Về tỉnh Đông trảy hội đầu xuân

GD&TĐ - Là một trong những vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, Hải Dương (một thời được gọi là tỉnh Đông, là trấn thứ nhất trong bốn kinh trấn và là phên giậu phía Đông của kinh thành Thăng Long) cũng là vùng văn hóa và tâm linh lớn của cả nước, có rất nhiều lễ hội đặc sắc, độc đáo, mang đậm tín ngưỡng dân gian, thu hút hàng ngàn du khách đến tham quan, trẩy hội mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Lễ rước kiệu mở màn hội Côn Sơn - Kiếp Bạc 2018
Lễ rước kiệu mở màn hội Côn Sơn - Kiếp Bạc 2018

Cũng như bao vùng quê truyền thống Bắc Bộ, mỗi dịp xuân về, Hải Dương, vùng đất có trên 2.207 di tích lịch sử, danh thắng (trong đó có 144 di tích được xếp hạng quốc gia và một khu di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc) lại tưng bừng diễn ra nhiều lễ hội đặc sắc.

Trong đó, Lễ hội mùa thu và mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc hàng năm luôn hứa hẹn đem lại những ấn tượng đặc biệt, riêng có về một không gian văn hóa lễ hội nhiều sắc màu, đậm đà bản sắc văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của dân tộc thông qua nhiều hoạt động giàu ý nghĩa nhân văn và có giá trị giáo dục lịch sử sâu sắc.

Riêng Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc diễn ra nhiều ngày vào dịp trung tuần tháng Giêng âm lịch hàng năm. Song ngay từ sau ngày mùng 1 Tết, Côn Sơn, Kiếp Bạc đã tấp nập du khách hành hương. Đây là quần thể di tích lịch sử đặc biệt quan trọng của quốc gia. Côn Sơn còn lưu giữ được nhiều dấu tích văn hóa đời Trần và những giai đoạn lịch sử kế tiếp, tiêu biểu như chùa Hun, Giếng Ngọc, Bàn Cờ Tiên, Ngũ Nhạc Linh Từ, Thạch Bàn, đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Trần Nguyên Đán.

Năm nay, điểm nhấn của Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc là Lễ đúc chuông chùa Côn Sơn diễn ra vào ngày 20/2 (tức 16 tháng Giêng âm lịch). Lễ đúc chuông chùa Côn Sơn dự kiến được tổ chức tại sân trước gác chuông chùa Côn Sơn. Chuông nặng 1,2 tấn, cao 1,8m và có đường kính miệng chuông là 1,2m. Chuông chùa Côn Sơn treo ở tam quan nội, được phục dựng theo mẫu chuông chùa Vân Bản có niên đại thế kỷ thứ 14 thời Trần, gắn với chùa Vân Bản, tháp Tường Long ở vùng Đồ Sơn (thành phố Hải Phòng). Chuông chùa Vân Bản có hình trụ đứng, miệng loe, trang trí rồng trên quai, băng cánh sen trên các núm gõ và vành miệng, phản ánh đặc trưng nghệ thuật Phật giáo thời Trần…

Là vùng đất địa linh nhân kiệt, Hải Dương không chỉ có lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc. Lễ hội chùa Bạch Hào ở xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà cũng rất thu hút du khách bởi không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, mà còn có những trò chơi dân gian cực kỳ phong phú. Lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 5, 6 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Từ sáng sớm ngày mùng 5 tháng Giêng, tại sân các nhà văn hóa thôn đã chật cứng người. Các cụ già mặc áo the, khăn xếp, các bà đi chùa mặc áo nâu, thanh niên nam nữ trong trang phục truyền thống của lễ hội, ai nấy đều hân hoan, tham gia đám rước.

Về Hải Dương vào tháng 2 âm lịch, du khách còn được dự hội Văn Miếu. Người Hải Dương và khắp các tỉnh, thành lại tề tựu về dự lễ hội, báo công, dâng hương tưởng nhớ các bậc danh nhân, tiên hiền của đất nước; xin chữ, cho chữ đầu năm. Hằng năm vào ngày “Đinh” đầu tháng “Trọng xuân” (18/2) và “Trọng thu” (20/8), trấn Hải Dương tổ chức lễ tế Khổng Tử, các quan đầu trấn, đầu phủ cùng cử nhân, tiến sĩ về làm lễ trọng thể, nêu cao truyền thống “Hiếu học và tôn sư, trọng đạo” của người tỉnh Đông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ