Về Bừng nghe chuyện làm cách mạng

Về Bừng nghe chuyện làm cách mạng

(GD&TĐ) - Chiến khu Bừng (Tân Thanh, Lạng Giang, Bắc Giang) là một địa danh giàu truyền thống cách mạng, một làng kháng chiến anh hùng trong những năm đánh Pháp. Tên làng Bừng được đặt trong thời kỳ ấy để ghi nhớ ngày cả làng đồng lòng đi theo cách mạng, với hàm ý bừng cháy, sục sôi theo Đảng, theo Bác Hồ giành lại tự do, độc lập cho dân tộc.

Người du kích cuối cùng của chiến khu xưa

Con đường làng đất sỏi quanh co đưa chúng tôi đến nhà ông Giáp Văn Thủ, Bí thư chi bộ thôn Thuận. Không chỉ tham gia công tác tốt, ông Thủ còn là người làm kinh tế giỏi trong thôn bằng VAC (vườn – ao - chuồng). Đáng tiếc gia đình ông chỉ là số ít những người có kinh tế khá giả ở đây bởi làng Bừng vốn là vùng trũng, điều kiện mọi mặt còn nhiều khó khăn. "Dân làng chưa có điều kiện làm kinh tế khi mà tư duy vẫn luẩn quẩn với mảnh ruộng, con gà" ông Thủ cười buồn. 

Câu chuyện với ông Thủ đưa chúng tôi về thời kỳ đầy cam go khi thực dân Pháp tiến hành khủng bố trắng vào những năm đất nước mới có sự lãnh đạo của Đảng. Theo chủ trương Ban cán sự Đảng tỉnh Hà Bắc lúc đó, trên cử hai đồng chí Ngô Sĩ Tiếp và Nguyễn Trọng Tuấn (tức Duệ) về làng Bừng gây dựng cơ sở cách mạng tại gia đình cụ Lý Cựu. 

Các đồng chí đã bắt mối được với cụ Giáp Văn Oanh và cụ Hoàng Hoa Phẩm. Nhiều tài liệu, sách báo của cấp trên được chuyển về phục vụ công tác tuyên truyền cách mạng qua hai đầu mối này. Tính từ dấu mốc đó, cụ Oanh và cụ Phẩm vẫn được coi là hai người làng Bừng đầu tiên theo cách mạng. Năm 1944, đồng chí Hà Thị Quế cùng một số đồng chí khác về Bừng kiểm tra phong trào và tổ chức một cuộc họp với cơ sở cách mạng tại nhà ông Hoàng Hoa Phẩm. Trong cuộc họp, đồng chí Hà Thị Quế đã chọn làng Bừng làm căn cứ an toàn để mở các lớp huấn luyện chính trị, quân sự, đặt đầu mối liên lạc, một cứ địa an toàn mỗi khi đi, về của cán bộ cấp trên. 

Một trong những người làng Bừng là nhân chứng cho những ngày sục sôi cách mạng ấy nay còn sống là cụ Giáp Văn Sâm, năm nay 90 tuổi. Dù đã hơi lẫn, giác quan đã kém linh hoạt nhưng khi nghe hỏi về làng Bừng kháng chiến, cụ như linh mẫn hẳn. Cụ kể chuyện tự vệ làng Bừng bắt tên phản động Võ Sỹ Luân rất hào hứng. 

Hôm đó, tự vệ tổ chức lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Văn Khẩn vừa hy sinh. Phát xít Nhật đã cho hai tên mật thám về làng dò la, trong đó tên Luân vốn là một võ sư có tiếng từng thượng đài với nhiều cao thủ trong nước. Bằng mưu trí và cả sức mạnh, đội tự vệ do ông Hoàng Minh Bạch chỉ huy đã bắt sống hai tên mật thám, sau khi tra hỏi đã tổ chức tuyên án và xử tử làm gương. Sau vụ đó, danh tiếng làng Bừng theo cách mạng kháng Pháp lan truyền khắp nơi. 

Đội tự vệ đầu tiên của làng có 12 người, sau phát triển thành 30 người. Đội du kích làng Bừng đến nay chỉ còn cụ Hà Văn Cứ ngoài 90 tuổi. Người du kích cuối cùng của làng Bừng thời ấy bây giờ run run, nghễnh ngãng, không còn nhớ được nhiều chuyện. Người thân của cụ đành đưa chúng tôi đến thăm nơi tự vệ làng Bừng bắt tên mật thám. Khoảnh đất ấy giờ trồng đầy khoai sắn còn đâu thấy dấu tích quá khứ. 

v
Người dân làng Bừng tự hào khoe Bằng có công với nước được Chủ tịch nước trao tặng 

Đổi thay trên quê hương cách mạng

Lịch sử Đảng bộ xã Tân Thanh ghi rằng, năm 1946, khi kháng chiến bùng nổ cũng là năm chi bộ Đảng đầu tiên của xã ra đời. Nơi đây trở thành cầu nối, giữa chiến khu và vùng địch. Chín năm đánh Pháp, quân, dân Tân Thanh đã đánh gần 20 trận, diệt gần 200 tên địch, thu nhiều trang bị khí tài quân sự. Góp sức cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Tân Thanh động viên 120 thanh niên nhập ngũ, 300 dân công tiền tuyến, góp hàng trăm tấn lương thực cho chiến sĩ. Ngoài danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho quân dân Tân Thanh, xã cũng có một cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 113 liệt sĩ, một Mẹ Việt Nam anh hùng... 

Phát huy truyền thống anh hùng, hiện nay Đảng bộ xã có 17 chi bộ, gần 300 đảng viên làm nòng cốt, đầu tàu cho mọi hoạt động kinh tế, xã hội của nhân dân. Sáu năm sau ngày đón nhận danh hiệu Anh hùng, một lần nữa người dân Tân Thanh lại thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh chống lại nghèo nàn, lạc hậu bằng chính sức mạnh nội tại từ truyền thống hào hùng của cha ông. 

Nhờ thay đổi cơ cấu sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng nên tổng sản lượng lương thực hàng năm đã đạt gần năm nghìn tấn, trung bình gần 500kg/người. Tính tổng giá trị từ các ngành nghề khác, người dân Tân Thanh có thu nhập bình quân hơn tám triệu đồng/người/năm, một con số không phải là nhỏ đối với một xã thuần nông. Không dừng lại ở những kết quả đó, Đảng bộ, chính quyền xã đã quy hoạch và đưa vào sản xuất tập trung vùng vải thiều gần 800ha; tổ chức và nhân rộng nhiều mô hình nuôi con đặc sản: Nhím, rắn, lợn rừng, chim, dế. Những mô hình kinh tế tiên phong, mũi nhọn đó đã góp phần nâng cao mức sống của người dân trong xã, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn chưa đầy 6%. Đảng bộ xã Tân Thanh cũng nhờ thế mà nhiều năm liền được công nhận là Đảng bộ "trong sạch vững mạnh" của huyện.

Trong những năm qua mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Tân Thanh là xã thường xuyên thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng bằng các việc làm cụ thể như: Thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia, công tác giáo dục - đào tạo được chăm lo cả về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, môi trường giáo dục được cải thiện. Trẻ em nghèo hiếu học, trẻ em khuyết tật thường xuyên được chăm sóc, giúp đỡ. 100% trẻ em được khám sức khoẻ thường xuyên. Trên địa bàn xã không có trẻ em lang thang, không có trẻ em bị ngược đãi và bạo hành… 

Trở lại với làng Bừng kháng chiến, những nỗi niềm đau đáu của ông Bí thư chi bộ Giáp Văn Thủ về một cuộc cách mạng trong đời sống người dân nơi đây như chưa lúc nào nguôi ngoai. Làng nghèo, đất khó nhưng con người giàu nhiệt huyết, giàu truyền thống cách mạng nơi đây không thể mãi cam chịu đói nghèo. Từ những mô hình kinh tế như gia đình ông Thủ, bốn thôn làng Bừng đã có thêm hàng chục hộ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từ trồng lúa sang làm VAC, nuôi con đặc sản... 

Đứng trên nền đất đình làng Bừng, ngôi đình một thời là nơi hội họp, nghỉ ngơi của nhiều đồng chí cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa, ông Thủ nói với chúng tôi mà như tự nói với mình. Ngoài kia, phía cánh đồng lúa xanh mát mắt, làng Bừng đang bừng tỉnh, dường như một cuộc cách mạng nữa, để rời xa nghèo khó bắt đầu nảy mầm. 

Hà Trần

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ