Trải nghiệm cùng di sản

GD&TĐ - Ngày 31/3, các bạn học sinh Trường THPT Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội đã có buổi trải nghiệm vô cùng ý nghĩa và đáng nhớ tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đây là chương trình Giáo dục tích hợp nhiều hoạt động ý nghĩa cho học sinh cấp THPT.

HS Trường THPT Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội trải nghiệm di sản
HS Trường THPT Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội trải nghiệm di sản

Chương trình trải nghiệm gồm 3 phần:

Phần 1: Các em được tìm hiểu về di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, tổ chức Dâng hương lên các bậc Tiên thánh tiên hiền và Thầy giáo Chú Văn An;

Phần 2: Các em được Tổ chức Kết nạp Đoàn hết sức trọng thể và tự hào, sau đó các bạn được cô chủ nhiệm và đại diện cha mẹ học sinh biểu dương, trao quà cho các đoàn viên, học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập và công tác đoàn. Các bạn học sinh lớp 10D cảm thấy hết sức tự hào và xúc động.

Chương trình kết nạp Đoàn của HS Trường THPT Quang Trung
Chương trình kết nạp Đoàn của HS Trường THPT Quang Trung

Phần 3: Trải nghiệm Giáo dục Di sản tại di tích. Có thể nói, phần trải nghiệm Giáo dục Di sản này mang lại cho các em nhiều bất ngờ thú vị.

Bất ngờ đầu tiên là chủ đề các bạn được tìm hiểu như là một cuộc hành trình khám phá bí ẩn, đó là chủ đề: Đi tìm linh vật trên kiến trúc cổ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Bất ngờ thứ hai là: có nhiều linh vật các bạn đã quen thuộc nhưng thực sự hôm nay mới biết được ý nghĩa của chúng, mà ý nghĩa khác nhau ở mỗi thể thức, đặc biệt là chỉ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám mới mang ý nghĩa đó.

Bất ngờ thứ ba là “sao chương trình trải nghiệm này lại giúp học sinh chúng mình đoàn kết đến thế” – bởi nếu không làm việc nhóm thì sao mà tìm hiểu được hết những ý nghĩa thú vị và bổ ích ấy được…

Chương trình trải nghiệm di sản mang lại nhiều hứng thú cho HS
Chương trình trải nghiệm di sản mang lại nhiều hứng thú cho HS 

Chương trình cùng với sự hướng dẫn tận tình của các Cán bộ Giáo dục (P. Giáo dục Truyền thông, Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám) đã khơi gợi, hướng dẫn các em những kĩ năng về học tập, làm việc nhóm, quan sát và nhận định hiện tượng, sự vật… giúp các em học sinh tìm hiểu sâu hơn giá trị Di sản văn hóa đặc sắc của Di tích mà ông cha để lại cho các em – những thế hệ tương lai của đất nước.

Giáo dục trải nghiệm di sản cũng là một cách tiếp cận mới để các em tự lĩnh hội kiến thức, đồng thời phát triển toàn diện nhân cách.

Bài học không chỉ là lời giảng, lời kể, mà học sinh thích được thực hành, được chơi trên sân trực tiếp. Những bài học mà các em tự thu nhận được từ trải nghiệm thực tế chắc chắn sẽ có tính chất gợi mở để học sinh tự tìm tòi, khám phá. Cũng như từ đây HS được nâng cao nhận thức về bảo tồn di sản, để các di sản văn hóa luôn được “sống” trong lòng người" bắt đầu ngay từ tuổi thơ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ