Việt Nam cam kết giảm 10% tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại vào năm 2030

GD&TĐ - Sáng 8/11, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo về cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia và khuyến nghị của các tổ chức phi chính phủ đối với Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Quang cảnh chung của Hội thảo
Quang cảnh chung của Hội thảo

Tại Việt Nam, mức độ tiêu thụ rượu, bia đang ở mức báo động, bình quân đầu người (trên 15 tuổi cả hai giới) quy đổi theo cồn nguyên chất năm 2016 là 8,3 lít. Đặc biệt là tỷ lệ uống rượu, bia ở mức nguy hại đang ở mức cao. Cụ thể: 44,2% nam giới và 1,2% nữ giới sử dụng rượu, bia ở mức có hại (tức là trong 30 ngày có ít nhất 1 lần uống từ 60g cồn trở lên). Do đó, sử dụng rượu, bia đang là trở ngại lớn trong việc đạt được 13 trong tổng số 17 mục tiêu và 52 chỉ tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Trong vòng 3 tháng qua kể từ khi Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia được đưa ra lấy ý kiến đã có 10 thư kiến nghị/góp ý của 6 tổ chức trong nước và quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên Hiêp Quốc, Liên minh chính sách đồ uống có cồn toàn cầu... gửi tới lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ Việt Nam.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế (cơ quan soạn thảo Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia) chia sẻ: “Trong quá trình xây dựng dự luật này, cơ quan soạn thảo đang chịu rất nhiều tác động. Các doanh nghiệp không muốn ban hành Luật Phòng, chống tác hại rượu bia. Nhưng nếu không ban hành thì ảnh hưởng tới sức khỏe, an toàn giao thông, hạnh phúc gia đình”. Cũng theo ông Quang, có những ý kiến muốn thêm hai từ “lạm dụng” vào tên của dự thảo luật.

Tuy nhiên, điều này sẽ dẫn đến việc nhiều người hiểu rằng chỉ khi lạm dụng rượu bia mới gây hại. Nhưng thực tế, bia rượu không có ngưỡng an toàn. Chỉ cần vài chén rượu, đi đường đã có thể gây tai nạn, thiệt mạng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ