Vì sao nhiều gói thầu ở Hà Nam ít nhà thầu tham dự?

GD&TĐ - Gói thầu hơn 700 tỷ đồng do BQLDA đầu tư xây dựng tỉnh Hà Nam tổ chức đấu thầu có hai nhà thầu tham dự, tỷ lệ giảm giá gần 10%.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Tính cạnh tranh lớn, nguồn vốn đầu tư được đảm bảo

Thống kê từ Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cho thấy, kể từ khi triển khai việc đấu thầu qua mạng đến nay, trên cả 4 lĩnh vực áp dụng gồm: xây lắp, hàng hóa, tư vấn, phi tư vấn đều xuất hiện những gói thầu thu hút số lượng lớn nhà thầu tham gia cạnh tranh với tỷ lệ tiết kiệm rất ấn tượng.

Không chỉ những gói thầu xây lắp quy mô nhỏ, ngay cả những gói thầu xây lắp quy mô lớn áp dụng đấu thầu qua mạng cũng ghi nhận số lượng lớn nhà thầu tham gia cạnh tranh với tỷ lệ tiết kiệm cao. Khảo sát thực tế cho thấy, tại các gói thầu này nhà thầu trúng thầu đang thể hiện năng lực triển khai các gói thầu rất tốt, đáp ứng tiến độ cung ứng theo hợp đồng đã ký kết.

Việc ngày càng có nhiều gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng đã đem lại hiệu quả tiết kiệm cao, đấu thầu qua mạng là cơ hội mở nhất hiện nay cho các nhà thầu cùng cạnh tranh. Các gói thầu đấu qua mạng càng thu hút nhiều nhà thầu tham dự sẽ càng có tỷ lệ tiết kiệm cao. Vận dụng tốt hình thức này là góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu.

Đơn cử tại Ban Quản lý dự án Đường sắt làm chủ đầu tư: Gói thầu XL-CHQL1-03 thi công xây dựng cầu Gianh, cầu Quán Hàu và các đường dẫn đầu cầu, thuộc Dự án Nâng cấp, mở rộng một số cầu, hầm trên Quốc lộ 1A, có giá gói thầu 731.414.833.000 VND, thu hút 8 nhà thầu tham gia, tỷ lệ giảm giá lên đến 35%.

Hay như gói thầu XL-CL thi công xây dựng tuyến, công trình trên tuyến, cầu đường bộ vượt đường sắt và cầu đường bộ Cẩm Lý vượt sông Lục Nam (tỉnh Bắc Giang) có giá gói thầu 405.013.050.000 VND, thu hút 14 nhà thầu tham gia, tỷ lệ giảm giá lên đến 22%.

Tại Hưng Yên, Gói thầu số 17: Thi công xây dựng công trình và đảm bảo an toàn giao thông thuộc Dự án xây dựng tuyến đường ĐT.384B (đoạntừ nút giao với tuyến đường bộ nối hai đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đến giao với ĐT 378) do Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông - xây dựng Hưng Yên làm chủ đầu tư có giá trị là 721.102.975.000 VND, sau khi mở thầu có 5 nhà thầu tham gia, tỷ lệ giảm giá lên đến 27%.

Gói thầu số 01: Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Xây dựng đường Chính Nghĩa - Phú Cường do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hưng Yên làm chủ đầu tư, có giá trị 479.452.076.000 VND, sau khi mở thầu có 5 nhà thầu tham gia, tỷ lệ giảm giá lên đến hơn 18%.

Cần đảm bảo tính minh bạch

Trên địa bàn tỉnh Hà Nam, trong thời gian gần đây, nhiều gói thầu do các đơn vị Nhà nước làm chủ đầu tư, tổ chức đấu thầu rộng rãi qua mạng, nhưng lại có số lượng nhà thầu tham gia ít, đặc biệt có những gói thầu chỉ 1 nhà thầu tham dự và trúng thầu.

Có thể kể đến như gói thầu: Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ QL.38B đến đường Đào Văn Tập địa bàn thị xã Duy Tiên do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Duy Tiên làm chủ đầu tư. Gói thầu trị giá 205.048.127.000 VND, nhưng chỉ duy nhất Công ty TNHH Xây dựng và dịch vụ thương mại Việt Phát tham gia và trúng thầu với tỷ lệ tiết kiệm sau đấu thầu chỉ 0,1%

Gói thầu số 18: Thi công xây dựng tuyến 2 (giai đoạn 1) thuộc Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ QL1A giao với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình bằng nút giao Liêm Sơn đi qua huyện Bình Lục giao với đường QL21A, QL21B, đường nối hai cao tốc Hà Nội Hải Phòng và Hà Nội-Ninh Bình; kết nối hai di tích quốc gia đặc biệt là đền Trần Thương (tỉnh Hà Nam) và Khu di tích lịch sử - văn hóa đền Trần (tỉnh Nam Định) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hà Nam làm chủ đầu tư. Gói thầu trị giá 770.888.300.000 VND, duy nhất Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C tham gia, trúng thầu với tỷ lệ tiết kiệm 0,1%.

Cũng dự án này, Gói thầu số 30: Thi công xây dựng các hạng mục bổ sung thuộc tuyến 1, tuyến 2 (giai đoạn 1) trị giá 352.491.731.000 VND, song, cũng chỉ có Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và phát triển Xuân Thành tham gia đấu thầu và trúng thầu, tỷ lệ tiết kiệm sau đấu thầu là 5%.

Gần đây nhất có gói thầu số 16 thi công xây lắp thuộc Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ song hành đường Vành đai 5 - Vùng Thủ đô Hà Nội (giai đoạn 1), đoạn từ nút giao kết nối với QL.21B (phía bờ hữu sông Nhuệ) đến nút giao với đường Lê Công Thanh giai đoạn 3 (đường 68m) và một bên đoạn từ nút giao Phú Thứ đến nút giao với đường nối hai cao tốc tại xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục.

Gói thầu do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hà Nam làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu. Gói thầu này có giá 726.455.039.000 VND, được tổ chức đấu thầu rộng rãi, một giai đoạn một túi hồ sơ.

Tại biên bản mở thầu, chỉ có 2 nhà thầu tham gia, trong đó một nhà thầu chỉ giảm 1%, nhà thầu còn lại giảm 10% (chênh nhau giữa hai nhà thầu 9%, tương đương tiết kiệm gần 70 tỷ đồng cho chủ đầu tư). Hiện, gói thầu đang trong giai đoạn chấm thầu.

Cũng các dự án xây dựng công trình giao thông được triển khai (Hưng Yên, Bắc Giang) mở thầu trong thời gian vừa qua có số lượng đông đảo nhà thầu tham gia, tính cạnh tranh về giá cao. Điều này đã mang lại lợi ích lớn, tiết kiệm vốn đầu tư cho Nhà nước.

Tại Hà Nam, gói thầu có ít nhà thầu tham gia dự thầu, tỷ lệ giảm giá khiêm tốn. Điều này có thể dẫn đến tính cạnh tranh thấp, tỷ lệ giảm giá gói thầu không cao.

b1.jpg
Hà Nam là một trong những địa phương có số lượng nhà thầu trung bình tham gia 1 gói thầu thấp với 1,19 nhà thầu/gói thầu.

Top 10 địa phương có tỷ lệ tiết kiệm thấp

Tính đến thời điểm ngày 8/12/2024, theo thống kê từ Hệ thống Mạng đấu thầu Quốc gia, TOP 5 địa phương có tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu qua mạng cao là: Đồng Tháp đạt tỷ lệ tiết kiệm 8,64%, Quảng Nam 7,59%, Khánh Hòa 7,51%, Cần Thơ 7,02%, Đà Nẵng 6,56%.

Đối với lĩnh vực thường có tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu hạn chế nhất là xây lắp, thì các địa phương TOP đầu cũng đạt mức tiết kiệm khá cao. Theo đó, Khánh Hòa đạt tỷ lệ tiết kiệm sau đấu thầu lĩnh vực xây lắp là 8,23%, Đồng Tháp 7,32%, Quảng Nam 7,28%, Đà Nẵng 6,2%, An Giang 6,13%. Trong lĩnh vực mua sắm hàng hóa, địa phương tiết kiệm cao nhất là Đồng Nai với mức 15,4%. Cà Mau dẫn đầu về tiết kiệm trong lĩnh vực dịch vụ phi tư vấn với 24,52%. Tây Ninh đứng đầu về tiết kiệm trong lĩnh vực tư vấn với 18,47%...

Theo thống kê, TOP 10 địa phương có tỷ lệ tiết kiệm thấp trong đấu thầu qua mạng gồm: Hà Nam (0,7%), Tuyên Quang (0,7%), Thanh Hóa (0,86%), Điện Biên (0,91%), Bắc Kạn (0,97%), Lào Cai (1,04%), Sơn La (1,1%), Nam Định (1,14%), Đắk Nông (1,15%), Yên Bái (1,31%).

Điểm trùng hợp là nhiều địa phương trong TOP 10 địa phương có tỷ lệ tiết kiệm thấp sau đấu thầu qua mạng cũng nằm trong TOP 10 địa phương có số lượng nhà thầu trung bình tham gia 1 gói thầu thấp. Hà Nam là một trong những địa phương có số lượng nhà thầu trung bình tham gia 1 gói thầu thấp với 1,19 nhà thầu/gói thầu.

Theo một chuyên gia đấu thầu, cùng trên một nền tảng pháp lý nhưng thực tiễn đấu thầu ở các địa phương rất khác nhau. Nhiều địa phương số lượng nhà thầu tham gia nhiều, tiết kiệm cao qua đấu thầu. Ngược lại, nhiều địa phương gần như không có cạnh tranh trong đấu thầu khi rất nhiều gói thầu chỉ có 1 nhà thầu tham dự, tiết kiệm qua đấu thầu không đáng kể.

Một số nhà thầu (đề nghị không nêu tên) chia sẻ, hiện nay dù đấu thầu qua mạng nhưng cùng lĩnh vực, nhất là cùng địa phương, nhà thầu thường phân chia ngầm thị trường. Khi quyết định tham gia đấu thầu (nhất là ở địa bàn không quen thuộc), nhà thầu phải xem xét rất kỹ về quan hệ ở địa phương, bên mời thầu, chủ đầu tư... để cân nhắc tham gia đấu thầu, đồng thời tính việc đảm bảo quá trình triển khai thực hiện gói thầu thuận lợi, hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ