Chiếc máy bay của EgyptAir biến mất bí ẩn trên Địa Trung Hải. Ảnh minh họa: AVHerald |
Khi cuộc điều tra vụ chiếc máy bay MS804 của hãng hàng không Ai Cập EgyptAir chở 66 người rơi ở Địa Trung Hải vẫn đang tiếp tục, các tổ chức khủng bố trên thế giới lại im lặng một cách khó hiểu trước thảm kịch này.
Chiếc máy bay biến mất khỏi màn hình radar rạng sáng ngày 19/5, và đã 4 ngày trôi qua, chưa có bất cứ tổ chức khủng bố nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ này, trái ngược với nhiều vụ rơi máy bay trước đây, theo hãng phân tích chiến lược Stratfor.
Theo các chuyên gia phân tích của tổ chức tư vấn này, nếu MS804 gặp nạn vì một quả bom nổ trên khoang, hai tổ chức có nhiều khả năng nhất đứng sau vụ việc là phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) và al-Qaeda. Hai nhóm này đều có mạng lưới truyền thông phức tạp, có thể nhanh chóng đưa ra tuyên bố nhận trách nhiệm, giống như những gì xảy ra với chuyến bay 9268 của hãng MetroJet Nga rơi trên bán đảo Sinai năm ngoái.
Trong vụ đó, IS đã đứng ra nhận trách nhiệm thực hiện hành động gài bom trên máy bay ngay trong ngày. Nhóm này cũng rất nhanh chóng nhận trách nhiệm đối với các vụ tấn công ở Brussels, Jakarta và Paris trong vòng 2-3 ngày. Tương tự, tổ chức al-Qaeda cũng thường nhận trách nhiệm đối với các vụ tấn công nhắm vào các khách sạn ở Tây Phi trong 1-2 ngày.
Dựa trên các mô hình này, giới phân tích cho rằng nếu IS, al-Qaeda hay bất cứ nhánh khủng bố khu vực nào đánh bom chiếc máy bay MS804, đến giờ này các nhóm đó đã phải đưa ra tuyên bố nhận trách nhiệm.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây không phải là lý do để loại trừ khả năng xảy ra vụ tấn công khủng bố trên chiếc máy bay xấu số. Nhiều kẻ cực đoan thực hiện các vụ tấn công lấy cảm hứng từ hành động của IS hay al-Qaeda mà không hề được các nhóm này ra chỉ thị hoặc hướng dẫn.
Bởi vậy, nếu đây là vụ tấn công của một kẻ hành động một mình từng náu mình ở Pháp, Tunisia hay Eritrea, những khu vực chiếc máy bay đã có mặt trong 24 giờ trước khi gặp nạn, các nhóm khủng bố cũng sẽ phải mất thời gian để xác minh kẻ đó có phải thuộc nhóm mình hay không.
Các mảnh vỡ và hành lý của hành khách trên chiếc máy bay được tìm thấy. Ảnh: CNN |
Trong vụ xả súng ở San Bernardino, Mỹ, những kẻ tấn công tuyên bố mình trung thành với IS trước khi hành động, tuy nhiên nhóm này phải mất ba ngày mới đưa ra lời tán dương hành động của chúng, nhiều khả năng là vì những tay súng này không phải do IS trực tiếp phân công thực hiện các vụ khủng bố.
Các chuyên gia của Stratfor còn có một cách lý giải nữa là một nhóm khủng bố nào đó đã tìm ra được phương cách mới để tấn công máy bay, và không muốn lộ mặt nhằm thực hiện tiếp các vụ tấn công tương tự trong tương lai.
Vụ đánh bom chuyến bay 434 của hãng hàng không Philippines Airlines hồi tháng 12/1994 đã không có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm, vì những kẻ lên kế hoạch tấn công đã hy vọng có thể cải tiến thiết bị gây nổ sử dụng trong vụ này để thực hiện một cuộc tấn công lớn hơn nhắm vào 10 hãng hàng không xuyên Thái Bình Dương.
Các vụ dùng bom đế giày năm 2001 và bom quần lót năm 2009 nếu thành công, các điều tra viên sẽ phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm mới có thể tìm ra nguyên nhân khiến chiếc máy bay gặp nạn, tạo điều kiện cho những kẻ khủng bố thực hiện các vụ tấn công tương tự. Rất có thể một kẻ chế tạo bom nào đó đã tìm ra cách tuồn một quả bom lên MS804 bằng phương pháp mà nhà chức trách chưa hề biết tới, và bọn khủng bố đang muốn che giấu điều đó.