩa vụ và để văn hóa Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến rộng rãi.
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng cho biết: “Đất nước Việt Nam đã có nền hòa bình hoàn toàn và chúng ta có cơ hội tốt hơn để thực hiện nghĩa vụ của mình với các nước, đặc biệt là các nước châu Phi và Mỹ Latinh, những nước đã hỗ trợ chúng ta trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ hòa bình.
Các quốc gia này vẫn đang phải gánh chịu hậu quả của các cuộc xung đột và thách thức phi truyền thống. Họ rất mong sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Sự hiện diện của Việt Nam trong các hoạt động nhân đạo bao gồm hoạt động quân y, kỹ sư và quan sát quân sự thể hiện sự ủng hộ của Việt Nam đối với tám mục tiêu thiên niên kỷ mà LHQ đặt ra”.
Không phải đến gần đây Việt Nam mới thể hiện ý nguyện tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình. Thực tế, từ năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho LHQ để bày tỏ mong muốn Việt Nam trở thành thành viên của tổ chức này.
Trong quá trình hội nhập quốc tế, việc cử quân đội tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ giúp chúng ta đảm bảo an ninh, an toàn và góp phần xử lý hậu quả của các thách thức phi truyền thống và các thách thức khác.
Tiếp tục duy trì bệnh viện dã chiến
Trong tình huống đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và các nước châu Phi nghèo khác, những người lính gìn giữ hòa bình Việt Nam đã không quản khó khăn, đóng góp công sức hỗ trợ người dân tại các nước này.
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng cho biết: “Đây là một thách thức lớn đối với chúng ta. Tuy nhiên, Việt Nam cam kết với LHQ sẽ tiếp tục gửi quân và hoạt động của bệnh viện dã chiến cấp 2 ở Nam Sudan.
Đây là cam kết chính trị mà Việt Nam đã thực hiện với LHQ. Hội đồng Bảo an mới đây đã bỏ phiếu gia hạn các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ tại Nam Sudan và đề nghị Việt Nam duy trì hoạt động của bệnh viện dã chiến thêm 5 năm nữa. Việt Nam cần chuẩn bị thật tốt để thực hiện các cam kết của mình.
Đây cũng là cơ hội để chúng ta khẳng định những cam kết có trách nhiệm và chứng minh rằng Việt Nam có lộ trình thực hiện nghĩa vụ của mình với LHQ, nhân loại và đặc biệt là các nước châu Phi trong bất kỳ hoàn cảnh nào”.
Các bác sĩ quân y Việt Nam đã được đào tạo thêm để cập nhật kiến thức và kinh nghiệm phòng, chống đại dịch. Một số bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 đã được điều trị tại bệnh viện dã chiến của Việt Nam ở Nam Sudan.
Trường Học viện Quân y và Bệnh viện 175 đã tổ chức nhiều cuộc họp và các khóa đào tạo trực tuyến, trong khi đó, các nhân viên gìn giữ hòa bình của Việt Nam cũng tư vấn, khuyến khích, hỗ trợ người dân nước bạn thực hiện các biện pháp tương tự như đã được triển khai tại Việt Nam.
Họ gặp không ít khó khăn bởi thoạt đầu, người dân địa phương còn cho rằng nhân viên Việt Nam đeo khẩu trang bởi vì đã bị nhiễm Covid-19, chứ không phải là một biện pháp phòng chống dịch. Với nỗ lực không mệt mỏi, những người lính gìn giữ hòa bình đã tuyên truyền, vận động người dân để họ hiểu và thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus.
An toàn cho mọi kịch bản
Ngoài ra, các nhân viên gìn giữ hòa bình Việt Nam cũng đã được chuẩn bị kịch bản cho những tình huống khó khăn như Ebola, HIV và các bệnh truyền nhiễm khác ở châu Phi. Theo thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, mục tiêu tối cao là đảm bảo an toàn cho các quân nhân Việt Nam và những người khác trong quá trình hoạt động tại bệnh viện.
Tất cả các bác sĩ và nhân viên triển khai đợt này đều được tiêm phòng trước khi lên đường. Những người chưa được test lần thứ hai sẽ được test thêm một lần nữa tại nước chủ nhà.
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng và làm việc theo các kịch bản khác nhau để sẵn sàng ứng phó với mọi sự cố bất thường. Tôi hy vọng những người lính gìn giữ hòa bình Việt Nam sẽ tạo ra những bước đột phá mới.
Cam kết của chúng ta với LHQ không bao gồm việc xét nghiệm Covid-19, nhưng chúng tôi đã yêu cầu các bác sĩ quân y được gửi đi phải có năng lực thử nghiệm Covid-19, không chỉ đơn thuần là lấy mẫu và gửi đi nơi khác xét nghiệm.
Tôi cũng hy vọng rằng, họ có năng lực quản lý khu vực cách ly riêng biệt các bệnh nhân nghi ngờ nhiễm Covid-19, nhằm ngăn chặn sự lây truyền virus giữa bệnh nhân và bác sĩ, nhân viên y tế. Tôi cũng hy vọng rằng, đội ngũ này sẽ đóng góp nhiều ý tưởng và giải pháp hơn về phòng chống và kiểm soát Covid-19 ở nơi họ thực hiện nhiệm vụ”.