Chắc hẳn, các phụ huynh đều đã nghe về tầm quan trọng của lòng tự tôn ở trẻ em và đặc biệt là “lòng tự trọng tích cực”. Song, chính xác điều đó là gì và vì sao lại quan trọng thì không phải là điều tất cả mọi người đều hiểu.
Chắc chắn về bản thân
Nói một cách đơn giản, lòng tự trọng tích cực là khi mọi người cảm thấy hài lòng về bản thân.
Theo các chuyên gia, điều quan trọng là phụ huynh cần tìm hiểu về lòng tự trọng tích cực. Đồng thời, hãy giúp trẻ xây dựng lòng tự trọng đó. Những đứa trẻ có lòng tự trọng tích cực luôn cảm thấy tự tin và hiểu rõ khả năng của bản thân. Những trẻ này coi trọng bản thân và khả năng của mình. Đồng thời, trẻ cũng tự hào về những điều mình có thể làm và muốn cố gắng hết sức.
Khi trẻ tự tin và chắc chắn về bản thân, nhiều khả năng, các em sẽ có tư duy phát triển. Điều đó có nghĩa là trẻ có thể thúc đẩy bản thân đón nhận những thử thách mới, đương đầu khó khăn cũng như học hỏi từ những sai lầm. Trẻ cũng có nhiều khả năng tự đứng lên và yêu cầu sự giúp đỡ khi cần.
Các chuyên gia cho biết, trẻ em phát triển lòng tự trọng tích cực bằng cách làm việc chăm chỉ để đạt được mục tiêu. Trẻ cũng sẽ nhận thấy sự chăm chỉ của mình đã được đền đáp.
Cha mẹ có thể để trẻ tự hoàn thành mọi việc được cho là cần thiết để đối mặt với những thử thách mới. Thành công sẽ khiến trẻ cảm thấy hài lòng về bản thân. Khi đó, trẻ sẽ học được rằng, dù gặp thất bại cũng không phải là điều đáng xấu hổ.
Khi trẻ em làm tốt một việc gì đó, người thân và bạn bè cũng sẽ tự hào về thành quả này. Phản hồi đó từ mọi người xung quanh sẽ khiến trẻ cảm thấy dễ chịu. Theo thời gian, trẻ có xu hướng tiếp tục xây dựng lòng tự trọng tích cực.
Khi có lòng tự trọng tích cực, trẻ sẽ cảm thấy được tôn trọng, kiên cường và tự hào ngay cả khi bản thân mắc sai lầm. Đồng thời, trẻ cũng có ý thức kiểm soát các hoạt động và sự kiện trong cuộc sống của mình.
Những trẻ có lòng tự trọng tích cực thường hành động độc lập và dám chịu trách nhiệm về những gì mình đã làm. Các em cũng sẽ cảm thấy thoải mái và an toàn trong việc hình thành mối quan hệ. Đồng thời, trẻ luôn can đảm để đưa ra quyết định đúng đắn, ngay cả khi đối mặt với áp lực.
Một số trẻ tự ti khi gặp thất bại ở trường học. |
Khi trẻ thiếu tự trọng
Vì nhiều lý do, không ít trẻ em gặp khó khăn trong việc xây dựng và duy trì lòng tự trọng tích cực. Một lý do phổ biến là trẻ gặp khó khăn trong trường học. Nếu trẻ gặp thất bại ở trường học, các em có thể không nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người lớn hoặc bạn cùng lứa. Khi đó, phản hồi mà trẻ nhận được thường là tiêu cực. Bởi, trẻ sẽ liên tục nghe về những điều mà bản thân đã làm không tốt.
Trong một số trường hợp, trẻ có thể nhận được phản hồi tích cực không chân thành. Điều đó có thể khiến trẻ không tin tưởng vào những người được cho là sẽ giúp mình. Hoặc, trẻ cũng có thể trở nên cảnh giác với những người được cho là “bạn bè”. Hậu quả là, trẻ cảm thấy ít chắc chắn hơn về bản thân và khả năng của mình. Trẻ có thể không cảm thấy có động lực để đối mặt với những thử thách và sẽ gặp khó khăn khi mắc sai lầm. Trong sâu thẳm, trẻ có thể không tin rằng mình xứng đáng được đối xử tốt hoặc thành công.
Những đứa trẻ thiếu tự trọng cũng có thể thường xuyên cảm thấy thất vọng, tức giận, lo lắng hoặc buồn bã, mất hứng thú học tập. Trẻ cũng có xu hướng gặp khó khăn trong việc kết bạn và duy trì các mối quan hệ. Bởi, trẻ có nhiều khả năng bị trêu chọc hoặc bắt nạt. Vì những yếu tố này, trẻ sẽ trở nên thu mình hoặc nhượng bộ trước áp lực của bạn bè.
Sự thiếu tự trọng sẽ khiến trẻ phát triển những cách tự đánh bại bản thân để đối phó với thách thức, như: Bỏ cuộc, tránh né, im lặng và từ chối. Những đứa trẻ thiếu tự trọng cũng có thể gặp khó khăn hơn trong việc tự đứng lên. Nói cách khác, trẻ gặp khó khăn trong việc phát triển các kỹ năng tự vận động mạnh mẽ.
Giúp trẻ xây dựng lòng tự trọng tích cực
Các cha mẹ không nên quá lo lắng, bởi, phụ huynh hoàn toàn có thể giúp trẻ xây dựng lòng tự trọng. Trẻ em có thể học cải thiện cách mình nhìn nhận và đánh giá bản thân. Các phụ huynh hãy trở thành người chăm sóc, hỗ trợ, nhưng không quá bao bọc con. Đó là “chìa khóa” để xây dựng lòng tự trọng ở trẻ. Cha mẹ cũng có thể nhờ tới sự hỗ trợ từ giáo viên.
Điều quan trọng là phụ huynh hãy khen trẻ theo cách xây dựng lòng tự trọng. Hãy dạy trẻ tự hào về những nỗ lực và thành tích của mình. Khen ngợi nỗ lực của trẻ, nhưng không khen ngợi mọi thứ con làm. Trẻ em biết khi nào mình thành công, làm việc chăm chỉ và khi nào chưa.
Tình bạn cũng là một phần quan trọng giúp xây dựng lòng tự trọng tích cực. Điều đó không có nghĩa là trẻ em phải có rất nhiều bạn bè hoặc nổi tiếng. Chỉ cần có một người bạn chấp nhận con người của trẻ, điều đó cũng có thể tạo nên sự khác biệt. Cha mẹ cũng có thể tìm hiểu về cách giúp trẻ kết nối với những bạn cùng lứa. Đồng thời, nghe ý kiến từ chuyên gia về những việc cần làm nếu trẻ có vẻ không “phù hợp” với những phương pháp đó.
Ngoài ra, cha mẹ có thể giúp trẻ khám phá những điểm mạnh để phát triển. Phụ huynh thậm chí có thể giúp con mình thiết lập một “mỏ neo năng lực” để xây dựng lòng tự trọng. Một “mỏ neo năng lực” giúp trẻ kích hoạt ký ức về những điều chúng đã làm tốt trong quá khứ. Điều đó cho phép trẻ tận dụng niềm vui và sự tự tin. Nhờ vậy, mang theo cảm giác đó khi trẻ đương đầu với thử thách.