Trao đổi với Tiền Phong chiều 7/5, ông Lê Vũ Quảng Sương, Phó Tổng giám đốc - Tổng Cty Thoát nước Hà Nội cho rằng, thời gian qua Cty đang thực hiện nạo vét, hút bùn, cải tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch.
“Đây là công việc nằm trong kế hoạch nạo vét, cải tạo sông hồ đã được UBND thành phố đồng ý cho công ty triển khai chuẩn bị cho mùa mưa nhiều năm nay. Riêng sông Tô Lịch, công ty đã thực hiện việc nạo vét, khai thông dòng chảy từ trước mùa mưa năm 2018; chuẩn bị cho mùa mưa năm nay, công ty đã thực hiện nạo vét bùn, khai thông dòng chảy nhiều tuần qua”, ông Sương nói.
Theo ông Sương, tuy hai bên bờ sông Tô Lịch đã được bao kè, nhưng do hệ thống nước thải sinh hoạt, kèm theo rác hiện nay vẫn đổ chảy trực tiếp xuống sông nên thường gây lắng cạn, ách tắc dòng chảy. Riêng hệ thống bùn lắng trên sông hiện nay đang dày 1 mét so với cốt đáy sông được tính toán.
Hút trên 10.000 m3 bùn khỏi lòng sông
Theo kế hoạch nào vét, cải tạo dòng chảy tại sông Tô Lịch, Cty Thoát nước đang tiến hành nào vét toàn bộ lớp bùn hiện có trên sông Tô Lịch dày khoảng 1 mét. Trong năm 2018, đơn vị đã nạo vét được hơn 10.000m3, với chiều dài lòng sông bắt đầu tư đường Hoàng Quốc Việt đến đầu đường Láng.
Hàng nghìn m3 bùn đang được nạo vét để tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch. Ảnh: Hương Bùi
Trong năm nay, đơn vị phấn đấu nạo vét dạt khoảng 40.000 m3, phạm vi nạo vét hiện nay đã đạt chiều dài từ đầu đường Láng đến cầu Cót, phấn đấu từ nay đến mùa mưa 2019 đạt đến khu vực cầu Trắng (Ngã Tư Sở).
Đề cập đến nước sông Tô Lịch từ màu đen chuyển sang trắng xanh và tạo thành dòng chảy về xuôi, ông Sương cho biết, do lòng sông từ Hoàng Quốc Việt đến cầu Cót đã được nạo vét, tạo dòng chảy và hơn một tuần qua Hà Nội có mưa to nên nước Hồ Tây dâng cao, thực hiện kế hoạch điều tiết công ty đã mở rộng các cửa xả từ Hồ Tây ra sông Tô Lịch, do vậy toàn bộ lượng nước ô nhiễm lâu nay tại đây đã được nước mưa từ Hồ Tây đẩy đi, tạo nên dòng chảy và khiến nước sông Tô Lịch trở nên trong và có màu trắng xanh như nước tự nhiên.
Liên quan đến việc xử lý mực nước chết và ô nhiễm tại sông Tô Lịch về lâu dài, ông Võ Tiền Hùng, Tổng Giám đốc Cty Thoát nước Hà Nội cho biết, hiện UBND thành phố Hà Nội đã có chủ trương triển khai 2 dự án xử lý ô nhiễm tại sông Tô Lịch. Với mực nước chết, ông Hùng cho biết, do lượng nước chảy ra sông Tô Lịch từ đầu nguồn đến cuối nguồn (trải qua 6 quận huyện và kéo dài 14 km) chủ yếu là nước thải sinh hoạt nên nguồn nước vừa ô nhiễm vừa không đủ lớn để tạo dòng chảy cho sông. Đây là nguyên nhân chính khiến lượng nước tại sông quanh năm là đứng yên (nước chết) và ô nhiễm nghiêm trọng.