Theo làn sóng đó, những chiếc xe đạp cứ thế dần biến mất. Nếu có còn thì chỉ lóc cóc vài ba chiếc đầy “cô đơn” giữa dòng xe gắn động cơ ầm ào...
Ngạc nhiên thì cứ ngạc nhiên thôi vì thực sự Hội An đang hướng đến... “thành phố xe đạp” như thế đấy. Mới đây thành phố này đã phê duyệt đề án phố đi bộ và xe không động cơ đường Phan Chu Trinh, với lộ trình bắt đầu thực hiện từ ngày 1/3/2020.
Thực ra, đâu phải đến bây giờ Hội An mới thực hiện việc mở rộng thêm các tuyến phố đi bộ. Việc này đã được thành phố thực hiện từ năm 2004 cho đến nay. Hàng loạt các tuyến phố đi bộ đã được tổ chức thành công như đường Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Huệ, các tuyến phố ở phía Đông Hội An...
Và càng ngạc nhiên hơn nữa khi người dân đều ủng hộ việc chính quyền từng bước hiện thực hóa để Hội An trở thành “Thành phố xe đạp, thành phố không động cơ” - một việc làm mà chính lãnh đạo thành phố vẫn chưa hẳn tự tin là sự thật, khi nói rằng có phần... “lãng mạn”.
Có lẽ, cũng lãng mạn thật khi người dân Hội An dám “đi ngược” với xu thế hiện đại hóa hiện nay, sẵn sàng trở về thời... bao cấp - xe đạp ơi. Nhưng cũng không có gì lãng mạn khi người dân Hội An sớm nhận thấy những lợi ích từ cuộc... “trở về” này. Đấy là họ sẽ có được một không gian sống an toàn hơn, trong lành hơn vì bớt bị ô nhiễm khói bụi lẫn tiếng ồn.
Và quan trọng hơn bao giờ hết với một không gian tĩnh mịch ấy, văn minh ấy giúp họ giữ được những nếp xưa của phố cổ để mà tiếp tục “quyến rũ” du khách say mê tầng tầng lớp lớp di sản văn hóa của thành phố cổ kính Hội An. Chợ đêm Trần Quý Cáp, bảo tàng nghề y được mở, điểm trình diễn nghề xí mà đông đúc, Hội quán Hải Nam vang vọng tiếng đàn dân tộc, nhà số 31 Nguyễn Thái Học cuốn hút với những suất biểu diễn hát bội, đường Nguyễn Huệ nhộn nhịp các trò chơi dân gian...
Thế đấy, chẳng phải sao khi đây là một sự thay đổi đầy “cách mạng” của một nhận thức văn hóa hoàn toàn mới từ chính quyền và nhân dân Hội An. Và, sự “trở về” với... xe đạp để không gian sống của mình thêm văn minh, sang trọng; để giảm bớt áp lực đồng thời giữ gìn và phát huy giá trị di sản này thì cũng thật đáng để nhiều thành phố khác “trở về” lắm chứ? Nhất là, với Thủ đô Hà Nội có khu phố cổ chứa đựng trong mình biết bao giá trị di sản có tuổi đời cả ngàn năm...?